ĐBQH Đặng Thành Tâm: Tôi không muốn người ta nghĩ mình PR

29/05/2013 10:53 AM |

Đoàn ĐBQH TPHCM. Phiên thảo luận tổ sáng 28.5. Đại biểu Quốc hội Đặng Thành Tâm, khi được mời phát biểu, ông chỉ nói 2 câu liên quan đến luật sửa đổi Điều 170 Luật Doanh nghiệp.

Đại ý: Nhiều doanh nghiệp nước ngoài (FDI) đã bán cho DN trong nước nhưng vẫn hoạt động dưới giấy phép (đầu tư nước ngoài). Luật (sửa đổi) cần nói rõ đối với những trường hợp này vẫn áp dụng như nhau.

Không hiểu sự ngắn gọi là vì vấn đề không nhiều, cho một luật ngắn, hay là vì ông thực hiện đúng phương châm “nói ít làm nhiều” như tuyên bố.

Đến giờ giải lao, ông vẫn ngồi lại trên ghế cắm cúi đọc một tờ báo. Chúng tôi bước lại với một lời khen: Anh dạo này có vẻ mạnh ra. Ông Tâm đứng dậy, tươi cười bắt tay, bảo: Đâu có, tóc mình bạc hết rồi đây này.

Tóc bạc nhưng đã có thể mỉm cười. Dường như nó giống với tình hình Tân Tạo. Bị cảnh báo vì chậm nộp báo cáo tài chính, 2 năm không vay được đồng vốn nào từ ngân hàng, nhưng, như ông Tâm nói: Vẫn trả nợ được đến 5.000 tỉ đồng. Ngoài lương, vẫn có thưởng cho người lao động. Và khả dĩ nhất là khoản thu hút 1 tỉ USD vốn đầu tư nước ngoài, là “Kinh Bắc chắc chắn có lãi trong năm 2013”.

Nghe tôi giới thiệu ở Báo Lao Động, ông Tâm nói ngay vừa ngồi với Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Đặng Ngọc Tùng và sẽ cùng Tổng Liên đoàn tham gia bảo hiểm tàu cá cho ngư dân. “Sẽ được từ 500 đến 1.000 chiếc tàu”. Ngư dân chắc chắn sẽ yên tâm hơn khi được bảo hiểm.

Dù nói với báo chí “chỉ xin hai chữ bình yên”. Dù bảo chúng tôi rằng ông không muốn nói nhiều vì sợ người khác bảo tự PR bản thân, nhưng cứ nhắc đến nền kinh tế, đến giải pháp cho doanh nghiệp là vị đại biểu QH, cũng là một doanh nhân lại bắt đầu vung tay.

“Rất logic và đơn giản thế này- ông nói- 3 năm qua, là những năm tình hình xấu nhất, giả sử ngân hàng cho vay 100 tỉ đồng thì 8 tỉ đồng trở thành nợ xấu. Giải pháp của chúng ta hiện giờ là mua nợ xấu trong quá khứ. Nhưng mua nợ xấu trong quá khứ không giải quyết được gì cho tương lai. Giải pháp của tôi là mua nợ xấu trong tương lai. Có nghĩa là cứ phát sinh nợ xấu bao nhiêu tôi sẽ mua bấy nhiêu. Tức là anh cứ cho vay, nếu có nợ xấu không đòi được tôi sẽ mua.

Chứ như bây giờ 70% DN là lỗ, mà lỗ thì không đủ điều kiện cho vay kể cả anh đã giải quyết nợ xấu. Nếu chỉ giải quyết nợ xấu trong quá khứ chỉ có tác dụng làm sạch sổ sách trong ngân hàng chứ không làm lợi cho nền kinh tế. 

Bởi ngân hàng không cho vay ra khi DN không có tài sản thế chấp và đang bị lỗ. Nếu trong 3 năm tới Chính phủ bảo lãnh cho khoảng 600 ngàn tỉ đồng. 600 ngàn tỉ đồng nhân với 8% thì tối đa chỉ có 48 ngàn tỉ đồng. Mà 48 ngàn tỉ đồng này phải 3 năm nữa mới phải trả. Thế là có hơn 550 ngàn tỉ đồng được đưa vào nền kinh tế. 550 ngàn tỉ đồng này sẽ chính là hiệu quả. Đằng sau đó chính là công ăn việc làm. Tôi cho đó chính là giải pháp đột phá.

Ông Tâm nói, giải pháp này ông đã đưa ra đoàn ĐBQH TPHCM, các chuyên gia nói tối. Giải pháp này ông cũng đã viết thành văn bản và gửi cho những người có trách nhiệm. Thậm chí, đăng ký gặp riêng Thống đốc NHNN để trình bày cặn kẽ. “Hiện nay thế giới đều lập các công ty mua bán nợ. Cái đó là điều rất bình thường. Ở VN cũng cứ làm, tôi không bình luận để nói là mình phá đám. Mình chỉ đề xuất thêm một giải pháp nữa”. 

Bởi giải pháp này, theo ông giải quyết được cả vấn đề nợ xấu, khơi thông luồng tiền và công ăn việc làm chứ bây giờ tiếp tục ngừng sản xuất là chết. Nếu nói điều đó có rủi ro, tôi cứ tính rủi ro cao nhất là 8%. Tôi không bịa đặt con số. Mà sắp tới, tôi cho rằng không thể xấu như 3 năm vừa rồi. Nhiều nhất thì chỉ 5% nợ xấu nếu nền kinh tế trở lại bình thường.

3 lần ứng cử vào Quốc hội và đến lần thứ ba mới thành công, để rồi sau đó nhìn nhận không thể làm chính trị gia được. Có lẽ, làm chính trị không khó như việc kiếm tiền để trở thành một đại gia, nhưng cũng không dễ hơn việc chống chọi cho khỏi lỗ, cho khỏi phá sản trong thời buổi khó khăn “sờ thằng nào chả chết. 70% DN nợ chứ nhiều ĐBQH nói chưa phản ánh hết thực tế”. 

Đề xuất một giải pháp cho cộng đồng doanh nghiệp, trong đó có lẽ có ngay chính Tân Tạo 2 năm không vay được một đồng ngân hàng, thay vì ngồi chờ “sung” hay kiếm tìm đâu đó một lời khuyên, và cố gắng nhìn thấy những điểm sáng trong tương lai. Cái tâm thế đó, có lẽ không phải chỉ là tâm thế của một mình doanh nhân Đặng Thành Tâm.

Theo Đào Tuấn

kyanh

Cùng chuyên mục
XEM