Cựu CEO FPT Nguyễn Thành Nam: 'Tôi cực kỳ ngưỡng mộ Nguyễn Hà Đông'
Điều mà lão làng FPT trăn trở là thế hệ trẻ hiện không bắt tay vào thực hiện: “Người trẻ giờ học khởi nghiệp nhiều quá mà không làm! Đi nghe ít thôi và tập trung vào việc của mình.”
Đây là câu trả lời của cựu CEO FPT Nguyễn Thanh Nam khi được hỏi “người ông ngưỡng mộ là ai?”. Ông Nam hào hứng chia sẻ: “Người tôi ngưỡng mộ rất ít nhưng gần đây tôi cực kỳ ngưỡng mộ Nguyễn Hà Đông. Sự thành công của Hà Đông vượt mọi kỳ vọng. Nguyễn Hà Đông có đam mê, chỉ quan tâm mỗi việc lập trình chẳng cần học khởi nghiệp gì cả.”
“Người trẻ đi nghe ít thôi”
“Em có may mắn là được bố mẹ cho phép muốn làm gì thì làm”, là điều của Nguyễn Hà Đông từng chia sẻ với cựu CEO Nguyễn Thành Nam. Còn ông hài hước đáp lại: “May mà em không vào FPT hay Viettel. Bởi vì vào FPT, bọn anh sẽ tìm cách dạy dỗ, huấn luyện, cho em một framework thì cùng lắm em cũng chỉ được phần trăm của anh. Nhưng em ngồi nhà làm một mình, là chính em. Em tạo ra chuẩn mực mới, là 1 trong 11 lập trình viên có tầm ảnh hưởng thế giới về game mobile.” Chính tính cách thích làm và dám làm đã giúp Hà Đông thành công, ông nhận xét khi nói về “cha đẻ” game đình đám Flappy Bird trong một hội thảo tổ chức mới đây.
Ông Nam còn so sánh : “Cái mà FPT làm 25 năm mà Nguyễn Hà Đông làm trong 1 tuần. Đó là kiếm tiền!” “Nhưng tiền không phải là cái đích của Nguyễn Hà Đông. Đông đi đúng nhịp của thời đại, bắt đúng hướng người dùng là game mobile có tính cá nhân cao, tận dụng sự phát triển của công nghệ, chả cần biết SMAC là gì và cứ thế bắt tay vào làm… Nhưng có một thực tế là xã hội không coi trọng, người ta xem đó là ăn may, thành công phải học hành, phải được đào tạo”, cựu CEO này thẳng thắn nói cho biết.
Thế còn phần lớn những người trẻ khác thì sao? Họ chăm chỉ đi học, đi nghe và gần đây là xu hướng học về khởi nghiệp. Trong cuộc hội chợ sách mới tổ chức gần đây tại Hà Nội, gian hàng của những nhà xuất bản sách kinh tế hút khách hơn bao giờ hết, đặc biệt hơn cả là những kệ sách liên quan đến khởi nghiệp, làm giàu. Đây cũng là điều trăn trở khi lão làng FPT lấy ví dụ về Nguyễn Hà Đông, rằng thế hệ trẻ hiện không bắt tay vào thực hiện: “Người trẻ giờ học khởi nghiệp nhiều quá mà không làm! Đi nghe ít thôi và tập trung vào việc của mình.” Nếu so sánh với thế hệ trước, thế hệ trẻ ngày nay có nhiều lợi thế, có nhiều nguồn tiếp cận thông tin nhưng cũng chính vì vậy có nhiều cám dỗ khiến họ bị phân tán, khó tập trung hơn.
Một lỗi lớn của những người trẻ hiện nay được ông chỉ ra là thiếu kỹ càng, tích lũy trong bất kỳ lĩnh vực gì. “Bạn làm lĩnh vực gì phải trở thành chuyên gia lĩnh vực ấy. Khi bạn không thành thạo thì toàn bộ những kiến thức như quản trị, leadership cũng không thể giúp ích được gì”, ông Nam nhấn mạnh.
Hãy nuôi dưỡng tính tò mò
Lý giải tại sao bản thân ông và những người sáng lập FPT đạt được thành công như hôm nay, ông Nam cho biết là do tính tò mò, cái gì cũng muốn biết. “Khi thành lập FPT, tôi mới đi học nước ngoài về, điều tôi tò mò nhất là làm thế nào để hiểu được cái máy tính. Chúng tôi phải chia nhau theo giờ trong ngày để sử dụng chiếc máy tính khá hiếm lúc đó. Nếu thời đó mà tổ chức hội thảo khởi nghiệp, tôi cũng chả đi, mất thời gian, ở nhà tìm hiểu, ôm máy tính!”
Hồi tưởng về buổi ban đầu tìm hiểu về máy tính, Việt Nam chưa có mạng internet, ông và mọi người còn tự lập ra chương trình có tên là Trí tuệ Việt Nam để mô phỏng internet như nước ngoài và đối mặt với những vấn đề gặp phải khi thực hành học hỏi, tìm tòi. Ông Nam cho biết, giới trẻ ngày nay thiếu tính tò mò, chưa có đam mê. “Hãy nuôi dưỡng tính tò mò bởi càng lớn tuổi, con người va vấp nhiều và sẽ nghi ngại hơn so với tuổi trẻ”, ông Nam nhấn mạnh thêm.
“Chưa có đam mê thì hãy cứ bắt đầu tập trung vào làm, làm những cái gì đơn giản nhất có thể. Các bạn đã tốt nghiệp đại học, thì cũng sẽ biết một điều gì đấy, hãy tập trung sức lực của mình từ sáng đến trưa đến tối. Đấy là điều cần làm!”, đây là câu trả lời của cựu CEO Nguyễn Thành Nam dành cho những người trẻ đang loay hoay với việc tìm đam mê.
Một điều mà giới trẻ hiện nay khá băn khoăn được đặt ra với ông: “Thế nào là thành công? Thành công gồm những yếu tố nào?”. Theo quan niệm của ông, “thành công” là một khái niệm mang tính cá nhân và phụ thuộc rất lớn vào mục tiêu của từng người. “Nếu như mục tiêu của một doanh nhân là mở ra một công ty và đủ nuôi sống gia đình và làm được điều đó đồng nghĩa với thành công”, ông nói. “Thành công gồm nhiều yếu tố nhưng quan trọng nhất là may mắn và bắt tay vào làm.” Tuy nhiên với người trẻ ông nghĩ rằng nên có ước mơ, có thể hơi viển vông một chút cũng tốt bởi nó tạo ra một động lực để mình luôn cố gắng vươn lên, nên thất bại càng sớm càng tốt.
Kim Thủy