'Con ông cháu cha' trong các gia đình doanh nhân quyền lực

23/12/2014 09:16 AM |

Việc chủ tịch tập đoàn điện tử Samsung, ông Lee-Kun-Hee thoát khỏi truy án trốn 130 tỉ USD tiền thuế, được nhà nước khoan hồng vào năm 2009 đã dấy lên những tranh cãi cho rằng quyền lực của các ông chủ Chaebol đã quá lớn đến mức có thể “một tay che trời”.

Vụ bê bối của hãng hàng không Korean Air tại sân bay quốc tế JFK, NewYork đã trở thành “giọt nước tràn ly” cho những bất bình lâu nay tại Hàn Quốc về đế chế các công ty gia đình (chaebol).

Cụ thể, con gái của củ tịch tập đoàn Korean Air- bà Heather Cho đã ra lệnh bắt chiếc máy bay đang chở mình quay lại cửa xuất phát để đuổi cổ tiếp viên trưởng chuyến bay New York - Seoul khỏi máy bay vì phục vụ sai món hạt macadamia. Tiếp viên trưởng đã để hạt macadamia trong gói giấy thay vì trong đĩa như cô Cho đòi hỏi.

Hành động của bà Cho khiến chuyến bay chậm chễ 11 phút. Truyền thông Hàn Quốc đã phản ứng dữ dội và cho rằng hành động của bà Cho là một ví dụ về “đặc ân” mà các gia đình đứng đầu các tập đoàn gia đình trị (Chaebol) nước này đang tự cho mình có quyền được hưởng.

Câu chuyện có lẽ không gây tiếng vang trên thế giới, nhưng đã châm ngòi cho một cuộc tranh cãi nảy lửa tại Hàn Quốc. Bởi trung tâm của cuộc tranh cãi là mô hình công ty gia đình đặc trưng của Hàn Quốc, tạo ra lợi nhuận khổng lồ cho đất nước này nhưng cũng đem lại những tai tiếng cho nền kinh tế củ nhân sâm không kém.

Việc phát triển nhanh chóng của Hàn Quốc trong hơn nửa thế kỷ qua đã bị chững lại – dư luận cho rằng một phần – là do các tập đoàn chaebol với truyền thống “cha truyền con nối” trong hội đồng quản trị.

Có lẽ để hiểu được vì sao dư luận Hàn Quốc lại dữ dội như vậy, phải hiểu bản chất của các tập đoàn gia đình trị (Chaebol).

Những biểu tượng kinh tế một thời

Chaebol là một mô hình của tập đoàn thuộc sở hữu và điều hành bởi một gia đình tại Hàn Quốc, bao gồm một công ty mẹ, và có nhiều công ty con hoạt động để đáp ứng yêu cầu vật tư và dịch vụ của công ty mẹ. Tại các Chaebol từ vị trí chủ tịch cho đến các giám đốc điều hành đều là thành viên trong một gia đình cho nên mô hình này còn được gọi bằng một cái tên ngắn gọn là “gia đình trị”.

Sau chiến tranh thế giới thứ hai, nền kinh tế của Hàn Quốc bị tàn phá một cách nghiêm trọng. Để giải quyết những khó khăn trên, chính phủ nước này đã đưa ra một số quyết định hỗ trợ các doanh nghiệp lớn có sẵn cả về các chính sách ưu đãi, về thuế…Kể từ đó các Doanh nghiệp này không ngừng phát triển, trở thành những tập đoàn hàng đầu thế giới và đưa Nam Triều Tiên trở thành một trong những nền kinh tế phát triển.

“Bốn con rồng” châu Á bao gồm Huyndai, Samsung, SK và LG đã làm mưa làm gió tại đất nước này cũng như nổi danh trên thế giới. Bốn tập đoàn này đã tạo ra 90% tổng lợi nhuận của 30 tập đoàn đứng đầu Hàn Quốc năm 2013. Các nhà chức trách định nghĩa mỗi chaebol là một nhóm ít nhất 2 công ty được điều hành bởi một cá nhân hoặc thực thể Kinh doanh và tổng tài sản ít nhất là 5 nghìn tỉ Won (tương đương 4,74 tỉ USD) .

Những tập đoàn này được xếp hạng theo số lượng tài sản. Theo xếp hạng tính đến tháng 4 năm 2014, tại Hàn Quốc có khoảng 49 tập đoàn chaebol, không bao gồm những tập đoàn công. Bốn tập đoàn lớn nhất đã có vai trò lâu đời trong việc phát triển các ngành công nghiệp chủ chốt của Hàn Quốc như sản xuất chất bán dẫn, điện thoại và ô tô , trở nên thiết yếu với tăng trưởng kinh tế của đất nước.

Các chaebol nhận được trợ giúp từ chính phủ trong suốt quá trình chủ tịch Park Chung – hee bắt đầu quá trình công nghiệp hóa và hiện đại hóa mạnh mẽ đất nước vào năm 1961. Bằng cách tập trung đầu tư nước ngoài vào một vài công ty, Hàn Quốc đã thực hiện quá trình hiện đại hóa với tốc độ nhanh đến mức nguy hiểm. Đất nước này đã lọt vào danh sách 20 nền kinh tế toàn cầu chỉ trong 4 thập kỷ. Trong giai đoạn đó, các tập đoàn chaebol chính là động cơ mà Seoul tạo ra để thúc đẩy cả quốc gia thoát khỏi đói nghèo đến với sự thịnh vượng. Một thời đây chính là các biểu tượng kinh tế của Hàn Quốc.

Một đặc điểm nữa của các chaebol là dù là tập đoàn này có gây ra sóng gió trong dư luận đi chăng nữa thì họ vẫn là những gia đình vô cùng quyền lực. Sức ảnh hưởng của họ bành trướng đến hầu hết mọi lĩnh vực cuộc sống của đất nước.

Tuy nhiên, cũng chính bởi quyền lực gần như bất khả xâm phạm của những người đứng đầu tập đoàn cùng với con cháu họ đã gây ra làn sóng bất bình trong xã hội Hàn Quốc nhiều năm nay.

Việc chủ tịch tập đoàn điện tử Samsung, ông Lee-Kun-Hee thoát khỏi truy án trốn 130 tỉ USD tiền thuế, được nhà nước khoan hồng vào năm 2009 đã dấy lên những tranh cãi cho rằng quyền lực của các ông chủ chaebol đã quá lớn đến mức có thể “một tay che trời”.

Sự thành công của những công ty này đã từng là niềm tự hào của người dân Hàn Quốc, quốc gia từng phải “khúm núm” giữa 2 người hàng xóm khổng lồ là Trung Quốc và Nhật Bản. Tuy nhiên giờ đây câu hỏi đưa ra rằng liệu những công ty này với quy mô vươn ra tầm toàn cầu có còn hoạt động thực sự vì lợi ích của người dân Nam Triều Tiên nữa hay không.

Kể từ vụ khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997, khoảng cách giàu nghèo tại Hàn Quốc (cũng như nhiều quốc gia châu Á khác) đã tăng với mức độ báo động. Theo một dữ liệu, 1% những người có thu nhập cao nhất Hàn Quốc tạo ra 16,6% lợi nhuận của toàn đất nước trong năm 2012 và khoảng cách này vẫn tiếp tục tăng lên.

Người dân lao động Hàn Quốc có độ tuổi lao động trẻ, hầu hết bọn họ cảm thấy bất hài lòng do không thể tham gia làm việc tại các tập đoàn lớn này. Những sinh viên của các trường đại học kể cả danh tiếng tại Hàn Quốc khi được khảo sát đều cho rằng các vị trí tại những tập đoàn chaebol đều đã được “xí chỗ”. Mối quan ngại về việc những gia đình giàu có này cứ tiếp tục giàu lên trong khi những giai tầng còn lại của Nam Triều Tiên vẫn tiếp tục chật vật với cuộc sống hàng ngày vẫn tồn tại.

Rung cây dọa khỉ

Trở lại với việc con gái của tập đoàn Korean Air, trong khi giới chức Seoul tập trung liệu hành vi của bà Cho có ảnh hưởng đến An ninh hàng không, thì sự phẫn nộ của truyền thông Hàn Quốc lại tập trung vào thái độ của bà. “Công chúa” hay “tiểu thư” là biệt danh những người bình luận đặt cho bà Cho và họ coi đây là ví dụ điển hình của giới nhà giàu xuất thân từ những tập đoàn gia đình trị của hàn Quốc.

Trong vụ việc này, lời xin lỗi cuối cùng cũng được bà Cho đưa ra. Hình ảnh khá giống với việc một đứa con gây lỗi được cha mình hộ tống đi xin lỗi. Trước một số lượng lớn phóng viên, máy quay và ghi âm, bà Cho và ông chủ tập đoàn Korean Air đã cúi đầu xin lỗi. Vẫn chưa có thông tin về ảnh hưởng của vụ việc này tới tập đoàn hàng không toàn cầu trên.

Tuy nhiên, lời xin lỗi này có lẽ vẫn chỉ là lời cảnh cáo cho đế chế chaebol hùng mạnh tai Hàn Quốc. Câu hỏi đặt ra là liệu việc này có dẫn đến sự biến chuyển, khiến các chaebol cởi mở hơn không? Các vị trí lãnh đạo của các tập đoàn chaebol có “đất” dành cho công chúng tham gia nắm quyền thay vì cha truyền con nối như trước?

>> “Công chúa hư” của Korean Air bị đề nghị điều tra hình sự

Theo Lý Tú Anh

Cùng chuyên mục
XEM