Chuyện bầu Tú làm bóng đá futsal

05/06/2014 13:11 PM |

Trong thể thao, nhiều người cho rằng "futsal Việt Nam thành bại bởi bầu Tú”. Với ông Tú, "cả kinh doanh và bóng đá đều đam mê, mà đã đam mê thì phải đi đến cùng".

Thường các ông bầu khi ổn định kinh doanh rồi mới nghĩ đến bóng đá, thậm chí là kinh doanh bóng đá, nhưng ngay từ khi bước vào kinh doanh, ông đã đầu tư cho đội bóng. Với ông, bóng đá là kinh doanh hay thể thao?

- Năm 2003, khi Thái Sơn Nam đi vào hoạt động, tôi lập đội bóng để tham gia phong trào. Khi tham gia các giải đấu của thành phố, thấy tinh thần anh em trong đội rất hứng khởi. Nhất là mỗi khi bước vào trận đấu mới cao hơn, anh em càng quyết tâm. Trong thi đấu, thắng thua cũng là danh dự và muốn có thành tích thì phải đầu tư.

Tuy nhiên, tôi là người làm kinh doanh nên đầu tư cái gì cũng phải tính toán sao cho phù hợp và đúng hướng. Cách làm của tôi là cứ âm thầm, bền bỉ, khả năng đến đâu làm đến đó, khi có kết quả thì mọi người sẽ nhìn nhận, chú ý. Ví dụ, bầu Đức có tài chính mạnh thì mua hẳn cầu thủ nước ngoài về.

Còn tôi chỉ có thể thuê huấn luyện viên Thái Lan, nhưng vì Thái Lan phát triển rất mạnh môn futsal nên việc Thái Sơn Nam thuê được huấn luyện viên trưởng của Thái Lan đã gây sự chú ý rất lớn.

Với cầu thủ, tôi cũng không trả lương quá cao, không vung tay chi thưởng và việc tăng lương cũng phải theo lộ trình và tính toán cẩn thận. Tôi luôn nói với các cầu thủ, Câu lạc bộ không thể trả cho các bạn mức lương cao, nhưng nếu lao động chăm chỉ, cố gắng hết mình, mỗi người sẽ có được một cuộc sống đàng hoàng.

Là người góp công đầu để hình thành giải Futsal toàn quốc, nhưng dường như ông vẫn còn nhiều mục tiêu cho bóng đá Việt Nam nói chung và futsal nói riêng?


- Tôi đam mê bóng đá và khi thấy bóng đá futsal Việt Nam thua kém các nước trong khu vực, tôi rất nóng lòng, danh dự cho Việt Nam thúc đẩy tôi phải làm bóng đá một cách đoàng hoàng, nghiêm túc.

Trong vai trò Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá TP.HCM nhiệm kỳ 2012 -2016, mục tiêu chính của chúng tôi là chú trọng phát triển bóng đá phong trào và học đường. Bởi đây là nền tảng cơ bản và là nơi phát hiện các tài năng trẻ cho bóng đá TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung.

Riêng mảng bóng đá đỉnh cao của thành phố, do phần lớn các đội bóng từ nơi khác đến nên bước đầu chúng tôi sẽ phác thảo các kế hoạch cụ thể hơn, thuyết phục các ông bầu gắn bó lâu dài với bóng đá thành phố cũng như sẽ có nhiều chính sách hỗ trợ khác từ phía Liên đoàn để vực dậy bóng đá đỉnh cao của thành phố.

Với đội tuyển futsal, mục tiêu của chúng tôi là phải vào top 4 châu Á. Hiện chúng tôi mới vào top 8, nhưng tôi đánh giá vào được top 8 cũng rất khó rồi.

Giải Futsal vô địch quốc gia của Việt Nam còn rất lâu mới sánh được với Thái Lan, Iran hay Nhật Bản, những quốc gia hàng đầu châu lục ở bộ môn bóng đá trong nhà, nhưng không phải bất khả thi. Tôi và các vận động viên đều rất tự tin vì chúng tôi có cả quá trình chuẩn bị và một nền móng đã xây từ năm 2007.



Đặt ra nhiều mục tiêu như vậy, ông có cảm thấy áp lực?

- Tôi không cảm thấy áp lực vì chỉ làm những gì trong khả năng và chức năng của Liên đoàn Bóng đá Thành phố cho phép. Quan trọng là tôi vẫn nhìn thấy cách làm và hướng đi. Tuy nhiên, khi tôi đưa ra mục tiêu, nhiều người nghi ngờ: "Liệu ông Tú nói mà có làm được không?".

Thực tế, tôi đang từng bước thực hiện các mục tiêu của Liên đoàn có hiệu quả và đã gây dựng được phong trào futsal ở các trường học. Song, đóng góp lớn nhất của tôi cho futsal Việt Nam không phải tính bằng bao nhiêu tiền mà là tạo được sân chơi phù hợp với người Việt Nam với chi phí không quá lớn, thúc đẩy phong trào thể thao trong thanh niên, giúp họ rèn luyện sức khỏe, tránh được sự cám dỗ của nhiều tệ nạn.

Cũng nói thêm, trước đây, môi trường của futsal thường xuyên có chuyện gây hấn, trước các giải đấu, bao giờ báo chí cũng có câu hỏi: "Ban tổ chức có chuẩn bị để đối phó khi xảy ra đánh nhau không?", nhưng từ khi tôi làm thì không có chuyện này nữa. Đó là do tôi luôn thuyết phục, khuyên nhủ anh em: "Trên sân đấu là đối thủ, nhưng khi ra đời phải là bạn". Dần dà, anh em cũng ý thức được chơi thể thao để vào đội tuyển chứ đánh nhau sẽ không giải quyết được gì.

"Làm thể thao cũng giống như kinh doanh, phải nhìn xa trông rộng, phải xây dựng được đội ngũ, huấn luyện viên, câu lạc bộ mạnh thì thể thao mới mạnh, trong khi chúng ta đang sa đà vào giải quyết sự vụ, phải đối phó với dư luận, mục tiêu đặt ra ngắn hạn, phải thắng giải này, giải kia, sau đó hai, ba năm lại biến mất thì không phải là thể thao bền vững".

Tuy nhiên, tôi cũng muốn chia sẻ vài điều. Làm thể thao cũng giống như kinh doanh, phải nhìn xa trông rộng, phải xây dựng được đội ngũ, huấn luyện viên, câu lạc bộ mạnh thì thể thao mới mạnh, trong khi chúng ta đang sa đà vào giải quyết sự vụ, phải đối phó với dư luận, mục tiêu đặt ra ngắn hạn, phải thắng giải này, giải kia, sau đó hai, ba năm lại biến mất thì không phải là thể thao bền vững.

Hiện nay, Nhà nước đã có nhiều chính sách tốt cho doanh nghiệp, nhưng những doanh nghiệp đầu tư cho thể thao như tôi thì vẫn bị ràng buộc trong chi phí doanh nghiệp, Nhà nước chỉ chấp nhận chi phí ở mức 15%, con số này quá nhỏ bé để chi cho thể thao.

Với luật thuế hiện nay thì chẳng có doanh nghiệp nào muốn tài trợ cho thể thao. Vì vậy, mong mỏi của tôi là Nhà nước nên có chính sách thuế khuyến khích để thúc đẩy doanh nghiệp quan tâm đầu tư cho thể thao.

Việc bắt tay với bầu Hồng để mua lại đội bóng Trà Dilmah được xem là nỗ lực lớn của ông. Vì trước đó, cả ông và bầu Hồng không ai chịu ai, làm thế nào ông hóa giải được mâu thuẫn này?

- Nói về cái "tôi" thì ai cũng có nhưng quan trọng nhất với tôi lúc này là công việc chung. Nếu có mâu thuẫn thì nên giải quyết, trong bóng đá và kinh doanh, càng hợp tác chặt với nhau càng tốt. Vậy nên khi anh Hồng có ý định không muốn duy trì đội bóng nữa, tôi nghĩ Dilmah có nhiều cầu thủ giỏi, nếu giải tán đội bóng, thu nhập của các cầu thủ sẽ bấp bênh, hơn nữa, nếu mời họ về đội của Thái Sơn Nam, ít ra họ cũng đóng góp được cho phong trào.

Nghĩ vậy nhưng lúc đó tôi thấy cũng khó vì trước đó, tuy tôi và anh Hồng là bạn nhưng khi làm thể thao cũng có chút "gờm" nhau, ngay cả cầu thủ hai đội cũng vậy. Song, vốn là người thương cầu thủ, không muốn anh em theo mình bị thiệt thòi nên khi tôi đặt vấn đề mua lại đội bóng Dilmah, anh Hồng đồng ý ngay.

Để hòa hợp hai đội bóng, tôi đã sống với anh em bằng chính tấm lòng của mình, cởi mở, hòa đồng, tạo cho anh em sự tin tưởng, xem mình là chỗ dựa cả về tinh thần lẫn vật chất. Khi đội bóng đi thi đấu ở nước ngoài, do các món ăn không hợp khẩu vị, ảnh hưởng tới sức khỏe của cầu thủ nên tôi kiêm luôn việc đi chợ, nấu ăn.

Tôi nghĩ, muốn hóa giải mâu thuẫn thì mình phải là người đi trước, làm gương, sống hết mình và phải lấy mục tiêu lớn làm định hướng.

Trong khi các ông bầu trong làng bóng đá đỉnh cao Việt Nam và cả futsal lần lượt từ bỏ cuộc chơi thì ông vẫn bền bỉ theo đuổi, thậm chí còn liên tục tài trợ cho các hoạt động thể thao như bóng đá trẻ, bóng đá nữ, bóng đá phong trào... Có lúc nào ông cảm thấy hụt hơi về tài chính vì lỡ theo lao không?

- Khi tôi tham gia sân chơi bóng đá, nhiều anh em hỏi: "Ông có điên không mà nhảy vào lĩnh vực này?". Họ nói vậy vì thấy bóng đá Việt Nam vẫn chưa có tương lai, chưa có nền tảng vững chắc gì. Tôi nghĩ dù còn tồn tại rất nhiều cái chưa được nhưng bóng đá trong nước vẫn cần phát triển từng bước để tạo đà cho lâu dài.

Việc các câu lạc bộ duy trì được như hiện nay là sự nỗ lực, hy sinh rất lớn của cả người đứng đầu đội bóng và các cầu thủ. Chúng ta cần phải ghi nhận đóng góp của ông bầu bóng đá vì ngoài việc phải chi ra một khoản tiền rất lớn, họ còn phải chịu dư luận và nhiều áp lực khác.

Riêng tài chính, từ lúc đeo đuổi bóng đá, tôi luôn cân nhắc khả năng, không chạy theo những cái không kiểm soát được.

Bóng đá phong trào của TP.HCM đã có hướng đi nhưng bóng đá Việt Nam nói chung vẫn còn rất nhiều điểm đáng bàn, theo ông, đâu là mấu chốt?

- Thực tế có rất nhiều việc Liên đoàn muốn làm nhưng cơ chế không cho phép. Đơn cử như hiện nay, tuy không có văn bản nào cấm nhưng đã hình thành một luật bất thành văn là cầu thủ nước ngoài nhập tịch Việt Nam thì không được đấu đội tuyển.

Hoặc quy định các đội tuyển quốc gia chỉ được dùng huấn luyện viên trong nước nhưng các huấn luyện viên giỏi thì hầu hết đã gắn bó với các câu lạc bộ nên muốn tìm họ đào tạo cho đội tuyển là điều không thể.

Một vấn đề khác cần phải được giải quyết từ gốc rễ là lâu nay, bóng đá Việt Nam không coi trọng khâu đào tạo, buông lỏng công tác quản lý trọng tài. Các câu lạc bộ không giáo dục ý thức cho cầu thủ trước khi dạy họ đá bóng.

Cho đến bây giờ, vẫn còn không ít những phản ứng thiếu kiềm chế của cầu thủ trên sân cỏ, điều đó xuất phát từ sự nhận thức. Từ nhỏ không được uốn nắn thì lớn lên ắt khó vào khuôn phép.

Dường như con đường kinh doanh của ông khá trơn tru?

- Không hẳn như vậy đâu! Mấy năm đầu mở công ty không có lãi. Rồi khi mở thị trường Hà Nội, tôi bị chơi xấu hai năm trời, nào là hàng nhập lậu, phá giá, rồi cạnh tranh giữa các công ty Đài Loan, Thái Lan, Singapore... Lúc đó, thật sự rất bế tắc nhưng tự nhủ: Cứ bền bỉ theo triết lý kinh doanh đã chọn, thế nào cũng vượt qua.

Và chỉ một năm sau, khi nhận ra các đơn vị cung cấp làm ăn không bài bản, khách hàng đã tìm đến tôi và Thái Sơn Bắc (công ty phía Bắc của Thái Sơn Nam) đã chiếm lĩnh thị trường Hà Nội. Tôi ngẫm ra, làm gì cũng khó khăn và đầy thử thách nhưng đừng nóng vội, đừng tạo áp lực cho mình thì mới làm được.

Xin cảm ơn và chúc ông có thêm nhiều thành công trong cả bóng đá lẫn kinh doanh!

>> Góc nhìn Bầu Đức: U19 đang 'nuôi' HAGL!


Theo Lữ Ý Nhi

anhnt

Cùng chuyên mục
XEM