Bí quyết khỏe đẹp từ bà tổ nghề 78 tuổi sáng lập thương hiệu vàng Bảo Tín (2)
“Không có người phụ nữ xấu”
Vẫn trực tiếp điều hành tại cửa hàng vàng trên đường Ngọc Hồi (thị trấn Văn Điển-Hà Nội), vẫn chỉn chu từ đầu tóc, trang phục lịch sự cho đến cử chỉ niềm nở, hẳn là bất cứ ai đã từng tiếp xúc với bà Điểm cũng phải ấn tượng về nụ cười và tinh thần lạc quan luôn thường trực trên khuôn mặt vốn trẻ hơn khá nhiều so với tuổi 78 của bà.
Trong lúc chuyện trò với bà Điểm, có đôi ba lần bà kể chuyện về chồng mình - cụ ông Vũ Văn Khâm. Từ ngày ông bà đi xe gạo, xe muối bằng xe bánh gỗ trâu kéo, lần lượt có với nhau sáu mặt con và hơn hai mươi cháu chắt cho đến ngày ông bị bệnh rồi mất cách đây 8 năm. Dù khó khăn, vất vả đến mấy người ta vẫn thấy bà mỉm cười vui vẻ, lạc quan.
“Với bà già tám mươi như ta thì hẳn phải già nua, xấu xí, khó tính đúng không? Nhưng không, phụ nữ không thể cho phép mình vừa già, vừa xấu, lại thêm cáu kỉnh được. Không có người phụ nữ xấu, chỉ có người phụ nữ bận quá, không có thời gian nhìn lại bản thân, làm đẹp cho mình thôi”.
Bà chủ duyên dáng tuổi bát thập vẫn răn dạy các con gái, cháu gái rằng, không có sách vở nào dạy ta phải cười với khách cả. Đã là phụ nữ thì phải làm đẹp cho bản thân, là người bán hàng thì càng phải vậy, phải đẹp phải tươi với khách hàng. Mình làm dâu trăm họ thì phải làm thế nào để khách hàng khó tính nhất cũng cảm thấy vui vẻ, hài lòng khi đến với mình. "Kể cả lúc mệt mỏi nhất, căng thẳng nhất hay bụng đói cồn cào, thì cũng cố gắng vui vẻ và tươi tắn lên. Còn việc khách bực mình thì là quyền của người ta rồi."
Trong công việc đã như vậy, trong gia đình, người phụ nữ lại càng có vai trò quan trọng trong việc gìn giữ lửa ấm cho cuộc hôn nhân hạnh phúc. “Với các đức ông chồng, nếu suốt ngày phải nhìn phụ nữ đã già, đã xấu, lại cáu kỉnh thì đương nhiên là họ chán rồi. Không phải tôi cổ súy cho các ông ấy đâu, nhưng đã là phụ nữ thì mình phải làm đẹp và luôn luôn vui vẻ trong mắt mọi người.”
Bà cũng nói, vẻ đẹp không chỉ dừng lại ở hình thức bên ngoài, bởi cách đối nhân xử thế đẹp còn giúp cho phụ nữ đẹp hơn bội phần.
Chứng kiến người mẹ, người bà này cầm tay chỉ dạy con cháu chiều ý khách hàng, có thể khiến người khó tính nhất muốn gắt gỏng cũng không gắt được khi đến đây. “Các con phải biết cảm ơn khi khách hàng họ bỏ qua sai sót của mình và chân thành xin lỗi họ. Trong cuộc sống, nếu có lỗi mà mình không xin lỗi thì người ta bực mình, nếu được giúp mà không cảm ơn thì lần sau họ không muốn giúp mình nữa”.
Không chỉ với khách hàng, mà chính các con, các cháu và các nhân viên làm việc của công ty, bà cũng tận tình uốn nắn, quan tâm.
Có lẽ hiếm có, thậm chí là chưa có doanh nghiệp nào thành lập Hội phụ huynh của hơn 300 nhân viên như bà Lương Thị Điểm và con trai là Tổng giám đốc Vũ Minh Châu đã làm được. Cuối năm ngoái, Hội phụ huynh Bảo Tín Minh Châu đã ra đời và hoạt động bằng cách gây quỹ tại chỗ từ nguồn lợi nhuận kinh doanh và dùng quỹ đó để tặng quà động viên dịp Lễ tết, thăm hỏi, biếu thuốc men khi ốm đau đối với bậc thân sinh của 300 nhân viên trong toàn công ty.
Bà nói: “Chúng tôi muốn cảm ơn các bậc sinh thành vì đã dưỡng dục những người tốt đang có công giúp mình. Với ngành kim hoàn, phải có những con người Tài Đức “như vàng” mới bền được. Và để có được những người tốt như vậy thì ta phải tốt với họ. Ta tốt với cha mẹ họ thì liệu họ có nỡ xấu với ta, có gian dối hay hại ta được nữa không?”.
“Mình như quả chanh, còn dùng được gì thì hãy vắt cho bằng hết"
"Mình như quả chanh, còn gì dùng được thì vắt hết cho đến khi ra đi. Xây villa, biệt thự để làm gì, bà sắp đăng kí một suất ở thế giới bên kia nên chỉ cần 3-4 m2 là đủ thôi (cười)”. Doanh nhân Lương Thị Điểm |
Thời tuổi trẻ sôi nổi, theo tiếng gọi Tổ Quốc, bà lên đường vận chuyển lương thực cho chiến dịch Điện Biên Phủ.
Kháng chiến chống Mỹ, chồng bà cùng ba con trai lần lượt cầm súng ra trận, còn bà xung phong đi tải tạn, làm dân quân tự vệ. “Các con tôi lớn đến đâu tôi vận động tòng quân đến đó. Tôi không bắn được thì tôi đi xe đạn cho bố con ông ấy. Hòa bình rồi chúng tôi kinh doanh buôn bán xây dựng đất nước, giúp đỡ trẻ em khuyết tật, những người nghèo khó, kém may mắn hơn mình. ”
Hòa bình, bà làm đủ nghề để nuôi con và vun vén gia đình cho đến khi chuyển sang kinh doanh vàng bạc, rồi cùng các con xây dựng hệ thống cửa hàng vàng tư nhân nổi tiếng, lớn nhất Việt Nam.
Đến nay khi đã gần kề tuổi 80, bà vẫn đảm nhiệm vai trò Chủ tịch Hội người Cao tuổi của thị trấn, sinh hoạt cùng gần 1.600 hội viên, tham gia trong ban chấp hành Hội Chữ thập đỏ của huyện Thanh Trì (Hà Nội). Bà là hạt nhân tích cực của các hoạt động từ thiện ở địa phương như: hỗ trợ các gia đình chính sách, trẻ em khuyết tật, trẻ em nghèo hiếu học, cho chị em phụ nữ vay vốn không lấy lãi suất, tạo công ăn việc làm cho hàng trăm lao động...
Các con bà nhiều lần khuyên mẹ nghỉ ngơi để phụng dưỡng nhưng bà không đồng ý. “Mắt còn nhìn thấy, chân còn đi được thì tôi còn lao động. Vừa không là gánh nặng của con cái, vừa kiếm được tiền nuôi bản thân, giúp đỡ được người khác. Trời cho chút lộc thì ta làm từ thiện giúp người.”
Ở tuổi xưa nay hiếm, bà Điểm vẫn làm thơ, bình Tam Quốc, xem chầu văn, đọc sách báo như những món ăn tinh thần quý nhất đối với mình, vẫn sống ở căn nhà cấp 4 từ ngày xưa ở thị trấn nhỏ này, ngày ngày bận rộn với công việc kinh doanh của cửa hàng, cùng rất nhiều công tác xã hội.
Bà hóm hỉnh “Làm việc cũng như thuốc tiên giúp người ta khỏe mạnh, minh mẫn vậy. Bà đã gần tám mươi tuổi rồi, xây villa, biệt thự để làm gì, chi bằng xây sức khỏe mà giúp đỡ bao nhiêu người khó khăn hơn mình".
Với nhiều đóng góp và cống hiến với cộng đồng xã hội trong nhiều năm qua, bà Lương Thị Điểm đã nhận được nhiều huân chương, huy chương cao quý. Năm 2009, bà là 1 trong 999 cá nhân tiêu biểu của Thủ đô được tuyên dương “Người tốt việc tốt” nhờ có nhiều việc làm đóng góp cho cộng đồng xã hội. Bà vinh dự được nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ (năm 2010) và Huân chương “Đại đoàn kết” của Chủ tịch nước (năm 2011)...
Thay lời kết, xin mượn mấy câu thơ của nữ doanh nhân 78 tuổi Lương Thị Điểm làm lời bình về một thế hệ những người phụ nữ Việt Nam "Anh hùng - Bất khuất - Trung hậu - Đảm đang":
"Tự hào phụ nữ có tên tôi
Trung hậu, đảm đang sống với đời,
Cao tuổi về hưu ngồi nhớ lại
Một thời ba đảm chẳng mờ phai”.
Kỳ Anh