Bà tổ nghề thương hiệu vàng Bảo Tín khởi nghiệp từ bán ốc luộc (1)

08/03/2013 10:00 AM | Nhân vật

Nếu hình dung về một bà cụ gần 80 tuổi, có lẽ nhiều người sẽ nghĩ đến hình ảnh một bà già tóc bạc, mắt mờ chân chậm… Nhưng trái ngược hoàn toàn với suy nghĩ ban đầu đó, nữ doanh nhân này khiến người đối diện đi từ ngạc nhiên này tới ngạc nhiên khác. Từ vẻ mặt tươi vui hóm hỉnh, ánh nhìn tinh anh cho đến những câu nói ý nhị cùng những triết lý kinh doanh, nhân sinh quan sâu sắc. 

Khó có thể tin bà chủ thương hiệu vàng Bảo Tín danh tiếng đã xấp xỉ tuổi bát thập, dù đã được mắt thấy tai nghe người phụ nữ này khẳng định rằng năm nay bà đã bước sang tuổi 78.

Khởi nghiệp từ bán khoai lang, ốc luộc

Vàng Bảo Tín là cái tên quen thuộc trong ngành kim hoàn ở thị trường phía Bắc trong mấy chục năm qua. Trong đó Bảo Tín Minh Châu có tên tuổi vào hàng lớn nhất trong làng kim hoàn tư nhân ở Việt Nam. Nhưng không phải ai cũng biết về đại gia đình Bảo Tín quy tụ 6 người con của ông Vũ Văn Khâm (đã mất) và bà Lương Thị Điểm.

Ông Khâm bà Điểm có 6 người con, 3 trai 3 gái, đều theo nghiệp vàng của bố mẹ.Ông Khâm đã mất cách đây 7-8 năm. Bà Điểm là người khai sinh ra thương hiệu vàng Bảo Tín của gia đình họ Vũ.

Năm người con của ông bà sau khi đứng ra kinh doanh riêng đều đặt tên thương hiệu bằng chữ Bảo Tín kèm với tên của mình (Bảo Tín Minh Châu, Bảo Tín Hồng Quân, Bảo Tín Mạnh Hải, Bảo Tín Thanh Vân, Bảo Tín Hoàng Long). Hiện bà Điểm vẫn tiếp tục quản lý cửa hàng vàng Bảo Tín trên đường Ngọc Hồi, thị trấn Văn Điển, Hà Nội cùng cô con gái út.

Bà Điểm sinh năm 1936 tại thôn Bình Vọng, xã Bạch Đằng, huyện Thường Tín, Hà Nội. Những năm kháng chiến chống Pháp, bà theo chồng (ông Khâm) tham gia dân công làm nhiệm vụ chuyên chở đạn dược, gạo muối tiếp tế cho chiến dịch Điện Biên Phủ.

Hòa bình lập lại ở miền Bắc, ông Khâm được điều về làm công nhân cho Tổng Cục đường sắt. Bà theo chồng chuyển công tác từ ga Thanh Hóa, về Phủ Lý, Thường Tín quê bà và sau cùng định cư ở thị trấn Văn Điển (Hà Nội). Những năm máy bay Mỹ ném bom leo thang miền Bắc, bà làm dân quân tự vệ hoạt động tại địa phương.

Nhìn cơ nghiệp của bà Điểm, ít người hình dung được bà chủ của hệ thống vàng Bảo Tín hôm nay từng là người phụ nữ ngày ngày bán ốc luộc, khoai lang ở cổng chợ Văn Điển ngày nào. Nghề vàng cũng từ việc bán thuê, bán hộ mà ra.

Bà hóm hỉnh kể lại: “Ngày ấy bà bán đủ thứ từ nước chè, đến ốc luộc, khoai lang, bún riêu, kem 1-2 hào... Vì ngày nào cũng bán ở cổng chợ nên có người quen tin tưởng nhờ bà bán hộ nhẫn vàng. Rồi bà bán được bao nhiêu tiền lại gửi lại đầy đủ. Cứ như thế ngày càng đông người nhờ bà mua bán hộ vàng bạc".

Ban đầu, việc buôn bán của gia đình bà dựa vào khả năng phân biệt vàng thật giả, định tuổi vàng theo kinh nghiệm học hỏi được và đúc rút sau nhiều năm. Sau đó, con trai lớn là ông Vũ Minh Châu đi học nghề kim hoàn, tự mua sách về học, tự phân kim, chế tác nhẫn.

Đến khoảng năm 1989, ông Minh Châu mở cửa hàng Vàng trên phố Bạch Mai, thu hút rất đông khách nhờ có uy tín trong việc cân đo và tính tuổi vàng chuẩn xác.

Triết lý thành công 4T 

Đi qua hai cuộc kháng chiến, bươn chải nuôi dạy 6 người con nên người, khai sinh và gây dựng thương hiệu vàng Bảo Tín nổi tiếng khắp cả nước, doanh nhân Lương Thị Điểm vẫn chưa hề nghĩ đến việc nghỉ ngơi dù đã bước sang tuổi 78.

Vừa trò chuyện với phóng viên, bà Điểm vừa sửa sang tập tài liệu cho buổi gặp mặt phụ nữ dịp 8/3 sắp tới ở thị trấn, thi thoảng đứng lên bán hàng khi khách đông, rồi chỉ bảo con cháu công việc tại cửa hàng. Với nét mặt tươi vui, giọng nói hóm hỉnh, không ít lần khách hàng đến giao dịch tại đây cũng hào hứng tham gia vào câu chuyện giữa chúng tôi. Có lẽ chính sự lạc quan, yêu lao động đã khiến tuổi già cũng phải chùn chân trước người phụ nữ này.

Bà Điểm bộc bạch: “Mình làm dâu trăm họ thì phải làm thế nào để khách hàng khó tính nhất cũng cảm thấy vui vẻ, hài lòng khi đến với mình. Không có sách vở nào dạy ta phải cười với khách cả. Nhưng nếu một vị khách không bằng lòng, tiếng xấu lan xa, ta không chỉ mất một người mà là mất theo cấp số nhân. Còn nếu được lòng một vị khách, họ sẽ nói với bạn bè, anh em họ đến với ta, cũng theo cấp số nhân như thế”.

Trong chừng ấy năm buôn bán, lòng tin giữa bà với khách hàng vẫn chưa một lần thất tín. Bí quyết của bà cụ doanh nhân 80 tuổi này đúc rút lại trong 4 chữ T: Tâm – Tín – Tài – Tiền. 

Số đông mọi người cho rằng đi buôn đầu tiên phải có tiền. Riêng bà, chữ Tâm mới là yếu tố đặt lên hàng đầu, không có tâm thì không thể làm gì được. "Người có chữ Tâm sẽ chỉ sống đúng, làm đúng mà không bao giờ làm điều ác với dân với nước".

Bà đã đi buôn vàng từ chính lòng tin của những người quen nhờ bà mua bán vàng hộ, từ ngày còn bán ốc luộc ở cổng chợ. Lòng tin ấy cho đến nay vẫn không hề suy suyển. Với bà, trong kinh doanh, mất chữ Tín là mất sạch, mất hết.

“Không bán đắt, không mua rẻ, không làm thiếu, làm giả, cân đong đầy đặn, nói lời dễ nghe. Lúc nào cũng phải tâm niệm như vậy, để khách hàng họ có đi ra khỏi cửa hàng họ cũng không quay lại phàn nàn ‘Vì sao của tôi thiếu thế, non thế’."

Riêng với ngành kim hoàn, tài năng là không thể thiếu được, bởi không có Tài sao hiểu vàng là thật hay giả, chất lượng ra sao, định tuổi thế nào. Khi không đảm bảo được chất lượng thì khách họ sợ, sao giữ được sự tin tưởng nữa.

Khi đã có Tâm, Tín, Tài, thì ắt rồi Tiền sẽ đến. "Bà đâu có tiền đâu. Vậy người ta hỏi 'Sao không có tiền bà lại buôn được vàng?' Ấy thế mà có đấy, Tiền từ người khác mang đến cho mình, ở chữ Tín mà ra".

Hội tụ đủ 4 chữ T này kinh doanh sẽ thành công, thiếu 1 chữ thôi sẽ vất vả nhiều lắm.

"Làm nghề gì cũng phải có Tâm, có Tín mới lâu bền được. Chữ Tài có thể học, Tiền có thể vay. Riêng với nghề vàng, phải là con người bằng 'vàng', Tài Đức như vàng thì hãy làm. Vì không có Tài thì hại mình, không có Đức thì hại người. "

Góc nhìn trong kinh doanh của doanh nhân Lương Thị Điểm có lẽ khiến nhiều doanh nhân trẻ ngày nay phải suy ngẫm.

Kỳ Anh 

kyanh

Cùng chuyên mục
XEM