58 phút 40 giây và những tuyên bố 'bất hủ' của ông Obama

13/01/2016 15:39 PM | Nhân vật

Trong Thông điệp Liên bang cuối cùng trước khi rời Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Barack Obama khẳng định, Mỹ vẫn đang là quốc gia mạnh nhất hành tinh với nguồn lực tài chính dồi dào và sức mạnh quân sự vượt trội.

Thông điệp Liên bang bắt đầu vào tối ngày 12/1 theo giờ nước Mỹ (sáng 13/1 giờ Việt Nam). Đây là Thông điệp Liên bang thứ 7 và cũng là thông điệp cuối cùng trước khi Tổng thống Obama rời Nhà Trắng vào tháng 1/2017.

Mỹ là quốc gia mạnh nhất hành tinh

Tổng thống Mỹ khẳng định: “Mỹ là nước mạnh nhất hành tinh! Tuy nhiên, nói như thế dường như là chưa đầy đủ. Nước Mỹ chi tiền cho quân đội nhiều hơn 8 nước tiếp theo cộng lại”.

Ông Obama cũng cho rằng, không nước nào dám tấn công Mỹ và các quốc gia đồng minh “vì họ biết đó là đường tới sự hủy diệt”.

Người đứng đầu Nhà Trắng nhấn mạnh: “Vị thế nước Mỹ trên thế giới cao hơn so với thời điểm tôi được bầu vào chức vụ này” và “khi đề cập tới mọi vấn đề quốc tế quan trọng, người ta không trông chờ Nga hay Trung Quốc, mà nhắc tới Mỹ như một quốc gia dẫn đầu”.

Buổi đọc Thông điệp Liên bang kéo dài 58 phút 40 giây là một trong những cơ hội còn lại của Tổng thống Obama để thu hút sự chú ý của hàng triệu người dân trước khi ông kết thúc nhiệm kỳ lãnh đạo thứ hai.

Trong Thông điệp Liên bang, ông Obama cũng khẳng định vị thế nước Mỹ với tư cách là nền kinh tế lớn nhất hành tinh.

Tổng thống Mỹ Barack Obama cho biết Mỹ “có nền kinh tế mạnh nhất và bền nhất thế giới” đồng thời gọi những báo cáo về suy giảm kinh tế nước này là “viễn tưởng”.

Theo ông Obama, Mỹ đang tập trung vào vấn đề kinh tế, công nghệ, làm sao để giữ nước Mỹ an toàn “mà không biến thành cảnh sát của thế giới” và điều gì là tốt nhất cho nước Mỹ.

Ông Obama nhắc lại những thành tích đã đạt được trong 6 năm qua, đó giảm một nửa tỉ lệ thất nghiệp, tạo thêm 900.000 công ăn việc làm, giúp nền kinh tế vững mạnh hơn.

Người đứng đầu Nhà Trắng đồng thời cho rằng những ai đang nói nền kinh tế nước Mỹ đang đi xuống là “rao bán tiểu thuyết”.

Thách thức kinh tế và TPP

Người đứng đầu Nhà Trắng thừa nhận, người Mỹ đang cảm thấy lo lắng do nền kinh tế đang thay đổi vì công nghệ. Ông cho biết, công nghệ không chỉ thay thế các công việc dây chuyền lắp ráp mà còn “bất cứ công việc nào có thể tự động hóa”, các công ty đang ở trong nền kinh tế toàn cầu, có thể đặt trụ sở bất cứ đâu và “đối đầu với cạnh tranh gay gắt hơn”.

Tại Thông điệp Liên bang, Tổng thống Obama cũng kêu gọi Quốc hội nước này thông qua Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) với 11 quốc gia khác càng nhanh càng tốt để đối phó với ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực.

“Hãy thông qua thỏa thuận này (TPP), qua đó trao cho chúng tôi công cụ để thực thi thỏa thuận. Với TPP, Trung Quốc không thể đặt ra các quy tắc trong khu vực đó nhưng chúng ta thì có thể”, Tổng thống Mỹ nhấn mạnh.

Bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2017

Tổng thống Obama rời Nhà Trắng vào tháng 1/2017 và Mỹ sẽ tổ chức bầu cử vào ngày 8/11 để tìm ra người kế nhiệm ông Obama.

Ông Obama cho rằng chính phủ Mỹ nên ngăn chặn việc những người giàu có đang làm ảnh hưởng đến cuộc bầu cử nước này. Tổng thống nói thêm, ông sẽ đi khắp nước Mỹ năm 2016 để “thúc đẩy cải cách” và hiện đại quá quy trình bỏ phiếu.

Tuy không chỉ đích danh nhưng tuyên bố về phân biệt chủng tộc gây tranh cãi của ứng viên Tổng thống Donald Trump nhưng ông cũng thẳng thừng phê phán việc này. Ông cho rằng nước Mỹ cần loại bỏ việc nhằm vào tôn giáo hay chủng tộc bởi đây không phải là vấn đề chính trị mà là “hiểu biết một vấn đề”.

“Việc các chính trị gia xúc phạm người Hồi giáo, hay một nhà thờ Hồi giáo bị phá hoại… không làm cho chúng ta an toàn hơn. Nó chỉ khiến chúng ta bị hạ thấp trong con mắt của thế giới”, theo ông Obama.

Cuộc chiến chống IS

Trước sự bành trướng của chủ nghĩa khủng bố, đặc biệt là tổ chức “Nhà nước Hồi giáo” (IS), Tổng thống Mỹ nhấn mạnh: “phải được nhổ tận gốc, săn lùng và tiêu diệt”.

“Al-Qaeda và IS tạo ra mối đe dọa trực tiếp tới người dân của chúng ta bởi trong thế giới ngày nay, một nhóm những kẻ khủng bố cũng có thể gây ra thiệt hại lớn. Chúng sử dụng Internet để đầu độc tâm trí các cá nhân, chúng làm suy yếu các đồng minh”, ông Obama nói, đồng thời khẳng định: “Khi chúng ta tập trung tiêu diệt IS, những tuyên bố cho rằng đây là Chiến tranh Thế giới thứ 3 chỉ càng làm phức tạp tình hình, phục vụ cho âm mưu của IS.

Trong thông điệp gửi Quốc hội được đăng tải trên website của Nhà Trắng ngày 13/1, Tổng thống Mỹ Obama kiến nghị: “Nếu Quốc hội muốn Mỹ giành chiến thắng cuộc chiến này [chống khủng bố] và muốn gửi thông điệp tới các đồng minh của chúng ta trên toàn thế giới, thì hãy cho phép sử dụng các lực lượng vũ trang của chúng ta chống lại khủng bố IS”.

“Làm thất bại của chủ nghĩa khủng bố quốc tế - điều kiện quan trọng nhất để duy trì hệ thống an ninh quốc tế, sau Thế chiến II – là lý do vì sao quân đội Mỹ dấn thân vào Iraq, Syria, Afghanistan”, ông Obama cho biết.

Người đứng đầu Nhà trắng cũng cảnh báo: “Mặc dù không thể duy trì sự ổn định lâu dài, nhưng IS sẽ vẫn tồn tại trong nhiều thập kỷ ở nhiều nơi trên thế giới - Trung Đông, Afghanistan và Pakistan, trong khu vực Trung Mỹ, châu Phi và châu Á”.

Quan điểm đối với Nga, Ukraine, Syria, Cuba

Tổng thống Mỹ cho rằng, nền kinh tế bị suy yếu sẽ khiến Nga khó có khả năng “duy trì lâu dài tầm ảnh hưởng tại Ukraine và Syria” bất chấp thực tế “Nga dành nhiều nguồn lực để không cho các Kiev, Damascus thoát ra khỏi quỹ đạo ảnh hưởng của họ”.

Đề cập tới chính sách của Mỹ tại Syria, Obama cảnh báo về các cuộc xung đột và “sự sa lầy”.

“Chúng ta không thể cố gắng tiếp nhận và tái thiết các nước rơi vào khủng hoảng. Điều này không thể hiện khả năng lãnh đạo. Nó là sự sa lầy, khiến người Mỹ đổ máu và cuối cùng là làm suy yếu chúng ta”, ông Obama nói.

Trong Thông điệp Liên bang, ông Obama một lần nữa hối thúc Quốc hội dỡ bỏ lệnh cấm vận thương mại đối với Cuba.

"50 năm cô lập Cuba đã không thể thúc đẩy nền dân chủ, khiến chúng ta bị tụt hậu trong khu vực Mỹ Latinh", Tổng thống Mỹ bày tỏ, đồng thời nhấn mạnh: "Đó là lý do tại sao chúng ta khôi phục quan hệ ngoại giao, mở cửa du lịch và thương mại, giúp cải thiện cuộc sống của người dân Cuba. Các ngài muốn củng cố vai trò lãnh đạo và sự tín nhiệm của chúng ta ở bán cầu này? Hãy hiểu rằng Chiến trạnh Lạnh đã kết thúc và hãy dỡ bỏ lệnh cấm vận".

Trong thông điệp lần này, ông Obama đã không đề cập tới những vấn đề liên quan tới Triều Tiên - nước tuyên bố đã tiến hành vụ thử hạt nhân lần thứ tư hôm 6/1.

Lạc quan vào tương lai

Kết thúc thông điệp, ông Obama chia sẻ ông tin tưởng vào tương lai nước Mỹ khi nhìn vào những người công nhân sẵn sàng làm tăng ca để phát triển công ty, hay các nhà khoa học không ngừng cống hiến, binh sỹ sẵn sàng làm tất cả để cứu giúp đồng đội...

“Đó là những người Mỹ mà tôi biết. Đó là đất nước mà chúng ta yêu quý. Điều này khiến tôi lạc quan vào tương lai của chúng ta. Bởi vì có các bạn. Tôi tin tưởng ở các bạn. Đó là lý do tại sao tôi đứng đây và tự tin rằng Thông điệp Liên bang này đủ mạnh mẽ”.

Điều cuối cùng ông Obama muốn nói trong Thông điệp liên bang đó là kêu gọi hợp tác lưỡng đảng trong Quốc hội. Ông Obama cũng cam kết sẽ tiếp tục nỗ lực hoàn thiện khi còn đương chức.

Theo Tùng Dương - Phan Yến

Cùng chuyên mục
XEM