2 tỷ phú giàu nhất Thái Lan đang bành trướng tại Việt Nam như thế nào?

12/08/2014 08:38 AM |

Tỉ phú giàu thứ 2 và thứ 3 Thái Lan đều đang sở hữu những khoản đầu tư lớn tại Việt Nam

Dhanin Chearavanant - Đại gia trong lĩnh vực chăn nuôi

Tỷ phú gốc Hoa hiện giàu thứ 2 Thái Lan với khối tài sản 11,5 tỉ USD hoạt động chính của trong lĩnh vực nông nghiệp. Ở tuổi 75, tập đoàn Chareon Pokphand Group (C.P Group) do ông Dhanin sở hữu là một trong những tập đoàn nông nghiệp lớn nhất thế giới, trong đó đứng đầu thế giới về thức ăn gia súc.

Tại Việt Nam, C.P Group mở công ty con lấy tên C.P Việt Nam, hoạt động theo mô hình gồm 3 lĩnh vực khép kín, thường được gọi là 3F, bao gồm: Farm (trang trại) - Feed (thức ăn chăn nuôi) - Food (thực phẩm).

Trong năm 2013, dù giá thịt giảm và dịch bệnh EMS ở tôm, nhưng doanh thu C.P Việt nam vẫn tăng 18,3% so với 2012, đạt 1,8 tỉ USD. Trong đó mảng thức ăn chăn nuôi chiếm 46,6% doanh thu của C.P Việt Nam, mảng trang trại và thực phẩm chiếm 53,4%.

- Feed (chăn nuôi): C.P Việt Nam là tập đoàn cung cấp thức ăn chăn nuôi lớn nhất Việt Nam. Trong năm 2013, doanh thu từ mảng này của C.P Việt Nam tăng 7%, đạt 843 triệu USD. Doanh số mảng này tăng 0,6% so với cùng kỳ và đạt 1,48 triệu tấn.

- Farm & Food (Trang trại và thực phẩm): doanh thu từ hai mảng này của tập đoàn tăng 29,9%, đạt 965 triệu USD.  Hiện tại, C.P Việt Nam là tập đoàn cung cấp thịt gà công nghiệp cũng như thức ăn chăn nuôi lớn nhất nước ta. Mặc dù vậy, lợi nhuận năm qua của mảng này cũng bị giảm do thịt lợn không được giá và bệnh EMS ở tôm.

1/2 lượng trứng gà công nghiệp tại Việt Nam là của C.P

C.P từng "nhòm ngó" thủy sản Minh Phú, doanh nghiệp xuất khẩu tôm lớn nhất Việt Nam nhưng không thành công trong thương vụ này.

Đi lên từ chăn nuôi, nhưng ông Dhanin còn nổi tiếng trong 2 lĩnh vực khác: đó là bán lẻ-phân phối (CP All) và viễn thông (True Corp) hoạt động tại hàng chục quốc gia khác nhau.

Với lĩnh vực bán lẻ, năm 2012, tài sản của tỉ phú này đã tăng gấp đôi trong nhờ vào sự phát triển tốt của chuỗi cửa hàng 7-Eleven. Hệ thống này sẽ được triển khai tại Việt Nam trong thời gian sắp tới tại T.p Hồ Chí Minh.

Trái ngược với chính sách "ngoại giao cây sậy" nổi tiếng trong lịch sử, các tỉ phú người Thái lại tỏ ra rất quyết liệt trong hoạt động M&A. Đặc biệt là những thương vụ trong khu vực Đông Nam Á và Trung Quốc. 

Năm vừa qua, ông bỏ tới 9,4 tỉ USD mua lại 15% cổ phần của tập đoàn bảo hiểm lớn thứ 2 Trung Quốc  – Ping An từ HSBC. Đây là vụ thâu tóm đắt giá nhất trong lịch sử Thái Lan.

Charoen Sirivadhanabhakdi - Tỉ phú nước giải khát

Giàu thứ 3 tại Thái Lan, tỉ phú Charoen Sirivadhanabhakdi có khối tài sản trị giá 11,3 tỉ USD, chủ yếu đến từ công ty chủ lực của ông là tập đoàn nước giải khát Thaibev. Ông Charoen cũng là người gốc Hoa.

Trong một thương vụ đình đám ngành bia cách đây 2 năm, ThaiBev là một trong những đại gia định mua lại APB (tập đoàn sản xuất bia Tiger và cung cấp Heineken cho khu vực Đông Nam Á). Dù không thành công, ThaiBev lại tiếp tục khiến mọi người "sửng sốt" với thương vụ 11 tỉ USD mua lại luôn cả công ty mẹ của APB - tập đoàn đồ uống lớn nhất Singapore Fraser & Neave.

Trên những thị trường sân nhà, tập đoàn của ông Charoen đủ sức cạnh tranh với các đối thủ là tập đoàn đa quốc gia. Thaibev còn muốn Pepsi và Coke "san sẻ" thị phần với mình khi giới thiệu Est Cola tại thị trường Thái Lan. 

Tại Việt Nam, tập đoàn này có thể sử dụng F&N như một cánh tay nối dài tấn công vào thị trường đồ uống không cồn và đặc biệt là thị trường sữa. F&N đang sở hữu nhiều bất động sản có giá trị ở Việt Nam và đặc biệt là khoản đầu tư nắm giữ 9,54% cổ phần của Vinamilk. Số cổ phần này hiện đáng giá ít nhất là 500 triệu USD.

Ngoài Thaibev là cái tên lớn nhất, 2 cái tên nổi tiếng tiếp theo cũng dưới quyền Charoen là Berli Jucker hoạt động đa ngành, và TCC Land trong lĩnh vực bất động sản. 

Trong đó Berli Jucker hiện diện tại Việt Nam nhiều hơn cả. Mảng kinh doanh chính của Berli Jucker đó là sản xuất vỏ lon. Quý I/2014, doanh thu của BJC tại Việt Nam khoảng 45 triệu USD, chiếm 66% doanh thu nước ngoài của BJC.

Tương tự như ông Dhanin, Charoen cũng mở rộng quy mô thông qua M&A. Trước thương vụ trị giá hơn 800 triệu USD với Metro, Berli Jucker từng hoàn thành nhiều thương vụ khác tại Việt Nam như thâu tóm chuỗi cửa hàng Family Mart, mua lại 75% cổ phần của hãng sản xuất đậu phụ ICHIBAN và 32 triệu USD (hơn 670 tỉ đồng) để mua lại 65% cổ phần tại Thái An, một doanh nghiệp bán lẻ ở miền Bắc.

Bên cạnh BJC đã nêu ở trên, tại Việt Nam, TTC Land cũng có nhiều hoạt động. Thông qua công ty con SAS Trading Ltd, TTC Land hiện nắm giữ 65% cổ phần của Khách sạn 5 sao Melia Hà Nội. Ba năm gần đây, khách sạn này đều đạt trên 20 triệu USD doanh thu và 10 triệu USD lợi nhuận trước thuế, tương ứng tỷ suất lợi nhuận lên đến 50%.


Trang Lam

dungtq

Cùng chuyên mục
XEM