Nhân sự đợi thưởng Tết rồi nhảy việc, Shark Phú bảo: Thưởng Tết chỉ là giọt nước tràn ly!

27/01/2022 08:53 AM | Kinh doanh

Nếu không đạt được kỳ vọng, họ sẽ tìm đến nơi làm việc khác, đó là suy nghĩ thông thường.

Cứ mỗi dịp cuối năm, dân tình lại xôn xao câu chuyện thưởng Tết, đặc biệt là hiện tượng đợi nhận thưởng Tết rồi nghỉ việc. Không ít chủ doanh nghiệp đau đầu với tình trạng cứ thưởng Tết xong lại nhận một loạt đơn xin nghỉ việc của nhân viên.

Có người cho rằng đây là cách hành xử thiếu tử tế, thậm chí bội bạc, "không có đạo đức" của người lao động. Nhất là trong năm Covid vừa qua, khi doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn nhưng vẫn cố gắng thưởng Tết khích lệ tinh thần nhân viên.

Tuy nhiên, phía người lao động lại có lý lẽ riêng.

"Thưởng Tết là khoản thù lao công ty trả cho những đóng góp của tôi trong một năm qua, đâu phải là khoản lương thưởng trả trước cho năm sau mà đánh giá tôi vô ơn hay không tử tế", một nhân viên công sở vừa nghỉ việc chia sẻ.

"Mối quan hệ giữa doanh nghiệp và người lao động vốn sòng phẳng, dựa trên quy định của pháp luật và doanh nghiệp, có qua có lại, đảm bảo lợi ích cho cả đôi bên. Tôi làm việc tốt nên được hưởng chính sách thưởng của công ty là lẽ đương nhiên, đâu phải mối quan hệ tình cảm, cho – nhận mà nói tôi vô tình, vô ơn.

Ngược lại, chủ doanh nghiệp cũng phải tự nhìn nhận lại mình, vì sao những nhân viên tốt lại rời đi. Một phần cũng là do chế độ, chính sách hoặc văn hoá của công ty không còn khiến nhân viên thoả mãn, không còn khiến họ muốn cống hiến. Như vậy, họ rời đi chẳng phải cũng tốt hay sao?", một người khác bày tỏ quan điểm.

Dân tình tranh luận đợi thưởng Tết rồi nghỉ là “vô đạo đức”, ngẫm lại nhận định của Shark Phú: Thưởng Tết chỉ là ngọn nước tràn ly! - Ảnh 1.

Là chủ một doanh nghiệp lớn, Shark Phú cũng từng đưa ra quan điểm về hiện tượng nhân viên đợi thưởng Tết rồi nghỉ việc.

"Thưởng xuất phát từ phần vượt trội hơn trong kết quả làm việc hoặc nếu không thì chính bản thân người chủ đã trích một phần lợi ích của mình để thưởng cho bạn. Nghĩa là nếu bạn làm được 1 sản phẩm thì chỉ tính vào lương nhưng nếu tăng lên 1,2 sản phẩm thì được tính là thưởng. Hoặc bạn sản xuất ra sản phẩm hết 8 đồng chi phí thay vì bình thường là 10 đồng; phần thặng dư 2 đồng tăng thêm chính là phần được dùng để bỏ vào quỹ thưởng.

Không chỉ phải làm đúng, làm đủ, làm tốt, chúng ta còn phải làm hơn những gì đã cam kết thì mới có nguồn để thưởng. Đây là điều mà cả người lao động và người làm chủ cần hiểu rõ để đảm bảo cân bằng cho cả 2 bên", Shark Phú làm rõ khái niệm thưởng.

Bên cạnh đó, theo lý giải của ông chủ Sunhouse, Tết là dịp mà nhu cầu tiêu dùng của mọi người tăng cao nên đều có tâm lý kỳ vọng thưởng Tết cao để bù đắp chi tiêu đột biến trong giai đoạn này. Nếu không đạt được kỳ vọng, họ sẽ tìm đến nơi làm việc khác, đó là suy nghĩ thông thường.

Shark Phú nhận định: "Chỉ có điều người ta cố gắng chịu đựng 1-2 tháng nữa để nhận thưởng cuối năm rồi họ sẽ chuyển đổi công việc. Nguồn cơn khi họ thay đổi công việc không phải do thưởng mà xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác tích lũy trước đó.

Có thể trong quá trình làm việc hàng ngày, môi trường, văn hoá, chế độ chính sách của công ty đã gây ức chế với họ. Cộng thêm thưởng Tết không như kỳ vọng nên họ quyết định ra đi. Thưởng tết chỉ là giọt nước làm tràn ly còn phần chính nằm ở chỗ khác".

Hoàng Thuỳ

Cùng chuyên mục
XEM