Nhắn nhủ ngành tôm Việt Nam, Thủ tướng dẫn câu nói: "Muốn đi nhanh thì đi một mình, nhưng muốn đi xa thì đi cùng nhau"
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phấn đấu đến năm 2030 kim ngạch xuất khẩu tôm đạt 10 tỷ USD/năm, song Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, mục tiêu này quá thấp và mong muốn phải đạt sớm hơn.
Sáng 6/2, tại TP. Cà Mau, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức Hội nghị phát triển ngành tôm Việt Nam dưới sự chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
Theo Bộ NN&PTNT, tôm nước lợ là đối tượng nuôi trồng thủy sản (NTTS) chủ lực, có vai trò quan trọng đối với kinh tế, xã hội, đặc biệt là tại các địa phương ven biển. Hiện kim ngạch xuất khẩu tôm nước lợ luôn dẫn đầu toàn ngành thủy sản với tỷ lệ khoảng 45% tổng giá trị kim ngạch.
Hiện cả nước thả nuôi được 694.645 ha, tăng 100,1% so với năm 2015. Trong đó, tôm sú 600.399 ha, thẻ chân trắng 94.246 ha, sản lượng thu hoạch 657.282 tấn. Tôm Việt Nam đã xuất khẩu sang 90 thị trường trên thế giới, đạt kim ngạch 3.150.723 USD, tăng 6,7% so với năm 2015.
Bộ NN&PTNT phấn đấu đến năm 2020 kim ngạch xuất khẩu tôm đạt trên 4,5 tỷ USD, năm 2030 đạt 8-10 tỷ USD. Tại hội nghị, lãnh đạo Công ty cổ phần Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (Cà Mau) cho biết năm 2016, doanh nghiệp này khẩu tôm với giá trị hơn 535 triệu USD, phấn đấu đến năm 2021 xuất khẩu đạt 2 tỷ USD.
Đưa ra ý kiến tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, mục tiêu mà Bộ NN&PTNT đưa ra cho ngành tôm là xuất khẩu đạt giá trị 10 tỷ USD vào năm 2030 là quá thấp.
Bởi theo người đứng đầu Chính phủ, Tập đoàn thủy sản Minh Phú đã quyết tâm xuất khẩu 2 tỷ USD vào năm 2021. Vậy còn 8 tỷ USD nữa với 28 tỉnh có biển và nhiều doanh nghiệp lớn thì kim ngạch xuất khẩu của có thể đạt 10 tỷ USD/năm sớm hơn vào năm 2025, chứ không phải năm 2030 như kế hoạch.
“Muốn đi nhanh thì đi một mình, nhưng muốn đi xa thì đi cùng nhau” là một trong những giải pháp mà Thủ tướng mong muốn các đơn vị cùng hợp lực để ước mơ đạt mốc 10 tỷ USD của ngành tôm sớm hơn.
Thủ tướng cho rằng, các đại biểu nên cùng suy nghĩ, thảo luận và có thể mạnh dạn kiến nghị với Chính phủ các cơ chế, chính sách để phát triển lợi thế này của Việt Nam, “chứ không phải rụt rè từng dấu chấm, phẩy”.