Nhân dân tệ xuyên thủng ngưỡng 7 CNY, bảng Anh thấp nhất 37 năm, vàng và Bitcoin cùng giảm
Đồng USD tăng nhẹ trong phiên cuối tuần, tính chung cả tuần cũng tăng do các nhà đầu tư tin rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tiếp tục tăng lãi suất tích cực trong tuần tới. Trong khi đó, nhân dân tệ của Trung Quốc giảm xuống dưới ngưỡng quan trọng, 7 CNY/USD.
Dữ liệu vừa công bố cho thấy tâm lý của người tiêu dùng Mỹ được cải thiện ở mức vừa phải trong tháng 9. Cụ thể, kết quả khảo sát sơ bộ của Đại học Michigan cho thấy chỉ số tổng thể về tâm lý người tiêu dùng trong tháng 9 là 59,5 điểm, tăng nhẹ so với 58,6 điểm của tháng 8. Con số đó thấp hơn mức 60 điểm mà các nhà kinh tế tham gia khảo sát của Reuters ước tính sơ bộ.
Chỉ số Dollar index (DXY) – so sánh USD với rổ các đồng tiền đối tác chủ chốt – lúc kết thúc ngày 16/9 theo giờ Việt Nam tăng 0,1% lên 109,85, tăng so với cách đây một tuần. Đầu tháng này, DXY đã đạt mức cao nhất trong vòng 2 thập kỷ, là 110,79.
Hầu hết các đồng tiền chính đều gặp khó khăn so với đồng USD trong những tháng gần đây, và đồng bạc xanh vừa thêm một tuần tăng giá nữa, sau khi lạm phát của Mỹ ‘nóng’ hơn dự kiến.
"Hiện tại, có vẻ như toàn bộ thị trường đều đồng thuận tin rằng quan điểm đồng USD đang gần đạt mức đỉnh cao, tương đương với lãi suất sắp đạt đỉnh, đang bị, rất gần với lợi suất cao nhất, ngày càng trở nên thiếu căn cứ. Chúng tôi đang thấy rất nhiều động lực đẩy USD tăng giá mạnh", Edward Moya, nhà phân tích thị trường cấp cao của Oanda, ở New York, cho biết.
Theo ông Moya: "Những nhận định đó là đúng hay sai, điều đó sẽ trở nên rõ ràng sau cuộc họp của FOMC (Ủy ban Thị trường mở của Fed) vào tuần tới."
Quỹ Fed Futures dự đoán có nhiều khả năng Fed sẽ nâng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản trong kỳ họp vào tuần tới, thậm chí có thể tăng tới 100 điểm cơ bản.
Đồng bảng Anh ghi dấu kỷ niệm 30 năm ngày "Thứ Tư Đen" bằng cách giảm xuống mức thấp nhất trong 37 năm so với đồng USD và 19 tháng so vói euro, sau khi doanh số bán lẻ của Anh tháng 8 giảm nhiều hơn so với dự kiến, dấu hiệu mới nhất cho thấy nền kinh tế Anh đang rơi vào suy thoái khi chi phí sinh hoạt của các hộ gia đình tăng vọt.
Trong phiên vừa qua, bảng Anh có lúc giảm xuống mức thấp nhất 37 năm so với USD, là 1,1351 USD, lúc kết thúc ngày 16/9 theo giờ Việt Nam vẫn giảm 0,6% so với phiên liền trước, xuống 1,1408 USD. So với euro, bảng Anh cũng giảm mạnh, với euro có lúc tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 2 năm 2021, là 87,71 pence vào thứ Sáu (16/9), mức cao nhất kể từ tháng 2 năm 2021.
Cách đây tròn 30 năm, ngày 16/9/1992, Anh đã rút khỏi Cơ chế Tỷ giá hối đoái - một hệ thống được thiết kế để giảm biến động tiền tệ trước khi đồng euro ra mắt - gây ra sự mất giá mạnh đối với đồng bảng Anh. Ngày hôm đó, được gọi là "Thứ Tư Đen", đã chứng kiến đồng bảng Anh giảm 4,3% và kết thúc ở mức 1,778 USD, cao hơn nhiều so với mức ngày hôm nay.
Ngân hàng Trung ương Anh sẽ họp vào tuần tới, với khả năng sẽ nâng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản.
Đồng yen Nhật trong tuần qua đã thu hút rất nhiều sự chú ý khi giá giảm rất mạnh bất chấp dự định can thiệp của Ngân hàng Trung ương Nhật (BoJ). Lúc kết thúc ngày 16/9, USD giảm 0,3% so với yen Nhật, xuống 143,06 JPY, nhưng tính chung cả tuần vẫn tăng.
Theo nhận định của thị trường, BoJ không có ý định tăng lãi suất hoặc điều chỉnh chủ trương chính sách ôn hòa để hỗ trợ đồng yên.
Đồng euro phiên vừa qua giảm 0,1% xuống 0,9987 USD.
Đồng đô la Canada lao dốc xuống mức thấp nhất trong gần hai năm so với USD do viễn cảnh tăng mạnh lãi suất đè nặng lên tâm lý nhà đầu tư và dữ liệu trong nước cho thấy thương mại bán buôn giảm trong tháng 7.
Theo đó, CAD giảm 0,5% xuống 1,3290 CAD/USD, hay 75,24 US cent/CAD, sau khi có thời điểm chạm mức thấp nhất kể từ tháng 11 năm 2020, là 1.3307 CAD. Tính chung cả tuần, CAD giảm 2%, mức giảm mạnh nhất kể từ tháng 8/2021.
Nền kinh tế Canada hoạt động tốt hơn so với một số nước láng giềng G7 trong nửa đầu năm 2022 nhưng đã có dấu hiệu mất đà. Thống kê Canada cho biết thương mại bán buôn giảm 0,6% trong tháng 7 do doanh số bán hàng cá nhân và gia dụng cũng như phân ngành vật liệu xây dựng và vật tư giảm. Một dữ liệu khác cũng cho thấy giá nhà ở Canada bắt đầu giảm 3% trong tháng 8 so với tháng liền trước. Giá dầu thô Mỹ đã giảm xuống mức khoảng 85 USD trong phiên vừa qua.
Cập nhật tỷ giá các tiền tệ chủ chốt.
Nhân dân tệ của Trung Quốc trên thị tường nước ngoài tiếp tục giảm xuống dưới ngưỡng 7 CNH/USD lần đầu tiên trong vòng hơn 2 năm trở lại đây. Tương tự, trên thị trường nội địa, nhân dân tệ cũng phá vỡ ngưỡng quan trọng ngay khi thị trường vừa mở cửa.
Dữ liệu cho thấy nền kinh tế Trung Quốc đã phục hồi một cách đáng kinh ngạc trong tháng 8, với sản lượng của các nhà máy và doanh số bán lẻ đều tăng trưởng hơn dự kiến. Nhưng sự sụt giảm ngày càng sâu của lĩnh vực bất động sản đã đè nặng lên triển vọng kinh tế nước này.
Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) sáng 16/9 đưa ra tỷ giá tham chiếu đã đặt tỷ giá tham chiếu là 6,9305 CNY/USD, giảm 204 pips hoặc 0,3% so với phiên liền trước. Tuy nhiên, trên thị trường tự do, CNY giảm 0,3% trong phiên này, kết thúc ở mức 7,0166 CNY, thấp nhất kể từ ngày 14 tháng 7 năm 2020. Ở nước ngoài, CNH giao dịch ở mức 7,0316 CNH.
Thị trường chứng khoán trên toàn cầu kéo dài đà giảm trong tuần này khi các nhà đầu tư chuẩn bị cho đợt tăng lãi suất sắp tới ở Mỹ giữa bối cảnh có nhiều dấu hiệu cảnh báo cho thấy kinh tế toàn cầu suy thoái.
Trong tuần tới, trọng tâm chú ý của thị trường là động thái của Fed. Ngoài ra, BoJ và Ngân hàng Trung ương Anh cũng dự kiến sẽ có các cuộc họp về chính sách tiền tệ.
Trên thị trường tiền điện tử, Bitcoin liên tục lao dốc trong phiên vừa qua, kết thúc ngày 16/9 theo giờ Việt Nam ở mức 19.395 USD.
Giá Bitcoin ngày 16/9.
Giá vàng trải qua một tuần tồi tệ nhất trong vòng khoảng 2 tháng do USD mạnh lên và dự đoán Fed tăng mạnh lãi suất thêm nữa.
Lúc kết thúc ngày 16/9 theo giờ Việt Nam, giá vàng giao ngay giảm 0,2% xuống 1.660,96 USD/ounce, trước đó có lúc chạm mức thấp nhất kể từ tháng 4/2020, là 1653,10 USD và giảm khoảng 3% trong cả tuần; giá vàng kỳ hạn tháng 12 cũng giảm 0,4% xuống 1.670,40 USD.
Philip Streible, chiến lược gia trưởng phụ trách mảng thị trường của Blue Line Futures ở Chicago, cho biết vàng không được hưởng lợi chút nào mặc dù rủi ro suy thoái của Mỹ gia tăng sau các dữ liệu kinh tế gần đây, do lợi suất trái phiếu kho bạc cao hơn và đồng USD cũng tăng giá.
Ông nói: "Nó thậm chí không được coi là nơi trú ẩn an toàn nữa".
Tham khảo: Refinitiv, Coindesk