Nhận 50 triệu USD vốn mới, F88 tính "tiêu" như thế nào?

03/03/2023 14:20 PM | Kinh doanh

Đến nay F88 đã có hơn 830 phòng giao dịch trên toàn quốc. Tốc độ tăng trưởng dư nợ và khách hàng trong 3 năm liên tiếp của đơn vị này đạt gần 200%.

Nhận 50 triệu USD vốn mới, F88 tính "tiêu" như thế nào? - Ảnh 1.

F88 vừa có lễ công bố khoản đầu tư vòng Series C, trong đó hai quỹ đầu tư mới nhất rót vốn cho F88 là quỹ đầu tư Việt Nam - Oman (VOI) và quỹ Mekong Enterprise Fund IV.

Lần đầu tiên nhận vốn từ một quỹ đầu tư Chính phủ nước ngoài

Tổng vốn nhận được là 50 triệu USD (tương đương 1.185 tỷ đồng), riêng nguồn vốn từ quỹ đầu tư liên doanh giữa Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước Việt Nam và Ủy ban Đầu tư Chính phủ Oman đã góp 30 triệu.

“Dù đã nhiều lần nhận vốn từ các quỹ đầu tư quốc tế vào trong các năm từ 2017, 2018 đến 2020 nhưng đây là lần đầu tiên F88 nhận vốn từ một quỹ đầu tính phủ nước ngoài ”, đại diện chia sẻ.

Về phía VOI, đây cũng là lần đầu tiên VOI đầu tư vào một công ty kinh doanh lĩnh vực dịch vụ tài chính tại Việt Nam. Ông Nguyễn Xuân Giao, Giám đốc đầu tư của VOI, cho biết dù đã chính thức hoạt động tại thị trường Việt Nam từ năm 2009 đến nay nhưng quỹ mới rót vốn khoảng 20 dự án và hầu hết tập trung ở các lĩnh vực năng lượng tái tạo, y tế, giáo dục.

Nguyên tắc lựa chọn đầu tư của quỹ là ngoài yếu tố lợi nhuận, đơn vị nhận đầu tư phải tạo ra được giá trị tích cực, giải quyết các vấn đề tồn tại trong xã hội, đem lại những giá trị tích cực cho cộng đồng. Quy mô các khoản đầu tư của VOI thường giao động từ 10 – 30 triệu USD và khoản đầu tư dành cho F88 lần này chứng tỏ VOI đánh giá cao tiềm năng phát triển của F88.

Tham gia đợt rót vốn lần này, ngoài VOI còn có Mekong Capital. Đây là lần thứ 3, quỹ Mekong góp vốn vào F88 sau các năm 2017, 2022. Ông Chris Freund – Sáng lập kiêm Tổng giám đốc Mekong Capital – đánh giá cao khả năng thay đổi bản thân để thích nghi với sự phát triển thị trường của F88.

Mục tiêu 5 năm sẽ lập được nền tảng cho vay số cho người không tiếp cận được vốn ngân hàng

Ông Phùng Anh Tuấn, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc, cho biết toàn bộ số vốn nhận được sẽ chi đầu tư thúc đẩy hoạt động phân phối các sản phẩm tài chính ở Việt Nam. Cụ thể, F88 sẽ dùng số tiền này để hoàn tất 3 dự án là:

(i) nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin;

(ii) mở rộng điểm bán;

(iii) nâng cao chất lượng nhân sự.

Trong đó, chiến lược phát triển của F88 trong 5 năm tới là trở thành cầu nối giúp người lao động phổ thông, người không có tài khoản ngân hàng hoặc có tài khoản ngân hàng nhưng không đủ điều kiện sử dụng dịch vụ tài chính từ ngân hàng (unbank và underbank). F88 còn đặt mục tiêu cung cấp dịch vụ tài chính vi mô trên môi trường số cho đối tượng này. Do đó, phát triển hệ thống công nghệ thông tin là tối quan trọng.

Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu đó, trước mắt phải có nhiều điểm bán, nơi mà người dân có thể chuyển đổi các giao dịch trực tiếp thành giao dịch trực tuyến.

Năm 2022, F88 từng gây chú ý đã huy động thành công 70 triệu USD từ các quỹ tài chính như CLSA Capital Partners (HK) Limited (Lending Ark) và Lendable (London), trong cuộc đua tìm kiếm vốn ngoại của nhiều doanh nghiệp Việt trong bối cảnh dòng tiền trong nước hạn hẹp.

Gần nhất, F88 vừa có kết hợp với các ngân hàng quốc tế như CIMB Việt Nam (chi nhánh của tập đoàn CIMB có nguồn gốc từ Malaysia) và Kasikornbank (Kbank) là một trong ba ngân hàng lớn nhất Thái Lan để phân phối các sản phẩm tài chính toàn diện tại Việt Nam, trong đó có các khoản vay theo hình thức cầm cố tài sản.

Về kinh doanh, đến nay F88 đã có hơn 830 phòng giao dịch trên toàn quốc. Tốc độ tăng trưởng dư nợ và khách hàng trong 3 năm liên tiếp của đơn vị này đạt gần 200%. Trong kế hoạch, năm 2023 dự kiến doanh nghiệp này sẽ giải ngân sấp xỉ 1 tỷ USD, tương đương 22.000 tỷ đồng và sẽ chính thức IPO vào năm 2024 với quy mô vốn hóa đạt 1 tỷ USD, hệ thống phòng giao dịch đạt 1.400 phòng.

Theo Tri Túc

Cùng chuyên mục
XEM