Nhà tuyển dụng hỏi "Khi chia tay em thường thế nào", ứng viên trả lời ra sao mà được tuyển ngay lập tức?
Nếu là bạn trong vòng phỏng vấn đó, bạn sẽ trả lời câu hỏi đó thế nào?
Có 3 ứng viên tham gia vào vòng phỏng vấn một công ty nọ và cùng nhận được một câu hỏi, thế nhưng kết quả thì phải nói là một trời một vực. Câu hỏi tưởng chừng rất dễ và không liên quan, đó là: "Khi chia tay em thường thế nào?".
Nếu ở trong hoàn cảnh đó, bạn sẽ trả lời thế nào? Cùng xem liệu 3 ứng viên của chúng ta đã vượt qua câu hỏi đó ra sao.
Ứng viên thứ nhất lại chính là người cảm thấy thoải mái với câu hỏi này nhất. Có lẽ cậu ấy nghĩ rằng đây chỉ là một câu hỏi thăm. Cậu trả lời: "Em sẽ tìm một lý do khác, đỡ tổn thương người ấy, thậm chí là mình phải nói dối, và sau đó sẽ tìm cách cắt đứt liên lạc để người ấy có thời gian quên". Thế là vài ngày sau anh nhận một cái email "rớt cái bịch"
Ứng viên thứ hai, là một cô gái. Cô nàng cho rằng sẽ tìm cách kết thúc trong im lặng mà không có lý do rõ ràng để không phải làm người còn lại sốc hay tổn thương. Và cũng rất tiếc cho cô gái ấy khi chẳng thể vượt qua vòng phỏng vấn này.
Thế nhưng đến người thứ 3 thì tình thế lại khác. Người này nêu quan điểm: "Em sẽ nói rõ ràng lí do tại sao bọn em nên dừng lại, sau đó từ từ giải thích và lắng nghe người ấy chứ không đột ngột biến mất". Ứng viên này đã đậu!
Liệu phải chăng đây chỉ là một câu hỏi thăm đơn thuần để xem cách ứng xử trong chuyện tình cảm của ứng viên ra sao? Tất nhiên là không rồi!
Bạn có biết, làm việc ở một công ty giống như đang trong một cuộc tình vậy, và việc bạn chia tay cũng tương tự như nghỉ việc. Câu hỏi này đưa ra nhằm xem, cách ứng viên kết thúc một mối quan hệ, một sự liên kết sẽ ra sao và từ đó, HR sẽ hiểu hơn về tác phong làm việc và thái độ chuyên nghiệp, văn minh của họ.
Chẳng ai muốn kết thúc một mối quan hệ với một lí do giả dối và một hành động đột ngột như cắt đứt liên hệ ngay lập tức mà không nói một lời. Khi bạn nghỉ việc, tốt nhất, đừng nên nói dối một lí do nào đó hay "nói nghỉ là nghỉ ngay lập tức". Thay vào đó, bạn trong mắt đồng nghiệp, công ty sẽ tử tế hơn nếu bạn nói thành thật lí do và dành thời gian sắp xếp và bàn giao công việc.
Đối với trường hợp của ứng viên thứ hai, rõ ràng, trong tình yêu, thứ làm ta đau nhất không phải là một câu chia tay mà là sự im lặng. Con người ta chỉ day dứt và cảm thấy bỏ lỡ khi không biết lí do. Và việc bạn nghỉ việc cũng thế. Chẳng ai tôn trọng một nhân viên nghỉ việc mà không có một lí do nào cụ thể, cũng không chào tạm biệt những người thân yêu nhất, hay thậm chí là không có bất kỳ sự chuẩn bị nào trước với công ty như thông báo về công việc đang dở, hay sắp xếp những việc đã hoàn thành.
Thế nhưng, với người cuối cùng, đó là một người sẽ kết thúc tử tế và văn minh nhất có thể. Bạn có thể chia tay, nhưng hãy cho họ một lí do chân thành nhất. Chẳng ai sai khi họ nói thật và vì một mục đích tốt. Ai cũng có tương lai riêng, cũng có những dự định riêng, nhưng người biết thành thật mới là người đáng quý. Bên cạnh đó, họ cũng cần báo trước với công ty để có sự chuẩn bị sẵn sàng cụ thể người để thay thế vị trí của họ. Đồng thời, khi "chia tay" thì những gì đang làm, đã làm hay chuẩn bị làm thì nên được bàn giao lại. Ấy là lối chia tay, hành xử của một nhân viên thông minh và tử tế.
Cùng nghỉ việc nhưng có người được công ty nhớ đến và có ấn tượng tốt, có người lại khiến đồng nghiệp cũ "bĩu môi" khi nhắc về. Hãy là một nhân viên văn minh bạn nhé! Nếu là bạn trong vòng phỏng vấn đó, bạn sẽ trả lời câu hỏi đó thế nào?