Nữ sinh Việt trúng tuyển vào công ty TOP ĐẦU THẾ GIỚI, tiết lộ 1 câu hỏi phía tuyển dụng hay BẪY ứng viên: Trả lời sai là xác định!
Doanh Nghi hồ hởi chia sẻ mình vừa được nhận vào thực tập tại một công ty Kiểm toán thuộc khối Big4, cơ hội được ở lại làm việc là 95%.
Thái Doanh Nghi (SN 1999), quê gốc tại TP. HCM. Hiện Nghi là sinh viên năm cuối ngành Kiểm toán (Accounting) tại Đại học DePaul, Chicago, thành phố IIIinois, Hoa Kỳ. Ngay từ năm thứ ba đại học, Nghi đã nộp CV (hồ sơ xin việc) cho 2 công ty Kiểm Toán thuộc nhóm Big4 – bốn hãng kiểm toán lớn nhất thế giới. Một trong 2 công ty ấy là Deloitte đã nhận nữ sinh vào ngay sau vài tiếng phỏng vấn.
Chân dung nữ sinh Thái Doanh Nghi.
Ngoạn mục vượt qua 2 vòng phỏng vấn, chuyển bại thành thắng trong phút mốt
- Nộp đơn xin thực tập vào 2 công ty Big4 ngay từ khi còn là sinh viên năm 3, để có bước đi táo bạo này chắc Nghi đã chuẩn bị tương đối kiến thức và kỹ năng?
Không giống như sinh viên Việt Nam đến năm cuối mới chuẩn bị đi thực tập. Sinh viên bên Mỹ cần chuẩn bị từ sớm, chúng mình nộp CV từ năm ba đại học, đến năm thứ tư mới bắt đầu đi thực tập.
Dự định của mình là sau khi học xong đại học sẽ ở lại Mỹ làm việc. Để có được công việc tốt, bắt buộc phải chọn những công ty lớn thực tập, rồi bám trụ lại làm việc. Chỉ công ty lớn mới cấp visa cho mình. Thực tập ở công ty nhỏ sẽ khó kiếm việc tốt bởi tỷ lệ cạnh tranh cao, mình phải cố gắng đánh bật những sinh viên bản địa mới có tấm vé ở lại.
Nhiều người không biết cứ tưởng mình "chơi ngông" nhưng không phải vậy. Nếu không nỗ lực cố gắng sẽ sớm bị đào thải. Bên cạnh đó, mình cũng là người có khát vọng lớn, thích chinh phục những thử thách khắc nghiệt.
- Để lọt vào "mắt xanh" nhà tuyển dụng, bạn đã vượt qua mấy vòng phỏng vấn?
Mình nộp vào 2 công ty lớn, hy vọng trúng tuyển vào công ty kia. Nhưng không ngờ Deloitte mời phỏng vấn trước.
Đầu tiên, ở vòng nộp hồ sơ, ứng viên cần đọc kỹ miêu tả công việc, điều chỉnh Resume (Bản tóm tắt) phù hợp. Bạn chỉ nên tập trung vào công việc không đòi hỏi kinh nghiệm để đỡ mất thời gian. Bên cạnh đó, cần chú ý chuẩn bị mẫu thư cảm ơn nhà tuyển dụng và tìm hiểu chính sách hỗ trợ visa tại công ty.
Vòng thứ hai là vòng thi phụ. Ở vòng này, việc test năng lực giống như "chơi" game online vậy. Gặp những câu hỏi khó, hãy bình tĩnh tập trung và giải quyết. Nhiều công ty lớn còn tổ chức vòng phỏng vấn "không người" trên máy tính như thi Speaking Tiếng Anh để tiết kiệm thời gian. Bạn sẽ xem video câu hỏi và thu lại câu trả lời rồi gửi nhà tuyển dụng.
Thái Doanh Nghi có thành tích học tập xuất sắc tại Đại học DePaul.
Vòng cuối cùng là phỏng vấn trực tiếp, chia thành 2 vòng nhỏ với 2 người phỏng vấn khác nhau. Người đầu tiên phỏng vấn mình là một nhân viên làm việc lâu năm, giữ chức vụ Trưởng phòng (Manager hay Senior Manager). Vị này tập trung hỏi những hoạt động trên trường. Kết thúc buổi trao đổi, nét mặt chú ấy rất căng, mình nghĩ "toạch" là chắc. Không ngờ, được thông báo phỏng vấn vòng 2 ngay ngày hôm sau.
Người thứ hai phỏng vấn là Quản lý cấp cao (Partner), chú ấy là cổ đông lớn của công ty. Khác với chú đầu tiên, chú thứ 2 liên tục đưa ra các tình huống thử sức. Chú ấy không căng thẳng nhưng luôn cười mỉm khiến mình không thể đoán được suy nghĩ. Đến đây, mình nghĩ trượt 100%, tự động viên bản thân rằng "nộp chơi cho biết, không đỗ cũng không sao".
Nhưng kết quả thật bất ngờ, ngay buổi chiều hôm đấy, chú gọi điện thông báo mình trúng tuyển. Bình thường, sau 3 – 5 ngày, nhà tuyển dụng mới thông báo kết quả. Nhận tin này, mình hạnh phúc lắm, thiếu nước hét lên trong điện thoại. Bởi khi đã trở thành thực tập sinh thì cơ hội làm việc tại công ty lên đến 95%.
- Chúc mừng bạn đã chuyển bại thành thắng, theo bạn đâu là lý do được nhận vào công ty?
Câu hỏi này khó trả lời quá, mình cũng không biết rõ nữa. Nhưng mình cảm nhận được mình có một câu trả lời khiến chú thứ 2 ấn tượng. Mình nghĩ nhờ phần trả lời đó đã giúp trúng tuyển.
Chú ấy có hỏi như sau: "Giữa hàng trăm ứng viên sáng giá, cháu nghĩ cháu hơn họ ở điểm nào?". Câu hỏi này mà "show" thành tích học tập các kiểu ra thì có nguy cơ bị đánh trượt cao. Mình trả lời là: "Cháu không phải là người xuất sắc nhưng với vị trí công việc này, cháu rất yêu thích và sẽ dồn tâm huyết, sức lực vào đó. Đặt chữ tâm vào quá trình làm việc sẽ khiến cháu có trách nhiệm, tự giác, tạo được tính kỷ luật".
Phỏng vấn Tây hay Tàu thì cũng như Á Đông, nằm lòng mẹo nhỏ để giành tấm vé chiến thắng
- Trước khi nộp hồ sơ vào Deloitte, bạn đã có những bước chuẩn bị gì về kiến thức và kỹ năng?
Ngay từ khi là sinh viên năm nhất, mình đã mạnh dạn hỏi thầy cô giáo cùng các anh chị khóa trước để nghe họ chia sẻ. Gợi ý đầu tiên là hãy tự tin trao đổi, nhờ họ cố vấn hay sửa hồ sơ xin việc.
Tiếp theo là mình có tham gia Career Event (Ngày hội việc làm). Ngoài việc học hỏi được kiến thức, mở rộng mối quan hệ thì cần mạnh dạn giơ tay đặt câu hỏi để tạo ấn tượng với các nhà tuyển dụng. Khi đứng lên phát biểu, hãy giới thiệu ngắn gọn họ tên, chuyên ngành, tên trường, năm tốt nghiệp. Nhờ tham dự sự kiện này nên mình có quen một chị làm việc tại Deloitte. Chị ấy đã hỗ trợ mình nộp hồ sơ vào công ty.
Doanh Nghi đã được đi tham quan công ty Deloitte một vòng.
- Vậy đâu là những mẹo phỏng vấn mà bạn muốn truyền đạt lại cho các sinh viên?
Mình thấy ở Việt Nam hay nước ngoài, dù ở Tây hay Á thì các nhà tuyển dụng đều hỏi những câu kiểu "ai cũng biết rồi". Tuy nhiên, sinh viên hay chủ quan, để mất điểm ở những câu hỏi dễ. Mình xin khái quát lại các mẹo nhỏ qua những câu hỏi dưới đây.
* Câu hỏi: Vì sao bạn lại chọn công ty chúng tôi?
Tuyệt đối không được trả lời những câu chung chung, kiểu: "Đây là môi trường lớn, chế độ đãi ngộ cao", "Em thấy mức lương hấp dẫn,…". Với câu hỏi này, bạn cần tìm hiểu thật kỹ đặc điểm công ty để có câu trả lời phù hợp.
Ví dụ, mình trả lời chọn Deloitte vì đây là một trong bốn công ty Big4 và có CEO là nữ. Phụ nữ hay gặp thiệt thòi trong công việc như: Không hoàn toàn chú tâm để phát triển do bận việc nhà; Khó thăng tiến bởi chuyện sinh nở,… Nên mình mong muốn với CEO là nữ giới sẽ cảm thông và tạo điều kiện cho nhân viên nữ phát triển.
Nhờ có sự chuẩn bị tốt đã giúp Nghi trúng tuyển vào một công tư cực xịn sò.
*Câu hỏi bản thân: Điểm mạnh/điểm yếu của bạn là gì?
Bí quyết của mình là không khoe khoang thành tích học tập bởi những điều đó thể hiện quá rõ trong CV. Cũng không nên kể những điều như: Chăm chỉ, chịu khó, cẩn thận,… Thay vào đó, hãy chú trọng để người phỏng vấn thấy mình là người tâm huyết với vị trí công việc.
Về điểm yếu, đừng kể những điểm yếu liên quan đến tính cách không thể sửa được như: Ngang bướng, tự tin một cách thái quá,… Mình trả lời điểm yếu là lơ là bản thân, cách khắc phục là trong thời gian tới sẽ quan tâm, săn sóc cho bản thân nhiều hơn.
*Câu hỏi: Bạn có câu hỏi nào dành cho nhà tuyển dụng không?
Với câu hỏi này, nhiều bạn hồn nhiên trả lời là "không" mà không hề hay biết mình đã mắc sai lầm tai hại. Hãy luôn chuẩn bị 2 - 3 câu để hỏi ngược lại công ty và nhà tuyển dụng.
Bản thân mình có hỏi chú thứ 2 câu: "Chú sẽ đưa ra cho bản thân lời khuyên gì nếu trở về độ tuổi giống cháu hiện tại?". Chú ấy khá hào hứng và có câu trả lời rất hay. Đó chính là lời khuyên chân thành, bổ ích dành cho mình.
Cảm ơn Doanh Nghi vì cuộc trò chuyện!
Ảnh: NVCC