Nhà Thân Thiện #003 ở Tây Hồ: Cách tổ chức không gian sống tối ưu cho diện tích 60m2 lại chịu nắng hướng Tây gay gắt
Nằm tại một con hẻm nhỏ lại lọt thỏm giữa nhiều căn nhà ống, chịu nắng trực diện từ hướng Tây... Nhà Thân Thiện #003 có quá nhiều vấn đề cần giải quyết, vậy mà những KTS đến từ GA+ đã khéo léo xử lý và biến nơi đây thành không gian nghỉ dưỡng lý tưởng vào cuối tuần.
Ngõ hẻm và nhà ống là 2 yếu tố đã tạo nên sự đặc trưng cho các đô thị lớn tại Việt Nam.
Đặc biệt là những khu vực trung tâm, đông dân cư, quỹ đất hạn hẹp thì hẻm và nhà ống sẽ mọc lên càng nhiều. Đây là vấn đề nhức nhối và cực kỳ nan giải với người làm kiến trúc, mong muốn có được không gian sống hài hòa về thẩm mỹ và công năng ở những khu vực như vậy là nhu cầu hoàn toàn chính đáng.
Cùng tham khảo cách các KTS đến từ văn phòng GA+ bố trí không gian sống cho mảnh đất nhỏ hẹp 60m2, lại chịu nắng hướng Tây tại Tây Hồ, Hà Nội.
Nhà Thân Thiện #003 ở Tây Hồ: ngõ vào nhỏ hẹp, bị bủa vây bởi nhà ống đô thị
Thông tin dự án:
Văn phòng kiến trúc: Global Architect & Associates (GA+)
Năm hoàn thành: 2017
Diện tích xây dựng: 60m2 (6mx10m)
Địa điểm: Tây Hồ, Hà Nội
Nhiếp ảnh: Nguyễn Quốc Anh, Nguyễn Trung Kiên
Thực hiện dự án: Nguyễn Quốc Anh, Nguyễn Hoàng Hiệp, Nguyễn Trung Kiên, Nguyễn Công Thành
Giám sát thi công: Nguyễn Danh Hoan, Nguyễn Xuân Quân
Vật liệu chính: bê tông, đá, thép, kính, tre, gỗ, ngói
Nhà Thân Thiện #003 là sở hữu của một gia đình trẻ, họ không muốn "đi theo vết xe đổ" mà xây một ngôi nhà ống bí bách như những người hàng xóm xung quanh.
Gia chủ muốn sử dụng vật liệu thân thiện, tạo ra một không khí mộc mạc, làm nơi nghỉ dưỡng và cuối cùng là giải pháp tiết kiệm năng lượng cho ngôi nhà chịu nắng trực diện từ hướng Tây.
Ngôi nhà mang một vẻ ngoài mộc mạc, độc đáo với lớp cửa bằng tre
Nhà Thân Thiện #003 có diện tích 60m2, nằm trong một con ngõ nhỏ ở Tây Hồ
Không có một giải pháp nào tốt bằng việc tổ chức không gian sống theo đúng nếp sinh hoạt của gia chủ. Nó giúp chủ nhân ngôi nhà cảm thấy gần gũi hơn với căn nhà của họ.
Tuy nhiên kiến trúc sư sẽ phải rất nỗ lực để thể hiện vai trò quan trọng của mình trong việc định hướng kỹ thuật cho chủ đầu tư. Mục đích cuối cùng là tạo ra một không gian sống vừa có dấu ấn của chủ nhà, vừa mang đến sự tiện lợi, lại có cả sự độc đáo của GA+.
Mặt tiền lung linh khi đêm đến
Ngôi nhà được xây dựng 4 tầng. Tầng một được thiết kế làm gara, bếp, phòng ăn và các không gian phụ trợ. Phòng khách cùng một thư viện đọc sách nhỏ được đặt trên tầng lửng. Toàn bộ phòng khách được đặt bên trên khu vực bếp nấu và khoảng trống còn lại dành cho giếng trời.
Tầng một dành cho không gian bếp, phòng ăn và một khoảng xanh nho nhỏ
Khu vực bếp được đặt bên dưới khoảng thông tầng nên thoáng đãng
Khu vực bàn ăn mộc mạc với nội thất bằng gỗ thịt
Phòng khách đặt trên gác lửng
Không gian sinh hoạt chung cho cả gia đình
Ánh sáng luôn tràn ngập bên trong ngôi nhà
Một góc làm việc an yên và lý tưởng
Lên đến tầng hai, phòng ngủ, phòng học được thiết kế đối xứng qua trục cầu thang. Không gian giếng trời bị thu hẹp lại để mở rộng hơn không gian phòng ngủ.
Tầng ba tiếp tục là phòng ngủ chính với khu vực phòng tắm hướng vườn. Bên ngoài không gian ấy là một khoảng không nhỏ dành cho những bữa tiệc BBQ gia đình ấm cúng.
Phòng đọc, kiêm không gian làm việc trên tầng ba
Một thư viện nhỏ cho không gian thêm hiện đại
Không gian đọc sách lý tưởng vào cuối tuần
Phòng ngủ được thiết kế ấn tượng
Phòng ngủ độc đáo với mái ngói đỏ mát mẻ cùng một phần trong suốt để đón sáng
Phòng tắm nhìn ra khu vườn nhỏ trên sân thượng
Căn nhà đón nhận ánh sáng tự nhiên trong ngày nhờ hệ thống lấy sáng theo cả chiều dọc lẫn chiều ngang. Một khe thoáng được bố trí dọc căn nhà từ trước ra sau, để đảm bảo bất cứ không gian nào cũng được đón nắng và thông gió.
Hệ thống đón sáng theo chiều dọc xuyên suốt căn nhà
Cầu thang chính là nơi đón nắng hướng tây, giảm nhiệt cho không gian bên trong căn nhà
Trục cầu thang chạy xoắn ốc quanh một trụ bê tông khiến căn nhà vừa tạo ra những nút thắt mở trong không gian và những góc nhìn thú vị khi di chuyển. Từ vị trí này có thể cảm nhận rõ ràng sự thay đổi của ánh sáng mặt trời ở các thời điểm trong ngày.
Thép sơn đen và gỗ tạo nên hệ thống cầu thang chắc chắn và thân thiện
Lấy cảm hứng từ kiến trúc truyền thống và vật liệu bản địa, ứng dụng vào một không gian phục vụ cho lối sống hiện đại, các vật liệu như bê tông trần, đá, thép, kính được kết hợp với ngói, gỗ, tre một cách linh hoạt tạo ra một không khí mộc mạc, bình yên, đậm chất kiến trúc nhiệt đới.
Hệ cửa tre hai lớp đa dụng của ngôi nhà
Mặt tiền hai lớp, lớp trong là cửa kính cách âm và nhiệt, lớp ngoài là tre đã qua xử lý mối mọt, nấm mốc, vừa có tác dụng giảm thiểu tác động của nắng tây vào nhà, vừa tạo ra sự đối thoại với hình ảnh hàng cau có sẵn phía trước, gợi lên hình ảnh thân thuộc của ngôi nhà Việt Nam xưa.
Hệ thống cửa tre đã qua xử lý hạn chế được phần nào ánh nắng chói chang từ hướng Tây
Mặt khác lại có thể mở rộng để đón không khí dịu mát khi chiều tối
Ban ngày, nắng xuyên qua hệ lam và in những vệt bóng đổ lên không gian bên trong. Ban đêm, nó tạo ra một cái nhìn mờ ảo từ ngoài vào không gian nội thất, đảm bảo được sự riêng tư nhưng không kém phần thú vị. Đồng thời, đây cũng chính là một hệ thống thông gió theo chiều ngang hiệu quả cho toàn bộ ngôi nhà.
Căn nhà được tính toán, thiết kế sao cho hạn chế sử dụng các giải pháp công nghệ cao. Kiến trúc sư GA+ chỉ sử dụng một số thủ pháp đơn giản trong việc sử dụng vật liệu và bố trí không gian để tạo nên một không gian sống thân thiện.
Không gian sống được tối ưu hóa ánh sáng và công năng
Ngôi nhà trở nên lung linh ảo diệu hơn hẳn những ngôi nhà liền kề
Ngôi nhà luôn được đón ánh sáng và thông gió tự nhiên nhờ vậy giảm thiểu thời gian sử dụng đèn chiếu sáng nhân tạo và các thiết bị làm mát. Không gian thông tầng cao ở tầng trệt luôn tạo ra một không khí mát mẻ, dễ chịu.
Phần tiếp xúc trực tiếp với nắng tây của ngôi nhà được bố trí các không được phụ, ít sử dụng vào ban ngày như những khoảng đệm cho ngôi nhà. Mặt khác sáng tạo với mặt tiền hai lớp làm giảm phần nào tác động của bức xạ nhiệt vào nhà. Khi tắt nắng, hệ mặt tiền này có thể mở rộng tối đa, để đón gió mát và tầm nhìn ra khung cảnh phía bên ngoài.
Các mặt cắt của công trình
Theo Archdaily