Nhà hàng gây sốc khi phải chi 750.000 USD cho bảo vệ để đối phó với những thực khách ngang ngược

18/02/2022 09:51 AM | Kinh doanh

Giám đốc điều hành của Nhà hàng Cameron Mitchell nói rằng doanh nghiệp của ông phải trả 750.000 USD/năm cho chi phí an ninh kể từ khi đại dịch. Thêm vào đó là vấn đề về thiếu hụt nhân sự, các khó khăn trong chuỗi cung ứng, và chi phí đầu vào tăng cao.

Ông Cameron Mitchell, giám đốc điều hành của Nhà hàng Cameron Mitchell, nói với CNBC hôm thứ Tư rằng những thực khách ngang ngược đã khiến doanh nghiệp của ông tiêu tốn 750.000 USD/năm. Con số này cao hơn cả những khó khăn trong chuỗi cung ứng và lạm phát gia tăng đã ảnh hưởng đến lợi nhuận của ông.

Ông Mitchell cho biết trên "Squawk Box": "Chúng tôi chưa từng phải chi 1 USD nào cho công tác bảo vệ nhà hàng trước khi đại dịch Covid xảy ra. Còn bây giờ chúng tôi phải chi khoảng 3/4 của 1 triệu USD mỗi năm cho việc bảo đảm an toàn cho các quản lý và nhân viên của chúng tôi khỏi một số vị khách bất lịch sự đến nhà hàng,". Phải nói thêm rằng, mặc dù chỉ có một "tỷ lệ nhỏ" những thực khách thô lỗ thì họ vẫn ảnh hưởng đến sự an toàn của nhân viên.

Ông Mitchell đã ví những thực khách gây náo loạn này với những hành khách ngang ngược trên máy bay, những kẻ đã gây ra con số kỷ lục về các vụ gây rối và bạo lực đối với các hãng hàng không của Mỹ trong năm nay. Nhà hàng Cameron Mitchell là một nhà hàng tư nhân và độc lập, điều hành 40 nhà hàng với nhiều cái tên khác nhau trên toàn nước Mỹ từ Beverly Hills tại California cho đến thành phố New York.

Căng thẳng giữa những vị khách quen và nhân viên, đặc biệt là về các hướng dẫn an toàn trong thời gian Covid đã khiến các doanh nghiệp gặp phải nhiều khó khăn trong 2 năm qua. Mitchell cho biết ông tin rằng những thực khách ngang ngược mà nhân viên của ông gặp phải là do "cơn thịnh nộ nói chung" thúc đẩy.

Ông Mitchell nói: "Đây là điều khó khăn cho các nhà quản lý. Và tiếp theo, họ đang phải đương đầu vấn đề thiếu hụt nhân sự. Tiếp đó, chúng tôi nhận thấy chi phí ngày càng tăng và gặp phải các vấn đề về chuỗi cung ứng". Ông nói thêm: "Nhân viên của chúng tôi không ngừng tranh giành để có được những thứ (sản phẩm, v.v...) mà chúng tôi cần. Vì vậy, đây là một thách thức rất lớn đối với các hoạt động hàng ngày của chúng tôi,"

Giá thực phẩm đã tăng 7% trong tháng 1 so với năm ngoái, theo dữ liệu từ Cục Thống kê Lao động Hoa Kỳ. Chi phí gia tăng và nguồn cung lao động thiếu hụt trong năm vừa qua cũng đặt ra thách thức cho các nhà hàng. Hiệp hội Nhà hàng Quốc gia dự kiến ​​sẽ mất ít nhất 1 năm để tình hình kinh doanh của các quán ăn bắt đầu ổn định.

Mitchell cho biết các nhà hàng của ông đã chịu ảnh hưởng của việc chi phí tăng lên. "Đây là mức giá vốn cao nhất mà tôi từng thấy trong 42 năm kinh doanh nhà hàng. Ví dụ, năm ngoái giá vốn chiếm 29,6% doanh thu, năm nay là 33% doanh thu cho đến nay. Việc tăng 3,4% chi phí đó đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến lợi nhuận của chúng tôi," ông nói.

Ông nói thêm rằng trong khi chi phí lao động nói chung tăng khoảng 13%, lực lượng lao động của ông gần như đã trở lại mức bình thường kể từ khi bị ảnh hưởng vào cuối năm ngoái do làn sóng Omicron.

Vị chủ nhà hàng này cho biết ông dự kiến ​​sẽ tăng giá trong năm nay để bù đắp chi phí. Ông cũng hy vọng xu hướng tăng doanh số bán hàng sẽ tiếp tục lên đến mức doanh thu ông đã chứng kiến ​​trong năm 2019, trước khi đại dịch xảy ra.

Mitchell nói: "Chúng tôi không thể định giá theo ý mình, nhưng với sự gia tăng doanh số bán hàng, nếu chúng tôi quay trở lại vị thế trước kia với mức giá tăng lên, chúng tôi không thể duy trì tỷ suất lợi nhuận của mình," Mitchell nói. Tuy nhiên, ông nói thêm rằng công việc kinh doanh vẫn có thể "dẫn đến một khoản lợi nhuận khá tốt trong suốt cả năm."

Theo Minh Phương

Cùng chuyên mục
XEM