Nhà đầu tư sợ thị trường chạm đỉnh, e ngại xuống tiền
Khó có thể kéo dãn được mức lợi nhuận từ kinh doanh bất động sản khi giá đã liên tục xác lập mặt bằng mới, đó là nhận định của không ít nhà đầu tư trước bối cảnh thị trường như hiện tại.
Rút gần hết vốn ra khỏi thị trường, anh Ngọc Anh (Hà Nội) quyết định tuyên bố "gác kiếm" trong vòng 2-3 năm nữa. Chia sẻ với PV, nhà đầu tư này lại câu hỏi: "Bạn có biết giá bất động sản đã tăng bao nhiêu lần trong vòng 1-2 năm trở lại đây không? Nếu tính trung bình, ở khu vực như Thạch Thất, Quốc Oai (Hà Nội) giá tăng gấp 3-4 lần. Còn ở khu vực tỉnh, giá bất động sản cũng tăng gấp trung bình 3 lần".
Theo anh Ngọc Anh, diễn biến của thị trường bất động sản hiện tại đang tái hiện gần như kịch bản của đợt đỉnh sốt cách đây hơn 10 năm. "Tôi nhớ giai đoạn 2009-2010. Thị trường y hệt như thời điểm hiện tại. Có nơi đã rơi vào cảnh sụt giảm, tâm lý nhà đầu tư xuống dốc. Nhưng lại có rất nhiều khu vực thị trường "nóng" lạ. Tâm lý FOMO xuất hiện rõ ràng. Cứ nơi đâu có thông tin tốt là nhà đầu tư đổ xô vào mua, giá tăng nóng bỏng.
Thời điểm trước, giữa năm 2008, thông tin Hà Tây sáp nhập về Hà Nội, dự kiến Ba Vì sẽ xây khu hành chính và chuyển bộ ngành sang. Đất Bà Vi tăng nóng. Sau đó, Bộ Xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ dự thảo mới về việc phê duyệt Đồ án quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội, trong đó giữ nguyên trục Hồ Tây - Ba Vì và trụ sở các Bộ ngành xây mới sẽ được đặt tại Mỹ Đình, Tây Hồ Tây. Thông tin này lại tiếp tục đẩy giá đất Ba Vì xuống còn giá đất khu vực Mỹ Đình tăng đột biến.
Tôi nhớ, có lô đất ở Mỹ Đình tăng bằng giá đất ở phố cổ. Không chỉ Ba Vì mà một số khu vực ven Hà Nội như Hoài Đức, Xuân Mai,… giá đất cũng tăng. Kịch bản của hiện tại như vậy, cứ thông tin đường vành đai 4 xây dựng, hay huyện nào lên quận, thông tin khu công nghệ cao Láng Hòa Lạc được tiếp tục tăng ra, giá đất cứ tăng".
Thị trường bất động sản đã và đang chứng kiến mức giá liên tục xác lập mặt bằng mới. (Ảnh minh hoạ)
Nhà đầu tư này còn chỉ ra một dấu hiệu cảnh báo khác về sự chạm đỉnh của thị trường bất động sản. Theo đó, anh Ngọc Anh cho rằng, hơn 10 năm trước, nhà đầu tư mua bán lướt sóng rất dễ dàng đến nỗi khó ai ngờ. Mua lô đất vài ngày, lướt kiếm tiền trăm triệu là chuyện thường tình. Và ở thời điểm hiện tại, nhà đầu tư này cũng gặp trường hợp tương tự, bất chấp giá trị thực và sự biến động của hạ tầng xung quanh.
"Nhiều khu vực nhà đầu tư lướt sóng ầm ầm và người mua vẫn tin tưởng thái quá vào giá bất động sản còn lên. Một người bạn của tôi bán lô đất ở Xuân Mai giá 4 tỷ đồng. 3 tháng sau, người mua lô đất này đã chuyển nhượng thành 7,3 tỷ, tức tăng chênh hơn 3 tỷ đồng. Mức giá chênh trong một thời gian rất ngắn, khiến người khác khó tin được".
Nhà đầu tư này cho rằng, thị trường bất động sản hiện đã chạm đỉnh. Để kéo dãn biên độ lợi nhuận không còn là bài toán dễ dàng. "Một số bạn bè tôi cho biết, khả năng thanh khoản sản phẩm đang rất chậm. Đây là tín hiệu cảnh báo thị trường có thể đã chạm đỉnh. Hiện tại, một số nhà đầu tư là bạn bè tôi cũng đã thoát dần hàng từ năm trước và dự tính trong năm nay".
Trước đó, khi dự báo về thị trường bất động sản Việt Nam, các chuyên gia kinh tế đã đưa ra 3 kịch bản. Kịch bản đầu tiên đầy lạc quan đó là kỳ vọng giá bất động sản sẽ tăng từ cuối năm 2021 và đạt đỉnh vào đầu năm 2022.
Dự báo này được đưa ra dựa trên yếu tố nguồn vốn đầu tư từ nước ngoài vào Việt Nam; cùng đó là các thông tin phát triển kinh tế như Việt Nam đã ký kết các Hiệp định thương mại tự do, nới lỏng tiền tệ làm cho lạm phát có xu hướng tăng khiến nguồn vốn đổ dồn về bất động sản. Khi đó, thị trường bất động sản sẽ có cơ hội đạt đỉnh, nhất là khi dịch Covid-19 được đẩy lùi và nền kinh tế hoạt động trở lại bình thường.