Sai phạm tại Dự án Bệnh viện Ngọc Tâm: Trục lợi từ đất công hàng trăm tỷ đồng
Được Nhà nước giao cho khu đất công cộng bốn mặt tiền rộng 2,9 ha nằm cạnh bên UBND TP Thủ Đức từ năm 2006 để xây bệnh viện, thế nhưng CTCP Đầu tư Thương mại Đặng Trần bỏ hoang 15 năm.
Không những thế, doanh nghiệp này còn dùng khu đất để góp vốn, sang nhượng, thế chấp vay ngân hàng hàng trăm tỷ đồng để sử dụng không đúng mục đích.
Nhập nhằng giao đất
Biết trong dự án khu dân cư Thạnh Mỹ Lợi rộng 174 ha do Công ty XD và KD nhà Phú Nhuận (doanh nghiệp Nhà nước) làm chủ đầu tư hạ tầng có 2,9 ha đất công trình công cộng, Công ty Đặng Trần đã nhanh tay làm thủ tục xin đầu tư dự án bệnh viện. Để được chấp thuận chủ trương giao khu đất công trình công cộng do Nhà nước quản lý trên, chủ đầu tư đã "vẽ" ra dự án bệnh viện Ngọc Tâm quy mô lên đến 500 giường bệnh.
Trước đề nghị của Công ty Đặng Trần, năm 2006 UBND TP đã ra Quyết định 1694/QĐ-UBND giao khu đất trên cho Công ty Đặng Trần để xây dựng bệnh viện. Khi giao đất, UBND TP đã ghi rõ đây là đất công trình công cộng, chỉ dùng để đầu tư xây dựng bệnh viện theo chính sách kêu gọi xã hội hóa đầu tư vào lĩnh vực y tế của Chính phủ.
Khi đó, UBND TP đã vận dụng mọi sự hỗ trợ, ưu đãi tối đa cho nhà đầu tư, cho phép công ty chỉ phải thực hiện một phần nghĩa vụ tài chính đối với khu đất đã được giải phóng mặt bằng và đầu tư hạ tầng.
Cụ thể, khi giao đất, UBND TP chỉ yêu cầu Công ty Đặng Trần đóng tiền giá trị đất bằng với giá tiền bồi thường giải phóng mặt bằng trong toàn dự án Thạnh Mỹ Lợi, còn lại tiền sử dụng đất của toàn bộ 2,9 ha này được Hội đồng Thẩm định Bồi thường TP xác định là 9,2 tỷ đồng được miễn miễn đóng, do căn cứ theo Điều 12 Nghị định 198 năm 2004 của Chính phủ. Tổng số tiền mà Công ty phải nộp vào ngân sách TP khi đó chỉ 22,2 tỷ đồng.
Như vậy, có thể thấy khu đất giao cho doanh nghiệp này làm bệnh viện là đất do Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất nhưng được miễn. Điều này, lẽ ra khi cấp Giấy CNQSDĐ cho Công ty Ngọc Tâm (dự án bệnh viện Ngọc Tâm thuộc Công ty Đặng Trần) vào năm 2007, Sở TN&MT TP phải ghi rõ trong giấy ở phần Nguồn gốc sử dụng đất là: Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất, nhưng được miễn. Song không hiểu vì lý do gì, Giấy CNQSDĐ mang ký kiệu AI 334094 mà ông Trần Thế Ngọc (lúc đó là Giám đốc Sở TN&MT TP) ký lại chỉ ghi vỏn vẹn câu "Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất", mà thiếu mất một về sau "nhưng được miễn"?
Chính sự lập lờ này, dù biết đây vẫn là đất công nhưng phía doanh nghiệp đã lợi dụng sơ hở này của cơ quan quản lý nhà nước để trục lợi từ 2,9ha đất công này.
Theo quy định của pháp luật, đối với đất công thì tổ chức được giao sử dụng không được phép mua bán, cầm cố, thế chấp, đem góp vốn… trừ trường hợp được cơ quan thẩm quyền cho phép.
Cụ thể, Mục 2, Điều 173 Luật Đất đai quy định: "Tổ chức được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất, không có quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, tặng cho, cho thuê quyền sử dụng đất; thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất; không được bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi đất". Thế nhưng đối với dự án Bệnh viện Đa khoa Ngọc Tâm, những người đại diện cho doanh nghiệp như lờ đi tất cả quy định của pháp luật để "xào chẻ" trục lợi từ khu đất công này.
Đem dự án đất công thế chấp hàng trăm tỷ đồng
Sau được cấp sổ đỏ vào tháng 8-2007 và dù khu đất vẫn là bãi đất hoang, nhưng lợi dụng việc được nhà nước cấp Giấy chứng nhận QSDĐ (sổ đỏ) cho công ty xây bệnh viện, một số cá nhân đã "xào chẻ" bằng các hợp đồng góp vốn, sang nhượng qua lại lòng vòng để cuối cùng "định giá" lên đến 232 tỷ đồng, làm tài sản đảm bảo cho khoản vay ngân hàng và sử dụng số tiền trên không đúng mục đích.
Trước việc làm mập mờ của Công ty Ngọc Tâm và Sacombank chi nhánh Bình Thạnh, Thanh tra TPHCM và Cục Thanh tra, giám sát Ngân hàng Nhà nước tại TPHCM cũng vào cuộc làm rõ các vi phạm của việc thế chấp, vay vốn trên.
Theo đó, Sacombank Bình Thạnh chưa căn cứ vào tình hình hoạt động kinh doanh và tài chính của đơn vị góp vốn khi đánh giá, tính toán nguồn trả nợ và hoàn trả vốn góp cho cả ba lần thế chấp dù dự án có hiệu quả hay không. Việc thế chấp giấy chứng nhận QSDĐ để vay, Sacombank Bình Thạnh cũng không thu thập báo cáo tài chính, thẩm định tình hình tài chính, mà chỉ căn cứ vào hợp đồng hợp tác kinh doanh hưởng lợi tức để xem xét và quyết định cho vay, khi khách hàng không có khả năng tài chính đảm bảo trả nợ trong thời hạn cam kết.
Cục Thanh Tra, giám sát ngân hàng TPHCM cũng nêu rõ, thời điểm thẩm định cho Công ty Ngọc Tâm vay vốn theo phương án "góp vốn đầu tư dự án", giấy phép đăng ký kinh doanh của Công ty Ngọc Tâm không có chức năng hoạt động góp vốn đầu tư dự án. Quá trình giải ngân vốn vay Sacombank có kiểm tra, giám sát vốn vay định kỳ đối với các khoản vay của Công ty Ngọc Tâm, nhưng việc kiểm tra chỉ nhằm... hợp thức hóa công tác kiểm tra là chưa thực hiện đúng theo Luật tổ chức tín dụng.
Từ những sai sót này, Thanh tra TP kiến nghị Chủ tịch UBND TP chỉ đạo Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TPHCM có biện pháp xử lý đối với các sai phạm của Sacombank. Thế nhưng, không hiểu vì sao, mọi việc sau đó vẫn trôi vào quên lãng. Việc cho vay của Sacombank Bình Thạnh đối với "sổ đỏ" đem thế chấp đã có nhiều sai phạm, nhưng quá trình xử lý "nợ xấu" của các hợp đồng tính dụng liên quan đến Dự án bệnh viện Ngọc Tâm của Sacombank theo tài liệu chúng tôi đã bộc lộ nhiều khuất tất.
Do dự án Bệnh viện Ngọc Tâm để hoang quá lâu, Thường trực Thành uỷ, UBND TP đã chỉ đạo các sở ngành và Thanh tra TP vào cuộc kiểm tra, xác minh, làm rõ các sai phạm. Tất cả các cơ quan sau khi điều tra, xác minh đều khẳng định Công ty Đặng Trần, Công ty Việt Tín, CTCP Bệnh viện Ngọc Tâm xin giao đất để đầu tư xây dựng bệnh viện nhưng không có năng lực để thực hiện dự án, không triển khai thực hiện mà chỉ lấy khu đất công đi góp vốn, chuyển nhượng lòng vòng, thế chấp, cầm cố để lấy tiền phục vụ vào mục đích khác.
Sau khi nghe báo cáo, Thường trực thành ủy, UBND TP chỉ đạo thu hồi giấy phép đầu tư, thu hồi dự án, thu hồi 2,9 ha đất công đã cấp cho Công ty Đặng Trần vào năm 2006 trên để Nhà nước quản lý, giao đơn vị có năng lực đầu tư vào khu đất công cộng trên.