Nhà đầu tư ngoại nào đang đổ nhiều tiền nhất vào ngành nước giải khát tại Việt Nam?

26/05/2016 14:47 PM | Kinh doanh

Bên cạnh các tên tuổi quen thuộc như URC, Suntory Pepsico, Coca Cola thì hiện cũng có một số nhà đầu tư nước ngoài đang đầu tư sản xuất nước giải khát tại Việt Nam.

Theo giấy chứng nhận đầu tư, Công ty TNHH Thực phẩm và nước giải khát Rita tại KCN Việt Nam - Singapore tỉnh Bình Dương với số vốn 334.500 USD.

Ngoài ra, tại Bình Dương còn có Công ty TNHH Thực phẩm và nước giải khát A&B với tổng vốn đầu tư 15,5 triệu USD.

Công ty Cổ phần thực phẩm và nước giải khát Dona Newtower tại KCN Biên Hòa 1 tỉnh Đồng Nai có vốn đầu tư 6,79 triệu USD.

Nhà sản xuất nước giải khát URC hiện đầu tư tại Việt Nam thông qua 3 công ty bao gồm: Công ty TNHH URC Việt Nam có tổng vốn đầu tư chỉ là 25 triệu USD, Công ty TNHH URC Hà Nội có vốn đầu tư 11,5 triệu USD và Công ty TNHH URC Central có vốn đầu tư 6 triệu USD.

Theo giấy chứng nhận kinh doanh mới nhất, Công ty TNHH nước giải khát Suntory Pepsico Việt Nam hiện đang có tổng vốn đầu tư là 302,1 triệu USD. Suntory Pepsico Việt Nam thuộc sở hữu của Suntory Pepsico Investment B.V có văn phòng tại Hà Lan.

Với số vốn đầu tư hơn 657,5 triệu USD thì Công ty TNHH nước giải khát Coca Cola Việt Nam là nhà sản xuất nước giải khát có vốn đầu tư lớn nhất tại Việt Nam hiện nay.

Theo báo cáo Tổng kết hoạt động nhiệm kì 4 (2011 - 2015) của Ban chấp hành Hiệp hội bia - rượu - nước giải khát Việt Nam (VBA), tính đến cuối năm 2015 nước ta có khoảng gần 1.833 cơ sở sản xuất nước giải khát các loại với quy mô khác nhau, năng lực, công suất đạt khoảng trên 5 tỷ lít/năm.

Theo VBA, Việt Nam có 3 chủng loại sản phẩm nước giải khát chính là: Nước khoáng có ga và không ga, nước uống tinh khiết, nước ngọt và nước hoa quả. Từ 2011 - 2015 tốc độ tăng trưởng bình quân về sản lượng nước giải khát là 8,38%/năm. Tổng sản lượng các loại nước giải khát của Việt Nam đến cuối năm 2015 ước đạt 4.800 triệu lít.

Về thị trường, xu hướng tiêu dùng nước tinh khiết và nước ngọt, nước hoa quả các loại có tốc độ tăng trưởng cao, tiêu thụ ngày càng nhiều chiếm tỷ trọng 85% trong khi đó nước khoáng chỉ có 15%.

Duy Khánh

Cùng chuyên mục
XEM