Cùng bán nước giải khát, nhưng Vinamilk,Tân Hiệp Phát... có cảm thấy lo lắng trước cách làm của doanh nghiệp này?
Sau khi đánh chiếm nhiều thị trường nước ngoài bằng các sản phẩm từ chanh leo và gấc, Nafoods đã quyết định sử dụng xuất khẩu làm bàn đạp tấn công thị trường nước ép hoa quả nội địa, bắt đầu bằng sản phẩm Juice Smile. Đây là thị trường mà Vinamilk và Tân Hiệp Phát đang chiếm lĩnh phần lớn thị phần.
Thị trường đầy tiềm năng
Tại một quốc gia có khí hậu nóng ẩm như Việt Nam, các loại nước giải khát luôn được tiêu thụ mạnh và thị trường nước giải khát từ lâu đã được xem là thị trường màu mỡ với các doanh nghiệp cả trong và ngoài nước.
Trước đây, các sản phẩm đồ uống có ga được ưa chuộng bởi có thể giải nhiệt nhanh cho người tiêu dùng. Thế nhưng hiện nay, thói quen tiêu dùng đồ uống của người Việt đang dần thay đổi. Thay vì sử dụng các loại đồ có ga, nước tăng lực nhiều đường, người Việt hiện đại đang dần chuyển sang tiêu thụ các loại nước ép hoa quả vừa giải nhiệt vừa có lợi cho sức khỏe.
Một nghiên cứu mới đây của Công ty nghiên cứu thị trường W&S cho biết, tỷ lệ người tiêu dùng chọn nước ép trái cây, nước trái cây chứa sữa đạt 62%, cao hơn so với tỷ lệ người sử dụng nước giải khát có ga.
Trong khi đó, Bộ Công Thương dự báo, thị trường nước ép trái cây và rau quả sẽ đạt 6 tỷ lít trong năm 2017. Để dễ so sánh, hãy đặt con số này cạnh sản lượng tiêu thụ bia. Theo số liệu thống kê từ Hiệp hội bia rượu nước giải khát Việt Nam (VBA), sản lượng sản xuất và tiêu thụ bia của Việt Nam năm 2015 đạt 3,4 tỷ lít. Như vậy, thị trường nước ép lớn hơn rất nhiều so với thị trường bia.
Nafoods, đối thủ đáng gờm đang vươn lên
Với bối cảnh thị trường nước hoa quả đầy tiềm năng như vậy, việc nhiều đối thủ mới xuất hiện là điều khó tránh khỏi và Công ty cổ phần Nafoods Group những năm vừa qua đang nổi lên như là một đối thủ cạnh tranh đáng gờm.
Sản phẩm chủ lực của Nafoods là chanh leo và gấc, chủ yếu sản xuất và xuất khẩu đi thế giới. Tuy nhiên, trước thị trường hấp dẫn và tăng trưởng nhanh như Việt Nam, Nafoods không thể đứng ngoài và đã chính thức tham gia cuộc chơi từ tháng 11/2015.
Nafoods bắt đầu tấn công thị trường bằng sản phẩm Juice Smile với 5 vị: Chanh leo & Dứa; Cam; Lựu; Dứa; Nho
Nafoods đã cho ra mắt thị trường nội địa thương hiệu Juice Smile, là một sản phẩm nước ép trái cây cô đặc. Theo Tổng giám đốc Nafoods, đây là sản phẩm đem lại khác biệt cho công ty bởi nước ép chứa 100% trái cây nguyên chất, trong khi các sản phẩm trên thị trường sử dụng hương liệu và thường chỉ có 10-30% nước hoa quả nguyên chất.
Theo số liệu từ Nafoods, năm 2015 doanh thu của công ty lên tới 530 tỷ đồng, tăng 82% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế còn tăng trưởng mạnh hơn khi đạt 65,4 tỷ đồng, gấp 4,5 lần năm trước. Sự ổn định từ xuất khẩu chính là bệ đỡ để Nafoods có thể hướng tới thị trường nước ép nội địa trong các năm tới.
Trước miếng bánh béo bở, Ban lãnh đạo Nafoods đã tuyên bố sẽ tăng cường đầu tư vào trong nước để chiếm lĩnh thị phần, với mục tiêu "đẩy nhanh tốc độ tiêu thụ sản phẩm Juice Smile ở thị trường trong nước". Bên cạnh đó, Nafoods cũng đang muốn đẩy mạnh phát triển sản phẩm từ gấc để cung ứng cho thị trường nội địa, vốn là loại quả sở trường của doanh nghiệp này.
Thực tế, thuận lợi của Nafoods một phần xuất phát từ việc công ty đang được hưởng nhiều ưu đãi về thuế. Đối với chanh leo, công ty được miễn thuế 4 năm từ 2014 - 2017, 9 năm sau áp dụng thuế 5% và 15 năm sau áp dụng thuế 10%. Còn đối với gấc, công ty được áp dụng thuế 10% trong thời hạn 15 năm kể từ năm 2014.
Ngoài ra, điểm mạnh của Nafoods là đã sớm xây dựng xong chuỗi cung ứng khép kín cho sản phẩm của mình. Công ty hiện có 3 công ty con và 5 công ty liên kết, trong đó có Công ty chăn nuôi Tân Thắng chuyên chăn nuôi bò và các gia súc khác.
Theo Nafoods, việc chăn nuôi bò thịt nhập khẩu từ Úc có lợi ích rất lớn bởi sau khi sản xuất nước chanh leo, vỏ chanh thừa ủ men sẽ làm thức ăn có nhiều chất dinh dưỡng cho bò, ngược lại phân bò sẽ làm phân bón cho chanh leo và gấc, giúp công ty tận dụng nguyên liệu, tiết kiệm chi phí.
Cạnh tranh sẽ khốc liệt
Những năm gần đây, các cửa hàng sinh tố và nước ép hoa quả take-away đang mọc lên như nấm tại các thành phố lớn. Đây là mô hình được dự báo sẽ là đối thủ đáng gờm đối với các sản phẩm đóng hộp.
Ưu điểm của các cửa hàng này là người tiêu dùng được trực tiếp nhìn thấy sản phẩm nên tạo cảm giác an tâm về chất lượng. Hơn thế nữa, sự đa dạng về chủng loại hoa quả cũng khiến các cửa hàng đang ngày càng hút khách. Nếu như các sản phẩm đóng hộp chỉ xoay quanh các loại quả nhiều nước, như cam, dứa, chanh... thì các cửa hàng sinh tố có menu hàng chục loại hoa quả để đem ra chế biến cho khách qua đường.
Mặc dù vậy, với tổng quy mô còn nhỏ, các chuỗi cửa hàng đồ uống này chưa phải mối đe dọa với các ông lớn như Vinamilk hay Tân Hiệp Phát. Tuy nhiên, điều mà các cửa hàng này có thể làm được là thay đổi thói quen uống của người tiêu dùng.
Và nếu người tiêu dùng có thói quen uống nước ép trực tiếp hơn là đồ đóng hộp, khi đó mối đe dọa tới thị phần các doanh nghiệp mới tăng lên.
Theo khảo sát của VBA, nhu cầu thị trường nội địa còn rất lớn và hầu hết các doanh nghiệp kinh doanh nước giải khát đều sẽ tăng sản lượng so với năm 2015, đặc biệt nhóm sản phẩm nước ép hoa quả sử dụng trái cây tươi.
VBA dự báo, nhóm sản phẩm nước trái cây sẽ tiếp tục tăng trưởng với tốc độ trung bình đạt 17,5%/năm trong vòng 5 năm tới và thị phần của các nhà sản xuất lớn vẫn có nguy cơ bị chia sẻ với các nhà sản xuất mới.
Như vậy, người tiêu dùng hoàn toàn có thể trông chờ vào một cuộc cạnh tranh giữa các doanh nghiệp sản xuất nước ép trái cây. Và khi cuộc chiến nổ ra, các sản phẩm sẽ có chất lượng tốt lên và bên hưởng lợi nhiều nhất chắc chắn sẽ là người tiêu dùng.