Nhà đầu tư Hà Lan đi cùng với quế, hồi Việt Nam: Chúng tôi tìm Founder có trái tim ấm và không gợn chút Đô la trong đáy mắt!
Nhà đầu tư người Hà Lan Bram Boogaerdt 't Hooft biết đến Lisa (Huyền) qua một chương trình của Trung tâm Hỗ trợ Sáng kiến Phục vụ Cộng đồng – CSIP. Vinasamex – công ty sản xuất và chế biến quế, hồi của Lisa vừa công bố kế hoạch IPO năm 2026 với định giá 620 triệu USD – thuở ấy chỉ là một doanh nghiệp gia đình nhỏ, lợi nhuận mỏng, không nhà máy. "Nhưng cô ấy có một trái tim ấm và ánh mắt không gợn chút đô la", Bram giải thích lý do rót vốn lần 2 vào một doanh nghiệp tại Việt Nam.
Bram Boogaerdt 't Hooft là một chuyên gia tài chính trong lĩnh vực ngân hàng, đầu tư tại Hà Lan. Ông khá thận trọng với các khoản đầu tư của Triple I – nơi ông làm quản lý quỹ. Trước khi quyết định rót vốn vào Công ty sản xuất và xuất khẩu quế hồi Vinasamex năm 2017, Bram đã hỏi ý kiến của một doanh nhân Việt khác – chủ doanh nghiệp mà Triple I rót vốn đầu tiên tại Việt Nam.
Sau một hồi trò chuyện, vị doanh nhân này cho biết con người Lisa (tên tiếng Anh của Nguyễn Thị Huyền – CEO Vinasamex) đúng như những gì cô ấy thể hiện.
Việt Nam có thể có một công ty quế hồi IPO định giá 620 triệu USD?
* Đồng hành với Vinasamex 5 năm, ông thấy kế hoạch IPO vào năm 2026 với định giá 620 triệu USD là khả thi hay quá tham vọng?
Bram Boogaerdt 't Hooft: Tôi không thể nhìn trước tương lai. Là một nhà đầu tư, tôi chỉ có thể nói rằng Lisa đã đạt được những điều mà cô ấy cam kết với chúng tôi trong quá khứ, bao gồm cả những lời hứa về tài chính.
Những gì Lisa hứa với chúng tôi cách đây ít năm, ngày hôm nay nhìn lại, đều đã đạt được, thậm chí vượt quá mong đợi. Tính từ thời điểm đầu tư, doanh thu công ty đã tăng 4 lần, còn lợi nhuận ròng tăng 10 lần. Ở cương vị nhà đầu tư, chúng tôi rất hài lòng. Ở thời điểm đầu tư năm 2017, Vinasamex còn không có nhà máy - một yếu tố được coi như rủi ro trong đầu tư.
Giờ nhìn về tương lai, bỏ sang một bên con số 620 triệu USD, ngoài nhà máy đã xây dựng tại Yên Bái, Vinasamex chuẩn bị xây thêm 2 nhà máy nữa với quy mô lớn hơn, sẽ cần nhiều vốn đầu tư hơn, và tất nhiên doanh thu cũng sẽ tăng theo. Hãy tưởng tượng giờ họ có 3 nhà máy, hướng tới sản phẩm giá trị cao hơn với biên lợi nhuận cao hơn, khả năng sinh lời tốt hơn… Và có vẻ như là Lisa đang chuyển hướng từ một doanh nghiệp chế biến trong lĩnh vực nông nghiệp (Agriculture) sang doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ sinh học (Biotech).
Với định hướng ấy, P/E sẽ cao hơn nhiều một doanh nghiệp chế biến quế hồi thông thường.
* Với góc nhìn như vậy, Triple I sẽ tham gia đầu tư các vòng tiếp theo?
Điều chúng tôi làm là trở thành nhà đầu tư đầu tiên (first round investor). Chúng tôi chỉ tham gia góp vốn hoặc cho vay trong giai đoạn sớm, và không muốn trở thành nhà đầu tư vòng sau. Triple I đã đầu tư khoản vốn tối đa có thể cho một doanh nghiệp vào Vinasamex. Khi thị trường vốn mở ra thu hút các nhà đầu tư khác, chúng tôi đã hoàn thành sứ mệnh.
Nhìn vào khía cạnh đó thì chúng tôi đã nhận tất thảy rủi ro khi đầu tư vào một SME quy mô nhỏ, lợi nhuận mỏng, không nhà máy, và giờ khi doanh thu tăng gấp 4 và lợi nhuận tăng gấp 10 - một nền tảng vững để công ty tăng trưởng trong nhiều năm, chúng tôi nhường lại cơ hội đầu tư cho các nhà đầu tư khác. Tất nhiên cá nhân tôi muốn đầu tư, nhưng về nguyên tắc, chúng tôi không được phép, bởi mục tiêu đầu tư của chúng tôi không phải để tối đa hóa lợi nhuận.
Triple I là viết tắt của 3 chữ I - Inclusive Impact Investments (tạm dịch: Đầu tư tác động toàn diện). Theo Cổng Thông tin quốc gia về Đăng ký doanh nghiệp, Vinasamex thành lập năm 2012, đến năm 2020 tăng vốn từ 35 tỷ đồng lên 45 tỷ đồng.
Inclusive Impact Investments B.V đầu tư 11,25 tỷ đồng, cổ phần pha loãng dần theo mỗi lần Vinasamex tăng vốn. Từ tỷ lệ cổ phần ở mức 20%, hiện cổ phần của quỹ đầu tư từ Hà Lan còn hơn 5,7%. Trong vòng huy động vốn gần nhất, doanh nghiệp này muốn gọi 135 tỷ đồng đổi lấy 15% cổ phần, định giá công ty 900 tỷ đồng.
Organic và truy xuất nguồn gốc sẽ khiến nước ngoài phải trả mức giá cao cấp để mua sản phẩm Việt Nam
* Từ góc độ quốc tế, ông nhận xét thế nào về thị trường hương liệu thế giới hiện nay và đâu là cơ hội của các công ty Việt Nam như Vinasamex?
Tôi không phải chuyên gia về quế hay hồi. Điều tôi quan tâm là điều gì khiến các công ty như Vinasamex trở nên hấp dẫn.
Yếu tố đầu tiên là Traceability (Truy xuất nguồn gốc). Những công ty này đi từ người nông dân tới sản phẩm tiêu dùng cuối. Khi bạn muốn gia nhập thị trường quốc tế, Traceability, Organic, Thương hiệu, hay các chứng nhận HACCP, ISO cho nhà máy... sẽ giúp bạn bán được sản phẩm với một mức giá cao cấp (premium).
* Đâu là tiềm năng cho những công ty Việt Nam tương tự khi bước ra thị trường toàn cầu, theo ông?
Khó để nói. Nhưng với Vinasamex, điều tôi quan sát là mỗi kilogram Lisa sản xuất, cô ấy đều bán được. Cầu từ thị trường còn rất nhiều, tôi kỳ vọng đây là một thị trường khổng lồ.
Những sản phẩm mới của họ, như tinh dầu, thế giới đang thiếu. Khi có thể nâng tầm giá trị sản phẩm, ví dụ ngừa cúm, sẽ rất giá trị. Rất nhiều quốc gia không có các nguyên liệu thiên nhiên tương tự.
Quay trở lại câu hỏi của bạn ban đầu, vì sao tôi đầu tư vào Lisa và Vinasamex, từ góc độ cá nhân, tôi nhìn vào người doanh nhân, nhìn vào trái tim họ. Lisa và chồng cô ấy (Nguyễn Quế Anh - Chủ tịch HĐQT Vinasamex) có một trái tim ấm, vì xã hội. Tôi cảm nhận rằng họ sẽ quan tâm tới con người, tới môi trường. Thực sự thì ngay buổi đầu, khi ra quyết định đầu tư, tôi đã nhìn thẳng vào mắt họ xem liệu họ có "tín hiệu đô la" (dollar signs) trong mắt không.
Không, họ không có. Họ chỉ muốn làm việc tốt cho người Việt. Như Lisa, nếu bạn hỏi cô ấy muốn gì, cô ấy sẽ nói muốn sống ở một ngôi nhà nhỏ ở một miền quê, bao quanh bởi những người hàng xóm vui vẻ.
* Ông có hài lòng với tất cả khoản đầu tư từ trước đến nay? Tiêu chí Triple I lựa chọn các doanh nghiệp Việt để đầu tư là gì?
Tôi rất hài lòng với các khoản đầu tư ở Việt Nam tính đến nay, tuy số doanh nghiệp đầu tư còn khiêm tốn. Khi tìm các khoản đầu tư mới, tôi muốn đầu tư vào một doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp - lĩnh vực có thể tạo tác động nhiều hơn tới người nông dân hay người dân tộc thiểu số.
Sẽ là thách thức cho các doanh nhân Việt khi vừa phải tạo ra lợi nhuận, vừa cần tính toán về câu chuyện tăng trưởng trong tương lai. Nhà đầu tư nào cũng muốn nhìn thấy sự tăng trưởng bên cạnh việc công ty bạn tạo tác động xã hội.
Triple I đã và đang đầu tư vào 7 doanh nghiệp SMEs tại Uganda, Nigeria, và Việt Nam. Tại Việt Nam, quỹ đã đầu tư vào Công ty gạo An Đình (khoản vay) và Công ty quế hồi Vinasamex (đầu tư cổ phần). Triple I có một số nguyên tắc đầu tư như, phải là nhà đầu tư duy nhất (Sole Investor). Họ muốn giới hạn số lượng đồng đầu tư với niềm tin rằng sẽ tạo giá trị nhiều hơn khi là nhà đầu tư duy nhất.
Bên cạnh đó, Triple I cũng hướng tới các sản phẩm đơn giản (Products are Simple), tính ổn định của thị trường (Market Stability) và các câu chuyện có thực (Real Stories)...