Được Shark Thủy rót 30 tỷ nay phải giã biệt cuộc chơi, CEO We Escape biên tâm thư đầy nước mắt: Chi phí mặt bằng quá lớn buộc phải đóng dần ‘những đứa con’, người trụ lại đã bị cắt lương suốt 2 năm trời!
We Escape đã phát triển từ một dự án "chơi" của 4 chàng trai chuyên toán, thành một dự án giải trí trong hệ thống Egroup, sau khi nhận 30 tỷ đồng từ Shark Thủy sau chương trình Shark Tank Việt Nam. "Bản chất sản phẩm là muốn mọi người đặt điện thoại xuống, rời xa công nghệ để kết nối với nhau, thì Covid-19 lại bắt cả thế giới làm chuyện ngược lại", CEO We Escape Nhân Vương trải lòng trong tâm thư thông báo đóng cửa toàn bộ hệ thống.
Trò chơi nhập vai thực tế thoát khỏi phòng kín We Escape vừa đăng tâm thư của CEO Nhân Vương, thông báo đóng cửa toàn bộ hệ thống do Covid-19.
We Escape ra đời từ một dự án "chơi" của 4 chàng trai chuyên toán, có cơ sở đầu tiên tại Ngọc Khánh vào năm 2015. Startup này được biết đến nhiều hơn khi gọi vốn thành công 5 tỷ đồng đổi lấy 36% từ Shark Thủy trên chương trình Shark Tank Việt Nam hồi 2018. Sau DD, Shark Thủy đã thực rót vào We Escape gấp 6 lần con số cam kết.
Theo mô tả của CEO Nhân Vương ngày ấy, cách thức chơi của We Escape là một đội từ 2 – 8 người sẽ bị nhốt trong một căn phòng kín với các chủ đề khác nhau như lăng mộ cổ, viện bảo tàng. Trong 60ph, họ phải làm việc với nhau, thu thập manh mối, giải hàng loạt câu đối với các chướng ngại vật, thoát ra ngoài và dành chiến thắng.
Với sự trợ lực của Shark Thủy, We Escape trở thành một dự án giải trí trong hệ thống Egroup. Đến năm 2021, startup này có đến 8 cơ sở, chính thức thành hệ thống Escape Game lớn nhất Việt Nam. Đấy là những cột mốc đáng nhớ của We Escape trước khi giã biệt cuộc chơi.
"Mặc dù đã ra quyết định cách đây khoảng 1 tháng nhưng mãi đến bây giờ mình mới có thể thông báo đến toàn bộ khách hàng của We Escape rằng chúng mình sẽ phải đóng cửa toàn bộ hệ thống do ảnh hưởng của Covid-19", fanpage chính thức của We Escape đăng tải thông báo từ CEO Nhân Nguyễn.
"Bản chất sản phẩm là muốn mọi người đặt điện thoại xuống, rời xa công nghệ để kết nối với nhau, thì Covid 19 lại bắt cả thế giới làm chuyện ngược lại".
Nhân cho biết sau hơn 2 năm gồng gánh, We Escape đã làm hết những gì có thể, sản phẩm mới nào phải thử cũng đã thử, nhưng kết quả không được như mong muốn.
"Chi phí mặt bằng quá lớn đã khiến chúng mình phải đóng dần những "đứa con" của mình, mặc dù mỗi lần như vậy đều là những vết đâm thẳng vào trong tim cả đội ngũ".
"Đến tháng 11/2021, chúng mình đã phải đầu hàng. Dịch bệnh ở Việt Nam ngày càng tăng, các cơ sở giải trí vẫn chưa thể được mở. Bản thân nhưng người còn lại ở trong công ty cũng bị cắt lương suốt 2 năm trời. Đó là lúc mình phải đưa ra quyết định này, có lẽ là quyết định khó khăn nhất trong cuộc đời mình", Nhân tâm sự.
Nhân cũng khẳng định sẽ quay lại trong tương lai, khi điều kiện tốt hơn bây giờ.
CEO Nhân Vương cùng đồng đội gọi vốn cho We Escape trên Shark Tank Việt Nam hồi 2018.
"Tôi biết một tỷ lệ lớn startup cũng "ra đi" không kèn không trống trong mùa dịch vừa qua. Một cuộc đào thải lớn đã diễn ra, nhưng đó là qui luật và thị trường startup cũng đang trải qua qui luật khắc nghiệt đó", bà Trương Lý Hoàng Phi - Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ TPHCM – mới đây cho biết.
Các startup từng được cam kết rót vốn trên Shark Tank cũng đang trải qua cuộc đào thải khốc liệt. Từ đầu mùa dịch đến nay, nhiều startup từng lên Shark Tank phải "đầu hàng" trước đại dịch, có thể kể đến Lamita Dance Fitness, Pema. Soya Garden hiện đã rút chân khỏi thị trường miền Nam và co cụm còn vài ba cửa hàng tại Hà Nội. Còn VuFood thì "mượn danh" Shark Hưng và Shark Tank kêu gọi đầu tư khắp nơi, mới đây bị hàng trăm nhà đầu tư tố lừa đảo.