Nhà đầu tư châu Á tiếp tục "bung tiền" vào bất động sản

02/06/2017 20:02 PM | Kinh doanh

Từ giữa năm 2016, giao dịch trên thị trường bất động sản có dấu hiệu chững lại, nhưng điều này không gây cản trở một số nhà đầu tư châu Á tiếp cận cơ hội đầu tư vào bất động sản Việt Nam thông qua các thương vụ M&A.

Ấn số CFLD

Công ty TNHH Phát triển bất động sản CFLD Việt Nam (CFLD Việt Nam) đang tuyển nhiều nhân sự làm việc ở TP.HCM, Đồng Nai. Đây là thời điểm nhà đầu tư Trung Quốc này hiện thực hóa chiến lược mở rộng kinh doanh, đặc biệt là tại các quốc gia châu Á. CFLD Việt Nam thuộc Tập đoàn China Fortune Land Development Co. (CFLD) đã niêm yết trên thị trường chứng khoán và là nhà phát triển, xây dựng các thành phố công nghiệp (khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ).

CFLD được biết đến là một trong 10 tập đoàn bất động sản đứng đầu ở Trung Quốc. Năm 2015, Wang Wenxue - Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Điều hành CFLD đứng thứ 32/400 người giàu nhất Trung Quốc. Tính đến tháng 6/2016, Wang đứng thứ 453 (tăng 104 hạng so với năm 2015) trong danh sách 2.000 tỷ phú thế giới do Tạp chí Forbes bình chọn, với tổng tài sản lên đến 3,8 tỷ USD.

Danh mục đầu tư hiện nay của doanh nghiệp này bao gồm 60 thành phố công nghiệp và hiện diện trên 14 quốc gia như Việt Nam, Indonesia, Myanmar, Philippines, Thái Lan... Tính đến tháng 12/2016, giá trị tài sản ròng của CFLD vào khoảng 32 tỷ USD.

Trong chiến lược phát triển, CFLD xây dựng hàng chục thành phố công nghiệp, chủ yếu ở Đông Nam Á, một số nước ở châu Phi, châu Âu và Bắc Mỹ. Và dĩ nhiên trong số các thị trường ở khu vực Đông Nam Á, Việt Nam là điểm đến quan trọng.

Từ tháng 1/2016, CFLD đã làm việc với UBND tỉnh Đồng Nai để tìm kiếm cơ hội đầu tư. Thời điểm đó, trong chiến lược đầu tư ngoài lãnh thổ Trung Quốc, CFLD bắt đầu triển khai ở Indonesia (xây dựng 3 thành phố công nghiệp), sau đó là ở 5 quốc gia khác gồm Thái Lan, Việt Nam, Malaysia, Ấn Độ và Mỹ.

Hiện CFLD có văn phòng đại diện và công ty ở các thị trường này. Sau khi thăm dò thị trường Đồng Nai, tháng 9/2016, CFLD đã ký thỏa thuận ghi nhớ với Tổng công ty CP Tín Nghĩa (đến cuối năm 2016, Văn phòng Tỉnh ủy Đồng Nai nắm 50% vốn điều lệ, trong số các cổ đông còn lại có Tập đoàn Thành Thành Công) để xây dựng thành phố công nghiệp mới (NIC - New Industry City) với KCN Ông Kèo.

Không chỉ là đơn vị phát triển nhiều khu công nghiệp lớn trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, Tín Nghĩa Corp. còn được biết đến là chủ đầu tư khu đô thị 900ha Đông Sài Gòn (huyện Nhơn Trạch) và nằm trong top 3 nhà xuất khẩu cà phê lớn nhất của Việt Nam.

Cùng với đó, mới đây, CFLD cũng đã chi hơn 65 triệu USD thông qua 2 công ty con là CFLD Investment 27 Pte., Ltd và CFLD Investment 28 Ptd., Ltd để nắm giữ hơn 70% cổ phần trong khu đô thị du lịch sinh thái Sen Đại Phước (Đại Phước Lotus, tại xã Đại Phước, huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai) từ các quỹ VinaLand Limited (VNL) và Vietnam Opportuinity Fund (VOF) thuộc Tập đoàn VinaCapital.

Khu đô thị này có quy mô 22,44ha, vốn đầu tư xây dựng khoảng 64 triệu USD, cung ứng ra thị trường chủ yếu là biệt thự 2 - 5 phòng ngủ, giá từ 4,5 - 6 tỷ đồng/căn và nhắm đến khách hàng có ý định sở hữu ngôi nhà thứ 2 ở gần TP.HCM.

Dù chỉ mới "ra mắt" với 2 khoản đầu tư được công bố nhưng thị trường vẫn râm ran thông tin nhà đầu tư Trung Quốc này đang nhắm đến các dự án có quy mô lớn ở Long An, Đồng Nai.

Còn về phía các doanh nghiệp trong nước, tại đại hội cổ đông thường niên năm 2017 diễn ra hồi tháng 4, đại diện Công ty Nam Long tiết lộ đã có một tập đoàn lớn của Trung Quốc ngỏ ý mua lại 350ha khu đô thị Waterpoint ở Long An, do Nam Long sở hữu.

Không chỉ lĩnh vực bất động sản công nghiệp, nhà ở, CFLD còn được biết đến trong lĩnh vực công nghệ cao. Năm 2014, CFLD thành lập Vườn ươm Công nghệ cao tại Thung lũng Silicon (Mỹ) để thu hút chất xám của phương Tây nhằm tạo ra các phát minh khoa học, ứng dụng công nghệ, thúc đẩy sự phát triển công nghiệp công nghệ cao của Trung Quốc.

Kế hoạch của tập đoàn này là xây dựng 40 vườn ươm công nghệ không chỉ ở Bắc Kinh, Thung lũng Silicon mà còn ở Tel Aviv (Israel), Frankfurt (Đức) để thiết lập một mạng lưới toàn cầu các nguồn lực sáng tạo. Nền tảng này dự báo việc mở rộng đầu tư của CFLD tại thị trường Việt Nam là rất lớn.

M&A vẫn là xu hướng

Liên quan đến mua bán - sáp nhập (M&A) trên thị trường bất động sản Việt Nam, TS. Sử Ngọc Khương - Giám đốc Đầu tư Savills Việt Nam nhìn nhận, các thương vụ M&A trong thời gian qua diễn ra trên quy mô lớn ở mọi phân khúc, như liên doanh giữa Tập đoàn Chow Tai Fook chuyên kinh doanh vàng bạc, đá quý, bất động sản của Hong Kong và Suncity - tập đoàn chuyên kinh doanh lĩnh vực nghỉ dưỡng, giải trí, trò chơi có thưởng ở Macao tham gia vào khu nghỉ dưỡng - casino quy mô 4 tỷ USD Nam Hội An, thông qua việc mua cổ phần từ VinaCapital.

Bên cạnh các khoản đầu tư từ Trung Quốc, còn nhớ năm 2015, khi trao đổi với phóng viên Báo Doanh Nhân Sài Gòn, ông Sử Ngọc Khương đã đưa ra dự báo dòng vốn từ khu vực châu Á vẫn sẽ tiếp tục chảy vào thị trường bất động sản Việt Nam, trong đó có các nhà đầu tư Nhật Bản. Cụ thể, các nhà đầu tư Nhật Bản đặc biệt hứng thú với các bất động sản đã đi vào vận hành và tạo ra dòng tiền ổn định.

Phía Savills cho biết, năm ngoái, một nhà đầu tư Nhật Bản đã mua 70% quyền sở hữu tòa nhà văn phòng A&B Tower cạnh khách sạn New World, quận 1, TP.HCM, được xây dựng trên khu đất hơn 1.800m2, cung cấp khoảng 25.000m2 sàn văn phòng và đã đưa vào khai thác năm 2010.

Theo chia sẻ của một đơn vị tư vấn đang tìm kiếm các thương vụ tiềm năng tại thị trường Việt Nam cho các nhà đầu tư nước ngoài, nhiều tập đoàn ở châu Á, trong đó đáng chú ý là Trung Quốc khẩn trương tìm cơ hội thực hiện các thương vụ M&A trong lĩnh vực bất động sản nghỉ dưỡng, nhất là bất động sản công nghiệp.

Theo đó, họ sẽ phát triển các khu công nghiệp khép kín (mô hình công nghiệp - dịch vụ - đô thị, vừa có sản xuất vừa có nhà ở), thu hút nhà sản xuất Trung Quốc đến hoạt động.

Điều đáng nói, việc mở rộng đầu tư của những doanh nghiệp "đầu đàn" đến từ Trung Quốc không dừng lại ở một thị trường mà là khu vực.

Liên quan đến dòng đầu tư từ Trung Quốc, trong báo cáo về Tiêu điểm thị trường vốn quý I/2017, khu vực châu Á - Thái Bình Dương" do Jones Lang Lasalle (JLL) thực hiện, Kieran OFlynn - Phó giám đốc Thị trường vốn của JLL tại Indonesia nhấn mạnh, các nhà đầu tư Trung Quốc đang tăng đầu tư vào các tài sản ở Indonesia như một phần thuộc sáng kiến "Vành đai, con đường" của Trung Quốc.

Ở góc độ của các quốc gia thu hút đầu tư, JLL nhìn nhận, Úc, Nhật Bản, Singapore có thể vẫn là những điểm đến đầu tư được ưa chuộng trong khi thị trường bất động sản Ấn Độ được mong đợi sẽ hoạt động mạnh hơn, các nước Đông Nam Á như Việt Nam và Philippines cho thấy nhiều triển vọng về tăng trưởng bất động sản cho thuê, và đó luôn là "món ngon" đối với các nhà đầu tư nước ngoài.

Theo NGUYÊN BẢO - HẢI ÂU

Cùng chuyên mục
XEM