Nhà báo Trần Mai Anh nói về hành trình thiện nguyện: "Có lúc mỏi chứ - Cái mỏi rất bình thường của người luôn phải gắng quá sức mình đi trên con đường mà đôi lúc không biết còn bao xa"

26/12/2020 10:30 AM | Sống

Một địa chỉ đặc biệt, nơi có một "Mẹ Còi" bé nhỏ và những đứa trẻ xa lạ xem nhau như một gia đình thật sự. Ở đó, từng thành viên biết cách tự tìm, chắt chiu cho mình những giọt hạnh phúc ngọt ngào từ muôn vàn nỗi khổ đau. Chính họ, 14 năm qua đã viết nên một thế giới cổ tích của lòng người và những điều kì diệu.

Nhà báo Trần Mai Anh sinh năm 1973, là con gái của nhà báo Trần Mai Hạnh và nhà thơ Bùi Kim Anh. 

Cuối năm 2007, sau nhiều thủ tục pháp lý, chị Trần Mai Anh chính thức trở thành mẹ nuôi của Thiện Nhân - cậu bé bị bỏ lại một mình trong khu rừng tại Quảng Nam, bị súc vật ăn mất một chân và bộ phận sinh dục.

May mắn biết bao khi em bé sơ sinh ấy được một gia đình phát hiện ra và đưa đi cấp cứu, sau đó được nhận nuôi bởi gia đình chị Mai Anh. Chị đã yêu thương Thiện Nhân như yêu hai cậu con ruột Thiên Minh và Hải Minh. 

Hành trình làm mẹ của Thiện Nhân đã giúp chị trở thành một trong 50 người phụ nữ có ảnh hưởng trong sự kiện vinh danh của Forbes năm 2017 với vai trò là người sáng lập "Hành trình Thiện Nhân và những người bạn" thuộc Quỹ phòng chống thương vong châu Á, khám, tư vấn và phẫu thuật miễn phí cho trẻ em không may khiếm khuyết bộ phận sinh dục.

Đối với hàng trăm đứa trẻ có số phận kém may mắn, chị giản dị là "Mẹ Còi" dí dỏm, hài hước và sẵn chứa một bầu tình yêu "nhiều ơi là nhiều". Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện ngắn với chị, để hiểu hơn hành trình làm mẹ, làm bạn, làm người đồng hành với những đứa con đặc biệt của mình. 

Nhà báo Trần Mai Anh nói về hành trình thiện nguyện: Có lúc mỏi chứ - Cái mỏi rất bình thường của người luôn phải gắng quá sức mình đi trên con đường mà đôi lúc không biết còn bao xa - Ảnh 1.

Tính đến bây giờ thì đã 14 năm sau ca phẫu thuật về bộ phận sinh dục, không biết Thiện Nhân bây giờ thế nào rồi chị?

Như các bạn nói đó, 14 năm trôi qua rồi, 14 năm đối với đời người thì cũng là dài nhưng với bé Thiện Nhân thì dài hơn, bởi vì những đứa trẻ khác thì được ở với ba mẹ, được đến trường, được yêu thương nhưng với Thiện Nhân thì hành trình đấy còn gồm cả những cuộc phẫu thuật nữa. Thiện Nhân đã đi rất nhiều nơi trên thế giới: Mỹ, Ý, Đức, Thái Lan, Singapore và rất nhiều bệnh viện Việt Nam…, không chỉ là 14 năm đâu mà nhiều lần của 14 năm. Bây giờ Thiện Nhân lớn rồi, rất đáng yêu, xinh trai, tinh nghịch và vô cùng tình cảm.

    Tại sao chị lại có quyết định liều lĩnh đón Thiện Nhân về nuôi, tự mình trói buộc mình vào một hành trình không biết đến khi nào là kết thúc? Có khi nào chị mệt không?

Có mệt chứ. Vì mình là con người mà, đi nhiều sẽ mệt lắm. Những cái mệt rất đơn giản thôi, ví dụ khi đưa Thiện Nhân đi Mỹ đến sân bay phải chờ lâu. Một người mẹ nhỏ nhỏ bế con đã khó rồi mà bế Thiện Nhân còn khó hơn vì con mất một bên chân nên người khó cân bằng; mình xách nách con lên được xíu lại bị tụt xuống nên phải gồng lên rất nhiều lần. Đó chỉ là một trong rất, rất nhiều thứ mệt thôi. 

Nhưng nếu mỏi mệt mà muốn dừng chân thì không có. Đó chỉ là cái mỏi của một con người, cụ thể là một người mẹ rất bình thường luôn phải gắng quá sức mình đi trên con đường mà đôi lúc không biết là hành trình còn bao xa, bao nặng, bao mỏi. 

Còn đối với hàng trăm đứa trẻ được chị và những

Chị và cộng sự đã tạo ra "Thiện Nhân và những người bạn", một hành trình truyền cảm hứng, dọc đường đi đã gặp phải những khó khăn nào?

Đầu tiên là vấn đề tài chính. Được đi mổ đã khó, nhưng đối diện với chi phí thì lại tiếp tục "đau đầu". Nhớ những ca phẫu thuật đầu tiên của Thiện Nhân ở Mỹ hoặc ở Ý lên tới 150.000 USD chỉ tính riêng chi phí ở bệnh viện. Đã có hàng trăm, hàng nghìn những ủng hộ nhỏ, từng đồng tiền nhỏ gom góp hồi sinh cho Thiện Nhân 14 năm trước. Sau khi Thiện Nhân mổ xong, rất nhiều hồ sơ của các em bé khác gửi về. Chính cộng đồng đã giúp Thiện Nhân, sau đó tiếp tục giúp mẹ Thiện Nhân nối dài tình yêu với các em bé khác.

Cái khó của căn bệnh này ở chỗ không chỉ ảnh hưởng sức khỏe, mà còn ảnh hưởng đến tâm lý của đứa trẻ. Không phải lúc nào chúng cũng nói lên được cái đau, cái xấu hổ của mình được.

14 năm trước, khi mình nói đến gây quỹ hoặc tìm cách tổ chức sự kiện để tái tạo cơ quan, bộ phận sinh dục cho trẻ em, thì những cụm từ đó tại thời điểm đó không cởi mở như bây giờ. Một căn bệnh mà người ta còn ngượng khi nói thì việc giúp đỡ nó khó hơn rất nhiều. Và đối với những đứa trẻ thì không phải lúc nào mình cũng giới thiệu ra được. Phải giữ cho trẻ chứ! Ai cũng mong muốn những đứa trẻ được phẫu thuật, trở thành một người bình thường, được đi học, không bị bạn bè kỳ thị, châm chọc; còn yêu đương, lấy vợ lấy chồng nữa. Kiếm được tiền để đi mổ cho trẻ đã khó, rồi lại giấu đi những đứa trẻ cần giúp đỡ thì mọi người biết đâu mà giúp. Tất cả cần sự tế nhị và gian thấu hiểu.

Nhà báo Trần Mai Anh nói về hành trình thiện nguyện: Có lúc mỏi chứ - Cái mỏi rất bình thường của người luôn phải gắng quá sức mình đi trên con đường mà đôi lúc không biết còn bao xa - Ảnh 3.

Nhưng lâu dần cho đến bây giờ, 14 - 15 năm trôi qua, mọi người cởi mở hơn, bắt đầu quen với một căn bệnh khiếm khuyết về cơ quan sinh dục cho trẻ em nam và nữ. 14 năm để mọi người không kỳ thị khi nhắc đến căn bệnh này và coi nó như là căn bệnh thông thường giống như đau tay, đứt chân khác. Bọn mình đã giúp nhau cởi mở hơn, đó là cái Được rất lớn!

    Ai dõi theo chị đều dễ dàng nhận thấy, dường như cuộc sống của chị dường như xoay vần quanh Thiện Nhân và dự án "Thiện Nhân và những người bạn", trong chừng ấy thời gian liệu chị ĐƯỢC những gì và phải ĐÁNH ĐỔI điều gì?

Nếu mà nói đánh đổi thì hơi khó vì thói quen của mình là mình chỉ làm khi mình thích, vì vậy không có sự đánh đổi ở trong đấy. Đôi lúc mọi người bảo sao chị Mai Anh nhỏ như thế mà chị vẫn đi được hành trình khó khăn và phức tạp này. Nhưng không đi thì chán lắm, mình tụt năng lượng luôn vì mình sẽ nghĩ sao cuộc đời chỉ có thế này thôi ư? Nếu vậy khô lạnh, buồn tẻ, xám ngắt lắm. Chính hành trình này đã tạo cho mình năng lượng sống, năng lượng rất tích cực, mỗi ngày, mỗi ngày đều sinh động hơn. Và cuộc sống cứ vậy là có ý nghĩa hơn.

Hành trình Thiện Nhân, mọi người gọi là hành trình yêu thương chứ mọi người không coi là một hành trình từ thiện. Đến với hành trình Thiện Nhân không phải là tâm lý làm từ thiện đơn thuần mà mọi người tìm đến như một chốn yêu thương, tìm đến nhau, yêu thêm những đứa trẻ mỏng manh mà kiên cường, yêu thêm những bố những mẹ dũng cảm, nhẫn nại tột cùng; Và sau đó chính những đứa trẻ ấy lại yêu thêm người khác nữa. Như vậy năng lượng cuộc sống của mình sẽ đẹp hơn rất nhiều, và chỉ những người nào muốn yêu và muốn được yêu thì mới đến. Vô hình chung mình được rất nhiều tình yêu từ đấy. Mình không biết mình đã đánh đổi gì, chỉ biết là mình đang sống đúng bản năng. Mình muốn làm điều gì đó với mọi người xung quanh, nhất là với trẻ con.

Nhà báo Trần Mai Anh nói về hành trình thiện nguyện: Có lúc mỏi chứ - Cái mỏi rất bình thường của người luôn phải gắng quá sức mình đi trên con đường mà đôi lúc không biết còn bao xa - Ảnh 4.

Đến nay, đã có bao nhiêu đứa trẻ đã gọi chị Mai Anh là "Mẹ Còi"?

Trong hành trình Thiện Nhân hiện giờ có hơn 10.000 hồ sơ của trẻ. Nếu đi các bệnh viện Bắc - Trung - Nam thì bọn trẻ đều gọi mẹ Còi hoặc mẹ Mai Anh. Ngoài bọn trẻ gọi là mẹ Còi thì các bố mẹ khác cũng gọi mình làm mẹ Còi nữa, đó là thói quen rồi. Trẻ con thì luôn luôn nghĩ nếu vào phòng mổ mà mẹ Còi ở bên cạnh thì ca mổ sẽ thành công hơn nên bọn trẻ cứ muốn mẹ vào phòng mổ cùng, rủ như rủ đi chơi.

Các bạn ở quỹ thì gọi mẹ Còi với tâm lý là mẹ này lắm chuyện, lại đẻ ra thêm việc để làm chứ không phải vì yêu thương đâu đơn thuần đâu, như kiểu "thôi chiều mẹ ấy cho xong đi" vì nhiều lúc mình đòi làm thêm nhiều việc khác ví dụ như tìm lớp tiếng Anh cho đứa này hay tìm trường cho đứa kia vì lúc ở trong phòng mổ bé ấy tâm sự là sau này muốn đi học ở trường xa nhà hơn để các bạn không biết mình phải mổ…

Nhà báo Trần Mai Anh nói về hành trình thiện nguyện: Có lúc mỏi chứ - Cái mỏi rất bình thường của người luôn phải gắng quá sức mình đi trên con đường mà đôi lúc không biết còn bao xa - Ảnh 5.

Các chương trình, dự án gây quỹ tôi thấy chị rất hay dùng từ "cổ tích", chị có tin vào cổ tích không?

Cổ tích là một thế giới đầy tình yêu, mọi người đến với nhau để sống cùng với nhau, cùng nhau yêu những điều gì bé nhỏ và phi thường. Thực sự mình luôn gọi hành trình này là hành trình cổ tích.

Thử hỏi nếu không tin vào cổ tích, thì đâu có Thiện Nhân được như ngày hôm nay. Bạn hãy hình dung, với số tiền ấy, với hành trình đi hơn 4-5 vòng trái đất ấy, nếu không có bao nhiêu gom góp, chắt chiu của mọi người, bao nhiêu người mình không hề quen ở khắp nơi trên thế giới thì đâu có tạo nên phép màu kì diệu như vậy. Và tiếp nối, các bác sĩ của Thiện Nhân ở Ý, Mỹ, Nga, Pháp… đã đến với Việt Nam, cứu giúp hơn 1000 đứa trẻ khác. Mọi người từ khắp mọi nơi tìm đến với nhau, thì đúng là phải có cổ tích ở đâu đó chứ!

Cổ tích sinh ra từ lòng người. Nhưng lòng người lại là thứ khó đo, khó lường, khó đoán định...

Hình như mẹ Nhân may mắn hay sao đó. Hành trình này bắt đầu bằng sự đau đớn tột cùng của một đứa trẻ và không ai hoài nghi sự đau đớn đó cả. Khi mình ôm bé về, mọi người nhìn thấy ít nhất thằng bé có một ngôi nhà, có hai người anh yêu nó, có ông bà, có đồ ăn, có áo quần. Nhất là, người ta nhìn một đứa trẻ được yêu thương, được hạnh phúc, được vui vẻ cười nói – tất cả những điều đó hiển hiện ngay trên gương mặt… Nó không đau khổ nên mọi người không mất thời gian vào việc hoài nghi một đứa trẻ đang hạnh phúc.

Nhà báo Trần Mai Anh nói về hành trình thiện nguyện: Có lúc mỏi chứ - Cái mỏi rất bình thường của người luôn phải gắng quá sức mình đi trên con đường mà đôi lúc không biết còn bao xa - Ảnh 6.

Nhiều những đứa trẻ khác nữa trong hành trình Thiện Nhân, ví như em Sơn "bô xanh" một chiến binh thực thu. Ngày Sơn sinh, bố mẹ em gục ngã khi bác sĩ trả đứa trẻ với toàn bộ phần dưới mở hoàn toàn với lời dặn dò mang con về để lo hậu sự.

Sơn bị dị tật nghiêm trọng bộ phận sinh dục với các biểu hiện thành bụng hở có thể nhìn thấy rõ một phần bàng quan. Cậu bé còn không có hậu môn, không có cơ quan sinh dục ngoài, tiểu tiện và đại tiện chung một đường, thoát ra ở một lỗ nhỏ trên thành bụng. Đâu chỉ có vậy, Sơn còn không có cả khung xương bẹn…Với một cơ thể sơ sinh khiếm khuyết nhiều bộ phận trên cơ thể như vậy thì dù các bác sĩ có nỗ lực đến mấy chuyện ra đi cũng chỉ trong một sớm một chiều, duy chỉ có bố mẹ Sơn đã không từ bỏ hi vọng.

Hành trình đi hết từ ca phẫu thuật tới ca phẫu thuật khác, cho tới tận năm 8 tuổi, Sơn mới được học lớp Một.

Ngày Sơn rời khỏi chiếc bô đấy để bước vào lớp Một, mình đến trường, thấy nó chạy băng băng giữa một đám trẻ con đi học đúng tuổi. Sơn chạy như bay đi vì được đi học, được chạy nhảy, vui đùa và vì được rời khỏi cái bô hôi thối để đến nơi có bạn bè, thầy cô. Hình ảnh đó trong một buổi chiều đầy nắng và sân trường rộn tiếng cười thì đối với mình đó chính là cổ tích.

Mình mong muốn những đứa trẻ trong hành trình Thiện Nhân sẽ tìm được môi trường phù hợp và đứng lên khỏi số phận ngặt nghèo của mình để được bay như bé Sơn, bé Thiện Nhân.

Nhà báo Trần Mai Anh nói về hành trình thiện nguyện: Có lúc mỏi chứ - Cái mỏi rất bình thường của người luôn phải gắng quá sức mình đi trên con đường mà đôi lúc không biết còn bao xa - Ảnh 7.

Chị còn điều gì chưa hài lòng hay còn trăn trở về dự án Thiện Nhân và những người bạn?    

Trăn trở nhiều nhất là còn trẻ em bị khiếm khuyết bộ phận sinh dục còn rất nhiều. Hơn 10.000 hồ sơ biết làm thế nào đây? Vừa rồi bọn mình cũng hợp tác với nhiều bệnh viện hàng đầu Việt Nam như Bệnh viện Nhi Trung ương, Bệnh viện Nhi Việt Đức, Bệnh viện Phụ sản Đà Nẵng, bênh viện Nhi Đồng 2… tiến hành xếp mổ các ca bệnh. Mổ xong, còn nỗi lo hậu phẫu. Phẫu thuật tốt quan trọng, các công nghệ tiên tiến trên thế giới áp dụng vào phẫu thuật rất quan trọng, nhưng quá trình hậu phẫu còn quan trọng hơn. Nhiều bé phải ở lại bệnh viện sau hậu phẫu 3,4 tháng trời và được các y bác sĩ của các bệnh viện hàng đầu chăm sóc nên chúng tôi rất yên tâm.

Một cộng đồng bác sĩ đã hình thành sau những cuộc phẫu thuật như vậy. Sau hành trình thiện Nhân, mọi người gọi là gia đình Thiện Nhân. Những người yêu bé Thiện Nhân tham gia vào một nhóm, những bệnh nhân và gia đình bệnh nhân lại vào một nhóm để giúp đỡ nhau, các bác sĩ Việt Nam và nước ngoài cũng tham gia một nhóm khác là Thiện Nhân family để trao đổi về chuyên môn, về cuộc sống hàng ngày, cả những niềm vui, những điều mới mẻ. Cứ vậy đó…

Nhà báo Trần Mai Anh nói về hành trình thiện nguyện: Có lúc mỏi chứ - Cái mỏi rất bình thường của người luôn phải gắng quá sức mình đi trên con đường mà đôi lúc không biết còn bao xa - Ảnh 8.

Làm thiện nguyện có ý nghĩa thế nào đối với chị Mai Anh? 

Nhiều người cho rằng, chỉ khi có điều kiện, đủ đầy, mới có thể làm từ thiện và từ thiện một cách bền vững, điều này đúng không?

Mình yêu cuộc sống lắm, luôn luôn hồ hởi, thích thú nhìn ngắm những đứa trẻ. Khi những đứa trẻ phải phẫu thuật, mình không nhìn thấy sự tội nghiệp ở chúng. Dù có thể bê bết lắm nhưng lúc nào cũng vui đùa với chúng và chúng lúc nào cũng cười rinh rích lại với mình. Mình hỏi "Tại sao con đi mổ mà con vui thế" thì con bảo "Con quen rồi. Vào đây mẹ Mai Anh toàn nói đùa".

Mình cũng không hiểu ý nghĩa của hành trình này là gì nhưng nó luôn làm mình cảm thấy vui vẻ, và những người xung quanh vui vẻ nữa. Mình nhìn thấy những đứa trẻ phải mổ tuy rất đau nhưng vẫn rất vui vẻ, niềm vui của chúng làm mình vui hơn. Mình không bao giờ mong muốn mang lại thêm một nỗi buồn gì cho những đứa trẻ đang đau. Những sự chia sẻ ấy không phải là "ôi con tội nghiệp lắm, mẹ yêu con" mà chỉ là câu nói đùa vui thôi.

Nhà báo Trần Mai Anh nói về hành trình thiện nguyện: Có lúc mỏi chứ - Cái mỏi rất bình thường của người luôn phải gắng quá sức mình đi trên con đường mà đôi lúc không biết còn bao xa - Ảnh 9.

Với những người bạn của hành trình Thiện Nhân, mình cũng không bao giờ muốn mọi người buồn. Hầu như không bao giờ kể những chuyện buồn cả, lúc nào cũng kể những câu chuyện vui, rất "buồn cười" về những đứa trẻ dù bị bệnh nhưng chúng vẫn vui để mọi người thấy rằng cuộc sống không chỉ có đau khổ và con người - ai cũng có thể làm cho cuộc sống vui vẻ, tốt đẹp hơn bằng cách giúp đứa trẻ thêm một ít tiền mổ, thêm một ít tiền đi học.

Như đợt lũ lụt vừa rồi chúng mình kêu gọi đóng góp sách giáo khoa mới tặng bọn trẻ. Mình và các bạn rất cố gắng tìm cách tặng cho các con sách mới, không phải chê các cuốn sách cũ đâu, mà bọn mình mong muốn khi một đứa trẻ bị buồn vì mất nhà, mất quần áo nhận được một món quà mới thơm tho, các em sẽ cảm thấy có sự tươi mới, thấy có mầm hi vọng đến với mình.

Mong mỏi của chị Mai Anh về quỹ "Thiện Nhân và những người bạn" là gì?

Năm nay nếu không có COVID - 19 thì đã có một hội thảo tiết niệu hàng đầu trên thế giới tại Việt Nam. Bọn mình đã tổ chức sắp xếp gần như xong hết rồi, dự kiến  hội thảo này mang tới hơn 100 bác sĩ hàng đầu về tiết niệu ở hàng trăm nước trên thế giới đến đây. Sớm hay muộn, mình thật mong có một trung tâm tiết niệu Quốc tế, đưa Việt Nam trở thành điểm đến của các bác sĩ hàng đầu về tiết niệu.

Những năm trước, bác sĩ sang đây để giúp bệnh nhi Việt Nam, bọn mình nhận được vô vàn sự giúp đỡ, và mình muốn giúp gì đó cho ngành tiết niệu như là cách để cảm ơn các bác sĩ đã cứu giúp, hồi sinh cho rất nhiều mảnh đời bị khiếm khuyết bộ phận sinh dục.

Nhà báo Trần Mai Anh nói về hành trình thiện nguyện: Có lúc mỏi chứ - Cái mỏi rất bình thường của người luôn phải gắng quá sức mình đi trên con đường mà đôi lúc không biết còn bao xa - Ảnh 10.

Mình tâm niệm, không ai sống yên ổn khi chỉ có nhận mà không cho bất cứ một điều gì. Giống như trước đây, rất nhiều người giúp Thiện Nhân phẫu thuật bảo mình rằng đã có 2 cậu con trai rồi, phẫu thuật cho thằng bé Nhân được đi học bình thường rồi, không cần phải làm thêm gì cũng đã là người tốt rồi…, thế thì không nhất thiết phải làm đến hàng nghìn đứa trẻ khác. Nhưng mình ôm con mình về nhà, mình xong việc và đóng cửa, mẹ con hưởng thụ với nhau thì không được. Phải chia sẻ và giúp đỡ những em bé và bà mẹ khác nữa chứ. Bao nhiêu bác sĩ trên thế giới giúp trẻ con Việt Nam, mình cũng mong muốn một ngày nào đấy Việt Nam sẽ trở thành điểm đến của tình yêu thương - là một nơi để các bác sĩ giỏi trên thế giới đến đây giao lưu với nhau, trao đổi với nhau về chuyên môn, sẻ chia những giá trị tốt đẹp.

Cảm ơn chị Mai Anh về câu chuyện ngày hôm nay!

Cảm ơn các bạn rất nhiều! Cuộc trò chuyện ngày hôm nay với quỹ Thiện Nhân rất giá trị vì đến giờ có hàng nghìn đứa trẻ khác lại bị bệnh như Thiện Nhân. Nếu ta không coi nó là một câu chuyện mới thì sẽ không thể giúp được những đứa trẻ khác. Buổi trò chuyện này thực sự là một sự đồng hành, và mình muốn truyền tải những thông điệp này, những thông tin này không phải chỉ đến với những người cần giúp đỡ mà hi vọng có thể đến được tất cả mọi người; để mọi người biết rằng có một địa chỉ như thế, và nếu có ai xung quanh biết về trường hợp bị khiếm khuyết bộ phận sinh dục sẽ tìm được địa chỉ cần thiết. Đây là một căn bệnh rất nhạy cảm, tế nhị và đôi lúc người bên cạnh mình bị mà mình cũng không dám nói ra nên các thông tin được chia sẻ bằng nhiều hình thức khác nhau thật sự rất đáng quý.

Thương chúc chị Mai Anh nhiều sức khoẻ, hành trình Thiện Nhân và những người bạn sẽ nhân thêm nhiều hạnh phúc cho nhiều cuộc đời bé bỏng! 

Bài: Trang Đỗ
Ảnh: Duy Anh
Thiết kế: CHAMA
Video: Kingpro

Trang Đỗ

Cùng chuyên mục
XEM