Nguyễn Khánh Trình: Để giữ được người, tiền là chưa đủ, một công việc phải có ít nhất 2 trong 3 yếu tố này

10/08/2018 10:00 AM | Kinh doanh

Thu nhập có thể chưa đủ để giàu nhưng ít nhất phải đủ tồn tại. Nếu thu nhập không được cao thì môi trường làm việc, đồng nghiệp, sếp phải tốt, bản chất công việc yêu thích.

Hành trình khởi nghiệp của giảng viên ĐH Bách Khoa

Năm 2006, thầy giáo trẻ Nguyễn Khánh Trình cùng 2 người bạn lập một trang web bán áo sơ mi nam thương hiệu Đức Giang, May 10 qua mạng có tên somi.vn. Nửa năm đầu tiên, dự án khá thành công khi mỗi ngày có 30 - 50 đơn đặt hàng. Từ đây, anh và bạn quyết định mở 3 cửa hàng với biển hiệu là chính tên miền. Trình tự hào cách chọn tên cửa hàng này còn đi trước cả Thế giới di động từng làm.

Tuy nhiên đến nửa năm sau, tình hình kinh doanh tại cửa hàng bắt đầu đi xuống khi những nhà sáng lập quản lý không thể dành nhiều thời gian cho hoạt động kinh doanh do còn vướng bận những công việc toàn thời gian khác.

Sự thất bại của dự án này khiến tôi nhận ra một điều là làm kinh doanh phải tập trung, phải làm full time chứ không thể chân trong chân ngoài”, Nguyễn Khánh Trình nhớ lại.

Dự án somi.vn thất bại nhưng cũng mở ra một hướng đi mới cho chàng trai sinh năm 1981. Anh nhận thấy 80% khách hàng của mình đến từ công cụ tìm kiếm của Google. Cùng thời điểm này anh có cơ hội sang Singapore tham gia khóa đào tạo cho giảng viên của Sun Microsystems. Chuyến đi này khiến anh bất ngờ về việc sử dụng Online Marketing với Google tại quốc đảo nhỏ bé này.

Trong khi tại thời điểm đó, Google là công cụ tìm kiếm sử dụng nhiều tại Việt Nam nhưng chưa được dùng như một kênh marketing cho sản phẩm. Từ đây, Nguyễn Khánh Trình nhìn ra tiềm năng của ngành quảng cáo trực tuyến Google.

Cùng với 2 người bạn đại học, Nguyễn Khánh Trình bắt đầu tìm hiểu và thi các chứng chỉ chuyên môn về quảng cáo Google AdWords. Đồng thời, anh quyết định nghỉ công việc giảng dạy tại đại học Bách Khoa để toàn tâm cho dự án CleverAds.

Trong thời gian đầu thành lập, để tiếp cận khách hàng CleverAds quyết định tư vấn và chạy thử quảng cáo miễn phí. Tuy nhiên khi dừng khuyến mãi, khách hàng cũng dừng dịch vụ của CleverAds. Nguyễn Khánh Trình không bỏ cuộc.

“CleverAds đã 10 năm. Có thời điểm 2015 công ty có tới 500 nhân sự nhưng tôi nhận ra 1 điều số lượng không phải là mấu chốt của công ty mà phải là lực lượng lao động phù hợp với năng lực lao động, năng lực sản xuất, năng lực quản lý. CleverAds sau đó đã giảm quy mô xuống 300 rồi 200 nhân sự. Công ty cần tinh nhuệ hơn là đông”, Trình chia sẻ. Thêm vào đó những dịch vụ khác trong hệ sinh thái của CleverAds không còn chỗ đứng khi Facebook, AppStore ngày càng phát triển.

Ngoài CleverAds, Nguyễn Khánh Trình còn tham gia đầu tư vào ngành nông nghiệp thông qua chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch Sói Biển và Trang Trại Trung Thực.

“Ai làm kinh doanh lâu đều biết bản chất đều là giống nhau. Công việc kinh doanh đều có một khung công việc gồm 3 phần: Strategy - Managerment - Business Logic. Tất nhiên, chiến lược của mỗi công ty là khác nhau nhưng quản trị và điều hành khá giống nhau. Các công ty khác nhau chính ở Business Logic”, Nguyễn Khánh Trình trả lời khi được hỏi về việc tham gia khá nhiều ngành khác nhau trên con đường kinh doanh của mình.

Theo anh, đa phần những người làm quản trị lâu năm sẽ xác định rất nhanh về chiến lược kinh doanh còn về quản lý thường làm bình thường. Công ty nào cũng có những bộ phận như HR, kế toán, kinh doanh, kỹ thuật, bộ phận phát triển kinh doanh. Điểm khác cơ bản nhất là business logic, làm sao để có kiến thức về ngành hàng, đối tượng khách hàng. Ai khi chuyển sang ngành mới đều phải tìm hiểu kỹ về business logic của doanh nghiệp đó.

Nguyễn Khánh Trình: Để giữ được người, tiền là chưa đủ, một công việc phải có ít nhất 2 trong 3 yếu tố này - Ảnh 1.

Để giữ được người, tiền là chưa đủ

“Công việc cũng như cuộc đời, mỗi thanh niên trưởng thành đều nên tự quyết định. Với tôi thời điểm khởi nghiệp dù công việc ổn định nhưng mức lương thấp, được coi là nhàm chán thì đành phải dứt áo ra đi. Không ai nói trước được mình có thành công hay không chỉ có điều khi làm công việc, mình tận hiến, kiên định, làm việc với tất cả quyết tâm, tình cảm, nỗ lực thì sẽ có cơ hội.

Thực ra công việc làm chủ hay làm thuê, nhà nước hay tư nhân, khởi nghiệp không khác nhau nhiều. Bản chất là mình có tận hiến cho công việc đó hay không. Mình có kiên định với công việc đó hay không. Nếu mình làm đủ dài, đủ tâm huyết, đủ sâu sắc, dành đủ nhiều thời gian thì sẽ thành công”, nhìn lại quyết định bỏ giảng đường đại học để khởi nghiệp, Nguyễn Khánh Trình chia sẻ.

Ngoài ra để khởi nghiệp thành công, CEO này cho rằng nên có cộng sự làm cùng. Theo anh, co-founder (nhà đồng sáng lập) không hề khó tìm nhưng việc đầu tiên phải có tiêu chí rõ ràng. Hai tiêu chí với Nguyễn Khánh Trình khi chọn người đồng hành gồm giá trị và giá trị sử dụng. Có những người có giá trị sử dụng nhưng không có giá trị và ngược lại. Ví dụ một co-founder chỉ có các mối quan hệ nhưng không vận hành công ty thì người đó có giá trị nhưng không có giá trị sử dụng bởi không đảm nhận quản lý vận hành hàng ngày. Về cơ bản nhất để tìm co-founder là làm việc cùng, cùng định hướng và trên nền tảng chia sẻ chân thành.

Ngoài co-founder, tuyển nhân sự cũng là bài toán khó với các nhà khởi nghiệp. Tuy nhiên theo doanh nhân này, công việc này không quá khó nhưng bản thân người tuyển dụng phải biết mình cần những người như thế nào, phải mô tả kỹ được việc đó.

“Người biết quản trị phải biết xếp người đó đúng chỗ, có việc cụ thể, KPI cụ thể, đào tạo tốt sẽ giảm thiểu được rủi ro chứ ko phải người giỏi. Mà phải xây dựng đội ngũ làm việc ăn ý”, CEO Nguyễn Khánh Trình chia sẻ.

Quan điểm này khá tương đồng với nhận định của giáo sư Phan Văn Trường. Ông cho rằng quản trị giỏi là biết chọn đúng người cho đúng việc vào đúng lúc, và biến người tầm thường thành những nhân viên phi thường, chứ không phải là mướn nhân tài, cho họ lương rồi bỏ họ vào xó.

Sau khi tuyển được người, để giữ được người theo Khánh Trình, một công việc cần phải có 2/3 yếu tố bao gồm: Thu nhập, môi trường làm việc, bản chất công việc. Theo anh bất kỳ người lao động nào một công việc luôn được quyết định bởi 3 điều này. Thu nhập có thể chưa đủ để giàu nhưng ít nhất phải đủ tồn tại. Nếu thu nhập không được cao thì môi trường làm việc, đồng nghiệp, sếp phải tốt, bản chất công việc phải yêu thích mới giữ được người tài.

Thu Thúy

Cùng chuyên mục
XEM