Nguy cơ mất 1% tổng doanh thu vì chiếc điện thoại 'cây nhà lá vườn' của Trung Quốc, Apple liệu có run sợ?
Apple đang như ngồi trên đống lửa vì những sự kiện đang diễn ra ở Trung Quốc - thị trường lớn nhất của họ.
Vào tháng 3, Tim Cook là một trong những giám đốc điều hành nước ngoài đầu tiên đến Bắc Kinh để gặp gỡ các quan chức cấp cao tại đây sau khi các hạn chế trong thời kỳ đại dịch được dỡ bỏ. Trong đó, giám đốc điều hành của Apple ca ngợi cách công ty và Trung Quốc đã cùng nhau phát triển trong một “mối quan hệ cộng sinh” .
Sáu tháng trôi qua, mối quan hệ đó đang trở nên căng thẳng. Apple đang phải đối mặt với áp lực cạnh tranh mới tại một quốc gia không chỉ là trung tâm sản xuất lớn nhất mà còn là thị trường quốc tế lớn nhất của hãng, chiếm gần 20% doanh thu trong quý vừa qua.
Một đợt bán tháo cổ phiếu đã làm giảm gần 200 tỷ USD vốn hóa thị trường của Apple trong những ngày gần đây sau khi có thông tin rằng nhiều cơ quan chính phủ khác nhau của Trung Quốc đã áp đặt lệnh cấm cán bộ nhân viên sử dụng các sản phẩm của Apple. Dù Bộ Ngoại giao Trung Quốc vào hôm thứ tư đã phủ nhận mọi lệnh cấm chính thức nhưng ám chỉ đến “sự cố bảo mật” liên quan đến iPhone và yêu cầu các nhà sản xuất điện thoại thông minh tuân thủ luật pháp.
Cho đến nay, Apple vẫn giữ được vị thế cao ở Trung Quốc, tránh được số phận của những gã khổng lồ công nghệ khác của Mỹ, bao gồm Google, Meta, Twitter và Micron. Tất cả trong số này đều đã chứng kiến các sản phẩm bị hạn chế hoặc bị cấm hoàn toàn tại đất nước tỷ dân.
Cook, giám đốc điều hành Apple từ năm 2011, đã được ca ngợi là “kiến trúc sư trưởng” cho việc chuyển sản xuất của Apple sang Trung Quốc sau khi được Steve Jobs bổ nhiệm vào năm 1998 để điều hành các hoạt động trên toàn thế giới. Dưới sự lãnh đạo của Cook, nhiều năm đầu tư, tiếp thị và ngoại giao doanh nghiệp thận trọng đã cho phép Apple điều hành một trung tâm sản xuất đồng thời tạo ra nhiều lợi nhuận ở Trung Quốc hơn bất kỳ công ty nào khác.
Paul Triolo, đối tác liên kết của nhóm cố vấn Albright Stonebridge cho biết công ty “đã đầu tư rất nhiều vào mối quan hệ từ trung ương tới địa phương, đặc biệt là ở Thâm Quyến - nơi họ đã hợp tác với Foxconn và tạo ra hàng trăm nghìn việc làm”. Ông nói thêm rằng Apple đã “rất cẩn thận” tuân thủ các quy định của địa phương.
Cùng với những lo ngại về những hạn chế có thể xảy ra đối với các sản phẩm của Apple, một mối đe dọa cạnh tranh mới đã xuất hiện với sự ra mắt bất ngờ của điện thoại thông minh Huawei mới tại Trung Quốc vào cuối tháng 8. Mate 60 Pro đã bán hết ngay lập khi các chuyên gia tiết lộ rằng bên trong thiết bị này đang chạy chip tiên tiến của Trung Quốc. Các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Huawei trước đây đã làm tê liệt khả năng của các thiết bị cầm tay của họ và cho phép Apple thống trị doanh số bán điện thoại thông minh cao cấp tại Trung Quốc.
Cổ phiếu của Apple tiếp tục giảm sau buổi ra mắt không mấy ấn tượng của loạt iPhone 15 vào thứ ba, nhưng các chuyên gia trong ngành cho biết cổ phiếu giảm giá gần đây chủ yếu do các sự kiện ở Trung Quốc đã diễn ra quá mức.
Gene Munster, đối tác quản lý tại Deepwater Asset Management cho biết “trường hợp xấu nhất” là lệnh cấm của chính phủ sẽ làm giảm 2% doanh số bán iPhone toàn cầu và 1% tổng doanh thu của Apple vào năm 2024. Tờ Financial Times trước đó đã đưa tin rằng những hạn chế của chính phủ với việc nhân viên sử dụng thiết bị Apple đã kéo dài vài năm.
Triolo cho biết mối quan hệ Apple-Trung Quốc là mối quan hệ “đôi bên cùng có lợi”. Apple đã nâng cấp các tiêu chuẩn và quy trình sản xuất của các nhà sản xuất Trung Quốc, đồng thời bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của mình bằng cách đa dạng hóa chuỗi cung ứng để đảm bảo không nhà cung cấp nào có thể sao chép sản phẩm của mình.
Ba cựu nhân viên Apple có kinh nghiệm ở Trung Quốc cho rằng công ty dường như không lo lắng.
Việc Trung Quốc không có bất kỳ chỉ thị công khai nào chống lại Apple cũng trái ngược với lập trường rõ ràng của họ khi cấm nhà sản xuất chip nhớ Micron của Mỹ tham gia vào cơ sở hạ tầng quan trọng vào tháng 5, nói rằng việc này gây ra “rủi ro an ninh mạng nghiêm trọng”.
Mặc dù vậy, Cook phải đối mặt với một “hành động cân bằng tế nhị” nhằm đa dạng hóa hoạt động sản xuất bên ngoài Trung Quốc trong khi vẫn duy trì mối quan hệ chặt chẽ với Bắc Kinh, một cựu giám đốc điều hành của Foxconn vốn lắp ráp phần lớn iPhone của Apple tại Trung Quốc cho biết.
Apple có 14.000 nhân viên trực tiếp tại Trung Quốc, nhưng các chuyên gia ước tính hãng này hỗ trợ hơn 1,5 triệu việc làm tại nước này. Do những căng thẳng địa chính trị, Apple đã bắt đầu chuyển một phần sản xuất sang Ấn Độ.
Trong bối cảnh đó, các chuyên gia cho biết Bắc Kinh sẽ sẵn sàng hỗ trợ các lựa chọn thay thế trong nước cho Apple như Huawei - công ty từng là nhà sản xuất điện thoại bán chạy nhất thế giới trước khi các lệnh trừng phạt của Mỹ cấm họ tiếp cận một số linh kiện nước ngoài, buộc công ty phải ngừng bán điện thoại thông minh 5G.
Doanh số bán hàng tại Trung Quốc của Huawei hiện được hỗ trợ bởi vị thế được người tiêu dùng coi là “nhà vô địch quốc gia”, nhưng ngay cả Mate Pro cao cấp nhất của họ vẫn thua iPhone về mặt kỹ thuật.
“Huawei đang bán ra thứ gì đó đi sau cả một thế hệ. Họ sẽ phải chơi trò đuổi bắt trong một thời gian dài”, Ivan Lam, nhà phân tích tại Counterpoint Research ở Hồng Kông cho biết và nói thêm rằng Apple chiếm 80% thị trường điện thoại có giá trên 800 USD.
“Đối với Huawei, việc chuyển cuộc chơi về 50:50 sẽ rất khó khăn, hoặc thậm chí là không thể”.
Nguồn: Financial Times