Nguồn nhân lực tài chính - ngân hàng có bị đe dọa bởi thời kì công nghệ số?

07/08/2019 17:41 PM | Nghề nghiệp

Nguồn nhân lực ngành ngân hàng hiện nay vẫn có một thực tế là vừa thiếu vừa yếu. Đặc biệt, khối kiến thức bổ trợ (công nghệ thông tin, ngoại ngữ) yếu; kiến thức ngành, giao tiếp hạn chế…

Đó là những thông tin được đưa ra tại hội thảo “Phát triển nhân lực ngành tài chính - ngân hàng trong kỷ nguyên 4.0” do Thời báo Kinh tế Sài Gòn phối hợp với Trường đại học Hoa Sen tổ chức tại Tp.HCM mới đây.

Bài toán nhân lực ngân hàng bắt kịp cuộc chạy đua công nghệ

Theo các chuyên gia trong ngành, ngân hàng sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc bồi dưỡng và đào tạo lại để đội ngũ cán bộ, nhân viên trong ngành ngân hàng có đủ trình độ vận hành, làm chủ công nghệ mới. Ngoài ra, các ngân hàng Việt Nam sẽ phải chịu áp lực lớn hơn với việc thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, đối mặt với nguy cơ dịch “chảy máu” chuyển nguồn nhân lực chất lượng cao sang các tổ chức tín dụng nước ngoài.

Đặc biệt, kỷ nguyên 4.0 đã đặt ra nhiều thách thức với ngành tài chính - ngân hàng nói riêng. Bài toán mà ngành tài chính - ngân hàng phải đối mặt chính là xây dựng một đội ngũ nhân lực xứng tầm nhằm bắt kịp cuộc chạy đua công nghệ mà trọng tâm là “chuyển đổi số” với nhiều lợi ích to lớn mà nó mang lại.

Nguồn nhân lực tài chính - ngân hàng có bị đe dọa bởi thời kì công nghệ số? - Ảnh 1.

Theo các diễn giả khác có mặt tại hội thảo, việc chú trọng cho đào tạo nhân lực ngành tài chính ngân hàng trong các năm tới là rất quan trọng. Việc này đòi hỏi các trường phải nâng cao chất lượng đào tạo, ứng dụng tốt công nghệ trong đào tạo sinh viên, và kết nối tốt hơn với các ngân hàng để sinh viên có chỗ thực tập sớm khi còn đi học

Ông Trần Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu đào tạo Kinh tế Quốc tế, Giám đốc chương trình Dự báo nhân lực cho rằng, hiện nay và các năm tới, việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cần phải đặc biệt coi trọng trong chiến lược phát triển của ngành tài chính - ngân hàng.

Theo ông Tuấn, đại đa số sinh viên sau khi tốt nghiệp đi làm chỉ đạt yêu cầu 20-25% tại các ngân hàng còn “hổng” cả về kỹ năng (thái độ làm việc, kỹ năng làm việc với mọi người, trình độ tiếng Anh, khả năng giao tiếp) và kiến thức (các kiến thức về lĩnh vực tài chính, ngân hàng nói chung). Do đó, hầu như các ngân hàng đều phải mất thời gian đào tạo lại mới có thể đáp ứng được yêu cầu công việc. Một số lĩnh vực chuyên sâu thiếu rất nhiều nhân lực và các ngân hàng phải mất nhiều chi phí để thuê chuyên gia nước ngoài tư vấn, thực hiện.

Cùng quan điểm, ông Nguyễn Duy Tuấn, Trưởng bộ phận dịch vụ Tài chính ngân hàng, Công ty Navigos Search cho biết: Trong tuyển dụng ngành ngân hàng rất khó khăn để tìm được ứng viên có kinh nghiệm, kỹ năng mềm, nghiệp vụ phù hợp. Đặc biệt, thiếu hụt lượng ứng viên có kinh nghiệm trong công nghệ. Chính điều này đã đẩy các ngân hàng chạy đua về lương, thưởng để có được các ứng viên có kinh nghiệm công nghệ. Ngoài ra, rào cản về ngoại ngữ cũng là bài toán nguồn nhân lực của ngành ngân hàng. Hiện nay, thị trường ngành này cần thêm những ứng viên có thể nói được tiếng Hoa, Hàn Quốc, Nhật ngoài tiếng Anh.

Trong khi đó, hiện nay các cơ quan, doanh nghiệp tài chính và các ngân hàng vẫn loay hoay với bài toán nhân sự: Thừa thì vẫn thừa, mà thiếu vẫn thiếu. Đặc biệt, khối kiến thức bổ trợ (công nghệ thông tin, ngoại ngữ) yếu; kiến thức ngành, giao tiếp hạn chế. Hầu hết các Ngân hàng Thương mại cổ phần quy mô trung bình trở xuống thiếu đội ngũ quản trị điều hành, lãnh đạo cấp chi nhánh, phòng giao dịch.

Khảo sát tại các ngân hàng Việt Nam cho thấy, có 3 vị trí rất khó tuyển dụng hiện nay là quản trị rủi ro, quản lý và đầu tư. Tại Tp.HCM, nhu cầu nhân lực nhóm ngành tài chính - ngân hàng đến năm 2025 chiếm tỷ trọng 5% tổng số chỗ làm việc cần tuyển hàng năm (khoảng 15.000 lao động) trong đó trình độ đại học trở lên, cao đẳng chiếm tỷ lệ 80,4% nhu cầu tuyển dụng.

Theo ông Trần Anh Tuấn, dự báo, đến năm 2020 - 2025, nhu cầu nhân lực cấp cao ngành tài chính ngân hàng tăng 20%/năm. Do đó, các cơ sở đào tạo không đáp ứng yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực thì lực lượng lao động chất lượng cao trong ngành sẽ thiếu trầm trọng.

Công nghệ có làm nhân viên ngân hàng mất việc?

Bà Nguyễn Thị Tố Uyên, Phó Giám đốc khối nguồn nhân lực, Giám đốc nhân sự Ngân hàng thương mại Sacombank cho rằng: Để bắt kịp xu hướng công nghệ số, kinh doanh của ngân hàng phải thay đổi cả cách thức vận hành lẫn con người để bắt kịp xu thế và không bị ảnh hưởng tiêu cực từ xu thế công nghệ này.

Theo bà Uyên, công nghệ giúp ngân hàng hướng đến câu chuyện hoạt động hiệu quả hơn, tiết giảm được chi phí không đáng có. Từ đó, nguồn nhân lực sẽ tập trung vào khâu chăm sóc khách hàng, nghiên cứu ứng dụng mới để phát triển.

Nguồn nhân lực tài chính - ngân hàng có bị đe dọa bởi thời kì công nghệ số? - Ảnh 2.

Doanh nghiệp tài chính và các ngân hàng vẫn loay hoay với bài toán nhân sự: Thừa thì vẫn thừa, mà thiếu vẫn thiếu

“Theo tôi, người làm trong tài chính- ngân hàng không nên quá lo ngại công nghệ sẽ cướp mất công việc của mình. Công nghệ giúp cho những người làm trong lĩnh vực này bớt đi thời gian làm những việc thủ công, ví dụ như nhập liệu…chứ công nghệ, máy móc không hoàn toàn thay thế được con người”, bà Uyên nhấn mạnh.

Cùng quan điểm, ông Nguyễn Hải Triều, Giám đốc kinh doanh ngân hàng HSBC Việt Nam cho rằng, thực ra công nghệ chỉ giúp con người dễ dàng trong quyết định còn việc ngân hàng phát triển như thế nào là do con người. Tuy vậy, đối với các bạn sinh viên mới ra trường, để vào được các doanh nghiệp nước ngoài, có thể có cơ hội phát triển nhanh chóng thì hiểu biết công nghệ cực kì quan trọng.

“Công nghệ do còn người tạo ra, con người có thể học hỏi được mà không phải sợ rằng sẽ mất việc vì nó”, ông Triều chia sẻ.

Tuy công nghệ khó thay thế hoàn toàn con người nhưng theo các diễn giả có mặt tại hội thảo, việc chú trọng cho đào tạo nhân lực ngành tài chính ngân hàng trong các năm tới là rất quan trọng. Việc này đòi hỏi các trường phải nâng cao chất lượng đào tạo, ứng dụng tốt công nghệ trong đào tạo sinh viên, và kết nối tốt hơn với các ngân hàng để sinh viên có chỗ thực tập sớm khi còn đi học. Bên cạnh đó bản thân sinh viên cũng phải biết trau dồi các kĩ năng mềm để bắt kịp nhu cầu tuyển dụng của ngân hàng hiện tại.

Phương Nga

Cùng chuyên mục
XEM