Người Việt lười hay quản trị doanh nghiệp yếu?
Năng suất lao động của Việt Nam năm 2016 còn thấp hơn cả Lào. Vài năm trước, ta đã thua cả Campuchia...
Năng suất lao động của Việt Nam năm 2016 đạt 9.894 USD, rất thấp trong khu vực Đông Nam Á, thậm chí thấp hơn cả Lào là thông tin gây sốc được Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm cho biết tại Diễn đàn Phát triển Việt Nam (VDF) 2017.
Cần có sự phân tích cụ thể để trả lời câu hỏi sự chênh lệch này do hệ thống chính sách, cơ cấu kinh tế chậm chuyển dịch, cơ sở hạ tầng, do người Việt lười lao động hay do sự quản trị doanh nghiệp có vấn đề?
Người lao động Việt Nam làm việc cho các công ty nước ngoài thường được đánh giá năng suất lao động cao hơn thậm chí so sánh với cả người Nhật, năng lực chuyên môn và năng lực sản xuất không thấp, vậy điều gì đang diễn ra tại các doanh nghiệp nội địa? Làm sao để chúng ta có thể tinh gọn bộ máy, đảm bảo hiệu suất lao động cao, giảm giá thành sản phẩm để cạnh tranh trong một thế giới phẳng?
Hiện nay, mỗi năm các tập đoàn lớn trên thế giới bỏ ra chi phí khủng để huấn luyện làm việc nhóm cho các nhân sự, điều này cho thấy việc xây dựng và phát triển môi trường làm việc chung là cực kỳ quan trọng.
Môi trường làm việc và tinh thần làm việc đội, nhóm thường phụ thuộc vào trình độ quản trị và văn hóa doanh nghiệp. Xây dựng và phát triển được văn hoá doanh nghiệp tốt sẽ dẫn đến sự thay đổi ý thức, thái độ của nhân viên.
Ở trong một môi trường mà mỗi người luôn có vị trí mới tốt hơn để phấn đấu phát triển, cộng với hệ thống đánh giá năng lực khách quan sẽ khiến họ nỗ lực mỗi ngày. Ở đó, người lao động có thể “tự vận hành” giúp tinh giản bộ phận quản lý giám sát.
Khi đã xây dựng được môi trường tự vận hành, doanh nghiệp có thể tiết kiệm được rất nhiều chi phí, năng suất lao động tăng cao, nhân viên làm việc có tâm với sản phẩm mình tạo ra, giảm giá thành sản phẩm do hiệu suất, không còn phát sinh mâu thuẫn giữa các cá nhân và phòng ban.
Để làm được điều đó, các doanh nghiệp nhỏ có thể dễ thay đổi và thích ứng hơn. Còn các công ty lớn và tập đoàn chắc chắn cần rất nhiều thời gian, tâm sức.
Và quan trọng nhất, để tạo nên chuỗi phản ứng hiệu quả thì nơi khởi đầu cho một văn hóa lao động mới phải bắt nguồn từ các cơ quan Nhà nước.
Các cơ quan nghiên cứu phát triển nguồn nhân lực có thể là đơn vị đi đầu, nghiên cứu, xây dựng quy trình thay đổi, vận hành, sau đó chuyển giao để giúp doanh nghiệp thay đổi nhanh hơn (tương tự như các gói tư vấn ISO).
Một khi kích hoạt được tinh thần và ý chí tiềm ẩn của người Việt Nam, sức mạnh đánh tan đế chế Nguyên Mông, sức mạnh chiến thắng các cường quốc mạnh nhất thế giới sẽ giúp doanh nghiệp Việt trỗi dậy phát triển mạnh mẽ trong thương trường.
Ông Lý Quang Diệu từng phát biểu: “Nếu có vị trí số một ở Đông Nam Á thì đó phải là Việt Nam. Bởi, so sánh về địa chính trị, tài nguyên, con người, Việt Nam không thể xếp sau nước nào trong khu vực”. Có thể thấy tiềm lực của Việt Nam về cả tài nguyên, vị trí địa lý và con người đã rất tuyệt vời, cái chúng ta cần là một môi trường văn hoá kích hoạt được các tiềm năng ấy.