Người Việt lọt top 3.000 nhà khoa học ảnh hưởng nhất thế giới

01/12/2016 11:08 AM | Sống

“Với nhiều người, việc suy nghĩ ở lại nước ngoài hay trở về Việt Nam có thể là sự đấu tranh tư tưởng dữ dội nhưng với tôi là một vấn đề nhẹ nhàng, và trở về Việt Nam vẫn là ưu tiên số 1, bởi nơi ấy có ba mẹ, có gia đình, có đồng nghiệp và có những món ăn truyền thống tôi yêu thích…”- PGS-TS Nguyễn Xuân Hùng (40 tuổi) chia sẻ.


PGS-TS Nguyễn Xuân Hùng (giữa), người duy nhất của Việt Nam được 3 năm liên tiếp có tên trong danh sách hơn 3.000 nhà khoa học thế giới có ảnh hưởng.

PGS-TS Nguyễn Xuân Hùng (giữa), người duy nhất của Việt Nam được 3 năm liên tiếp có tên trong danh sách hơn 3.000 nhà khoa học thế giới có ảnh hưởng.

Về Việt Nam là ưu tiên số 1

PGS Hùng là người duy nhất của Việt Nam được 3 năm liên tiếp có tên trong danh sách hơn 3.000 nhà khoa học thế giới có ảnh hưởng trích dẫn cao của năm do trang web hcr.stateofinnovation.thomsonreuters.com, Thomson Reuters bình chọn.

PGS-TS Nguyễn Xuân Hùng hiện là giảng viên Khoa Xây dựng, trường Đại học Công nghệ TPHCM (HUTECH), kiêm Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Liên ngành CIRTech - Trực thuộc Viện công nghệ cao HUTECH.

Sinh ra ở Quảng Trị nhưng năm 1 tuổi, Hùng đã theo bố mẹ đi vào Bình Thuận lập nghiệp. Năm 20 tuổi, anh Hùng đỗ vào Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia TPHCM. Xác định bể học là vô biên và kiến thức là vô tận nên ngay từ khi vào TPHCM, Hùng luôn cố gắng, nỗ lực học tập đồng thời tìm kiếm cơ hội đi làm nghiên cứu sinh ở nước ngoài. Sau khi nhận bằng Tiến sỹ trong lĩnh vực cơ học tính toán tại Đại học Liège (Bỉ), anh cũng nghiên cứu trong lĩnh vực cơ học tại Singapore, Đức, Anh, Mỹ...

Năm 2010, PGS Hùng quyết định trở về Việt Nam làm việc và cống hiến.

Trở về Việt Nam, anh giảng dạy tại nhiều trường đại học như Giao thông Vận tải TPHCM, Đại học Khoa học Tự nhiên TPHCM, Đại học Tôn Đức Thắng, Đại học Việt - Đức và hiện là giảng viên Đại học Hutech TPHCM, kiêm Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu liên ngành tại trường.

Top 1% các nhà khoa học thế giới có ảnh hưởng trích dẫn cao

Nói về công việc hiện tại, PGS Hùng cho biết, mỗi năm anh chỉ làm việc 60-70% thời gian trong nước và thời gian còn lại là phải công tác ở nước ngoài. Việc đi công tác, ngoài làm chuyên môn, nghiên cứu, giảng dạy, ông còn kết nối với các nhà khoa học, các trường đại học trên thế giới để tìm học bổng cho sinh viên trong nước.

Việc sinh viên tự tìm học bổng sẽ gặp rất nhiều thách thức, xác suất thành công đôi khi thấp do phải cạnh tranh không chỉ với sinh viên trong nước mà còn với sinh viên quốc tế. “Dựa vào mối quan hệ quốc tế của cá nhân, ít nhiều tôi có thể giới thiệu được các em đến những địa chỉ tin cậy và chất lượng tốt để học tập”, PGS Hùng nói.

Một mục tiêu khác của PGS Hùng trong những chuyến đi nước ngoài còn là để tìm kiếm và đưa dự án về Việt Nam. Có dự án anh phải mất hơn 4 năm theo đuổi, đàm phán, nộp hồ sơ ứng tuyển đến 3 lần mới được chấp nhận, chẳng hạn như dự án liên quan đến môi trường của Bỉ và EU. “Hợp tác với nước ngoài mất rất nhiều thời gian và tốn kém tiền bạc nhưng đổi lại tôi học hỏi được nhiều điều rất quý giá từ cách làm việc nhóm hiệu quả đến ứng dụng thực tế các vấn đề nghiên cứu. Dù gặp rất nhiều khó khăn, nhưng tôi không từ bỏ vì tôi không cam lòng nhìn các dự án rơi về các nước bạn láng giềng trong khi nghiên cứu sinh của mình đang cần,...”, PGS Hùng chia sẻ.

Dựa trên việc kết hợp các học trò làm việc trong nước và ngoài nước thông qua các dự án nghiên cứu, anh liên tục cho ra đời hơn 100 bài báo quốc tế công bố trên các tạp chí ISI có hệ số trích dẫn cao… “Thành quả này là dựa trên sự cộng hưởng của một tập thể cả thầy và trò. Ở nửa vòng trái đất bên kia, khi tôi ngủ thì các học trò làm việc và khi tôi làm việc thì các trò ngủ nên có thể nói thời gian làm việc là 24/24. Đó là một trong số cách để có thể duy trì mạch nghiên cứu và công bố bài báo khoa học có chất lượng. Thành quả này còn là kết quả của sự thông cảm, chia sẻ, động viên và đồng lòng ủng hộ của ba mẹ, gia đình đối với công việc của tôi”, PGS Hùng nói.

Ngoài ra, PGS Hùng còn đảm nhiệm vị trí Phó tổng biên tập tờ báo khoa học “Asia Pacific Journal of Computational Engineering, APJCEN” bằng tiếng Anh với đội ngũ biên tập là các nhà khoa học uy tín trên thế giới. Nhiệm vụ của ông là phân loại, đánh giá, tìm chuyên gia phản biện… từ đó đưa ra đề xuất với Tổng biên tập về chất lượng bài báo trước khi quyết định đăng hay không.

Từ những kết quả trên, anh vinh dự nhận một số giải thưởng uy tín trong nước và quốc tế. Điển hình là giải thưởng Georg Forster Research Award của Quỹ Alexander von Humboldt (Đức), và vinh dự là lần thứ 3 liên tiếp có tên trong danh sách 1% các nhà khoa học thế giới có ảnh hưởng trích dẫn cao.

Giữa tháng 11/2016, Thomson Reuters đã công bố danh sách 3.266 nhà khoa học thuộc 21 chuyên ngành khoa học tự nhiên và khoa học xã hội có công bố mà hệ số trích dẫn cao (Highly Cited Papers). Danh sách các nhà khoa học thuộc 1% được trích dẫn nhiều nhất này được Thomson Reuters xác định dựa trên cơ sở các chỉ số khoa học cốt lõi (Essential Science Indicators ESI) của tổng số 128.887 bài báo có hệ số trích dẫn cao trong giai đoạn từ năm 2004 đến năm 2014. Mỗi công bố của các nhà khoa học được xếp hạng trong tốp 1% được tính theo sự phân bố của chỉ số ESI trong từng lĩnh vực và theo năm công bố. Năm nay, 5 người Việt vào danh sách nhà khoa học ảnh hưởng nhất thế giới. Trong đó, PGS.TS Nguyễn Xuân Hùng là người duy nhất đang công tác tại Việt Nam lần thứ ba có mặt.

Theo Nguyễn Dũng

Cùng chuyên mục
XEM