Người Việt được vinh danh trong giáo trình ĐH đào tạo đồ họa hàng đầu nước Mỹ

28/11/2016 10:51 AM | Công nghệ

Khi học đến bài Shading (tạm dịch là Đánh bóng) ở Đại học Utah, đứng trong top 5 ở Mỹ về ngành đồ họa, tôi rất bất ngờ khi giáo sư nhắc đến tên một người Việt Nam, Bùi Tường Phong.

Giới đồ họa có lẽ không ai là không quen thuộc với thuật ngữ "Phong shading". Đây là một kỹ thuật đổ bóng cho hình ảnh được tạo trên máy tính, giúp hình ảnh có tính chất ba chiều sát với thực tế.

Về căn bản, Phong shading là một thuật toán giúp chuyển các nguyên lý quang học như phản xạ và tán xạ thành một công thức để máy tính có thể mô phỏng yếu tố tự nhiên trong môi trường giả lập.

Đây là thuật toán tiên phong trong lĩnh vực đồ họa điện toán mà nếu không có nó, những chương trình nặng ký hiện nay như 3D Max, Maya, Cinema 4D, RenderMan... chưa chắc sẽ tồn tại.

Và cũng ít ai biết rằng, người tạo ra nền móng cho kỹ thuật đồ họa phản chiếu và tô bóng đa chiều chính là một người Việt Nam - tiến sĩ Bùi Tường Phong.

Hơn 40 năm sau khi tiến sĩ Bùi Tường Phong qua đời, ông luôn được ghi nhớ là người tạo nên bước ngoặt của ngành đồ họa điện toán.

Sau đây là góc nhìn của tác giả Nguyễn Hoàng Thanh về tiến sĩ Bùi Tường Phong, qua bài viết: "Người Việt xuất hiện trong giáo trình trường ĐH đào tạo đồ họa hàng đầu nước Mỹ", được đăng trên trang tin điện tử của Hội Kiến trúc sư Việt Nam.


Khi học đến bài Shading (tạm dịch là Đánh bóng) ở Đại học Utah, đứng trong top 5 ở Mỹ về ngành đồ họa, tôi rất bất ngờ khi giáo sư nhắc đến tên một người Việt Nam, Bùi Tường Phong.

Sự tò mò thôi thúc tôi tìm hiểu về Bùi Tường Phong.

Nhưng càng tìm tôi lại càng thất vọng vì thông tin về anh trong thư viện cũng như trên Internet quá khan hiếm, chủ yếu chỉ nói về công trình nghiên cứu của anh và thậm chí tên anh thường bị viết sai (sau này tôi mới biết được nguyên nhân là do anh mất quá sớm).

Tuy nhiên, tôi cũng nhận được những động viên khích lệ lớn từ thầy Peter Sherley, một giáo sư xuất sắc, tác giả của quyển sách nổi tiếng Nền tảng Đồ họa máy tính (Fundamental of Computer Graphics), cẩm nang cho những ai theo đuổi môn này.

Ông rất yêu quý và ngưỡng mộ Bùi Tường Phong. Ông hỏi tôi cách phát âm tên Bùi Tường Phong sao cho đúng, hỏi về cách đặt tên của người Việt Nam, ý nghĩa của những cái tên, và ông rất vui thích khi biết về những điều này.

Trường ĐH Utah nơi Bùi Tường Phong hoàn thành đề tài tiến sĩ năm 1973
Trường ĐH Utah nơi Bùi Tường Phong hoàn thành đề tài tiến sĩ năm 1973

Khi tôi thổ lộ muốn làm điều gì đó vì Bùi Tường Phong, thầy đã động viên và giới thiệu tôi với những bậc thầy, những bậc đàn anh trong ngành đồ họa máy tính mà xưa kia học cùng thời với Bùi Tường Phong.

Tôi có nhiều cuộc trò chuyện thú vị và bổ ích với những bậc tiền bối này và những hiểu biết của tôi về anh bắt đầu tăng lên… bắt đầu từ giáo sư Peter, giáo sư McDermott, giáo sư Sutherland, Jim Nate…

Phong Shading

Qua lời kể của giáo sư McDermott, khi còn là sinh viên ở Utah, trong một lớp học của giáo sư Sutherland, Phong, McDermott, Jim Clark và Raphael Rom đã xây dựng một trong những mô hình đầu tiên và đã trở thành biểu tượng về những hình ảnh được tạo ra bởi máy tính (computer graphics generated picture): chiếc xe con bọ VW bug rất được ngưỡng mộ và đánh giá cao trong các tạp chí chuyên ngành đồ họa.


Mô hình chiếc xe con bọ Volkswagen vẽ theo kỹ thuật Phong Shading

Mô hình chiếc xe con bọ Volkswagen vẽ theo kỹ thuật Phong Shading

Giáo sư McDermott nói đó là một trong những kỷ niệm thật sự đáng nhớ trong đời ông, trái tim mình như ấm lại khi nhắc đến người bạn xưa.

Giáo sư McDermott (hiện đang công tác ở Trung tâm High Performance Computing tại Đại học Utah) rất xúc động khi kể lại kỷ niệm cũ: "Mọi người quyết định chọn chiếc xe con bọ VW của giáo sư Sutherland làm biểu tượng này và thực hiện việc đo đạc trong ga-ra nhà giáo sư. Phong nhỏ con thì đo phần thân xe, ông cao to hơn thì đo phần nóc xe. Mọi người làm việc rất vui vẻ và nhiệt tình".

Giáo sư Ivan Sutherland (Phó chủ tịch của Sun Microsystems, giáo sư thỉnh giảng của trường đại học UC Berkeley) nhớ lại: "Phong là người học trò rất thông minh, tốt bụng và khiêm tốn".

Ông còn nhớ một câu nói của Phong: "Tôi không mong muốn thể hiện mọi vật một cách chính xác như chính nó trong thế giới thật, tôi chỉ mong muốn thể hiện nó một cách gần giống với một độ chính xác chấp nhận được mà thôi".

Tuy nhiên, những gì anh làm đã khắc một cột mốc quan trọng lịch sử ngành đồ họa máy tính. Phong shading là một phương pháp nội suy trong đồ họa 3D để tính ra giá trị màu của một điểm bất kì trên bề mặt vật thể bằng cách nội suy giá trị màu và vector pháp tuyến từ giá trị màu và vector pháp tuyến tại các đỉnh của đa giác.

Với Phong shading, chất lượng và độ phân giải của ảnh phản chiếu (specular reflections) cải thiện đáng kể so với các phương pháp khác như: Gouraud shading, Flat shading...


So sánh giữa Flat shading và Phong shading

So sánh giữa Flat shading và Phong shading

Phong đã hoàn thành đề tài tiến sĩ của mình rất sớm bởi anh biết mình bệnh nặng và sẽ không qua khỏi. Thật đáng thương và đáng khâm phục!

Giáo sư David C. Evans, giáo sư Ivan Sutherland và những sinh viên cùng thời của anh như James H. Clark, Franklin C. Crow, George Randall, Dennis Ting và John Riley là những người được Phong gửi lời tri ân, những người đã gắn bó, giúp đỡ và động viên anh trong suốt khoảng thời gian đó.

Khi tìm hiểu về Phong, tôi đã quen với Zim Nate, một người bạn trên mạng Myspace. Zim là một chuyên gia chuyên về thiết kế các mô hình cho xe hơi.

Zim tuyên bố sẵn sàng nói chuyện với bất kỳ ai biết được Bùi Tường Phong là ai. Zim và đồng nghiệp của anh, những người rất nể phục Phong, đã thật sự ấn tượng và xúc động khi nghe tôi kể về câu chuyện của Phong…

Chắc chắn sẽ còn nhiều câu chuyện về Phong nữa. Tôi thật sự muốn làm điều gì đó ý nghĩa và trọn vẹn cho con người Việt Nam tài hoa bạc mệnh này cũng như đáp lại sự mong mỏi và nhiệt tình của thầy Peter ngoài việc làm thầy hài lòng về kết quả học tập của tôi.

Bùi Tường Phong sinh ngày 14.12.1942 tại Hà Nội.

Sau đó, ông học Trường trung học Albert Sarraut, nay là Trường THPT Trần Phú - Q.Hoàn Kiếm. Ngôi trường này cũng là nơi ươm mầm của nhiều nhân vật nổi tiếng như: Đại tướng Võ Nguyên Giáp, cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng, cố Tổng bí thư Trường Chinh, Giáo sư Hoàng Xuân Hãn...

Năm 1964, ông sang Pháp và theo học tại Viện Đại học quốc gia bách khoa Grenoble. Sau khi tốt nghiệp ngành khoa học tại Grenoble, ông Phong tiếp tục theo học tại Trường ENSEEIHT chuyên về kỹ thuật công nghệ.

Năm 1971, ông Bùi Tường Phong chuyển sang nghiên cứu về ngành khoa học máy tính tại ĐH Utah, Mỹ. Hai năm sau, ông nhận học vị tiến sĩ tại ĐH Utah. Năm 1975, ông trở thành giáo sư của Đại học Stanford lừng danh. Tiếc thay, cũng trong năm này, ông qua đời vì bệnh ung thư bạch cầu.

Về đời sống cá nhân, ông lập gia đình vào năm 1969 tại Pháp và có một con gái.

Cùng chuyên mục
XEM