Người Việt chúng ta sẽ phải "oằn lưng" trả nợ vào năm 2022-2025
Các điều khoản phải trả nợ nhanh và tăng lãi suất có thể tác động gây “sốc” cho ngân sách trong việc thu xếp các khoản nợ trong thời gian tới.
Mới đây, Bộ Tài chính vừa có thông báo về việc World Bank sẽ chấm dứt ưu đãi ODA với Việt Nam từ tháng 7/2017 . Theo đó, nguồn vốn ODA đã vay chuyển sang điều khoản trả nợ nhanh gấp đôi hoặc tăng lãi suất lên từ 2% - 3,5%.
Ông Trương Hùng Long, Cục trưởng Cục quản lý nợ và tài chính quốc tế (Bộ Tài chính) cho biết, khi tính toán dòng tiền và từng khoản nợ hiện nay của Việt Nam, thời điểm phải trả nhiều nhất sẽ vào năm 2022 – 2025. Có nghĩa là từ nay đến 2020 chưa phải trả nhiều.
Khi trả lời báo chí về con số nợ công phải trả cho đến thời điểm 2020 là bao nhiêu, ông Long cho biết tại thời điểm hiện nay rất khó để khẳng định con số thực tế.
Qua hơn 20 năm, Việt Nam đã thu hút gần 78 tỷ USD vốn ODA, bình quân 3 tỷ USD/năm. Nguồn vốn này đã góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam.
Tuy nhiên, sau khi ưu đãi ODA chấm dứt, các điều khoản phải trả nợ nhanh và tăng lãi suất có thể tác động gây “sốc” cho ngân sách trong việc thu xếp các khoản nợ trong thời gian tới.
Bởi thời kỳ trước năm 2010, chúng ta đi vay với thời hạn vay bình quân khoảng 30 – 40 năm, chi phí vay 0,7 – 0,8%/năm, bao gồm thời gian ân hạn. Nhưng kể từ 2011 đến nay (khi Việt Nam trở thành quốc gia có thu nhập trung bình), thời gian vay bình quân chỉ còn từ 10 – 20 năm, với chi phí vay khoảng 2%/năm trở lên.
Với yêu cầu đặt ra khi kết thúc ODA là phải trả nợ nhanh thì bình quân thời gian vay nợ các khoản nợ công chỉ còn 12,5 năm. Hiện tại, khoản vay có thời gian dài nhất hiện nay của Việt Nam là đến năm 2055.
Tuy nhiên, chưa cần tính đến thời điểm sau năm 2017 hay sau năm 2020, thì ODA vốn không phải là tiền cho không. Đó vẫn là tiền vay, kể cả vay ưu đãi cũng phải trả nợ. ODA cũng không phải không có rủi ro, nhất là rủi ro tỷ giá. Nếu đồng tiền chúng ta vay tăng giá so với VNĐ, thì vốn ODA bằng đồng tiền đó chúng ta xử lý thế nào?
Bộ Tài chính cho biết đã phối hợp cùng các cơ quan liên quan để có chương trình làm việc, đàm phán với Ngân hàng Thế giới (WB) và các tổ chức khác. WB cũng cam kết với Việt Nam đưa ra phương án để đảm bảo tránh tác động đến nghĩa vụ nợ của Việt Nam.
“Hiện đàm phán này chưa đến hồi kết, mỗi phương án đặt ra cách thức trả nợ và tốc độ trả nợ khác nhau, điều kiện khác nhau, hoặc là giãn thời gian, hoặc tăng chi phí. WB hiện chiếm tới gần 30% khoản vốn vay, nếu đàm phán có lộ trình tốt thì đàm phán với các đối tác khác cũng sẽ thuận lợi hơn” – ông Long cho biết.
Gánh nặng nợ công trước khi mất ưu đãi ODA
Tại Báo cáo đánh giá bổ sung tình hình thực hiện Ngân sách Nhà nước năm 2015 tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 7/3/2016, Bộ Tài chính cho biết, tính đến ngày 31/12/2015, số nợ công của Việt Nam đã ở mức 62,2%. Nợ Chính phủ ở mức 50,3% (vượt giới hạn cho phép là 0,3%GDP), nợ nước ngoài của quốc gia ở mức 43,1%GDP và nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ ở mức 16,0% tổng thu ngân sách nhà nước.
Chính phủ vẫn luôn khẳng định sẽ giữ nợ công ở dưới 65% GDP và giữ thâm hụt ngân sách ở mức dưới 5%/năm.
Theo Báo cáo Việt Nam năm 2035 do Ngân hàng Thế giới (WB) và Chính phủ Việt Nam phối hợp thực hiện trước đã chỉ rõ: Nợ công là vấn đề lớn đối với tăng trưởng và phát triển của Việt Nam trong thời gian tới.