“Người trong cuộc” FastGo lên tiếng về vụ Vinasun kiện Grab

16/11/2018 08:34 AM | Kinh doanh

Công ty cổ phần FastGo vừa có công văn gửi TAND TP.HCM lên tiếng về vụ kiện giữa Grab và Vinasun. Văn bản nhằm cung cấp, làm rõ thông tin về hoạt động của các công ty công nghệ trong lĩnh vực vận tải, phía FastGo cho biết.


Tại văn bản này, FastGo cho biết “Không bình luận việc Grab có phải là công ty kinh doanh vận tải hay không mà chỉ tập trung phân tích làm rõ các khía cạnh công nghệ và dịch vụ mà các bên đang tranh cãi về việc mô hình của Grab và các công ty gọi xe khác có là trung gian môi giới kết nối các chuyến đi hay không.”

“Căn cứ trên thực tế hoạt động của Grab hiện nay, rõ ràng đây không phải là mô hình công ty công nghệ thuần tuý, cũng không phải hoàn toàn mang tính chất môi giới kinh doanh như các ứng dụng gọi xe khác”, FastGo khẳng định.

Các lý do được nêu ra cụ thể là ở giá cước, thanh toán, cách điều hành cuốc khách.

Cụ thể, phía FastGo cho rằng: Grab chính là đơn vị quyết định giá cước chuyến đi theo thời điểm (mô hình Surge Price) dựa trên các thuật toán mà có thời điểm giá cước có thể tăng cao 3-5 lần so với thông thường, giá cước này các tài xế hoàn toàn không biết trước mà chỉ hiển thị cho khách hàng khi đặt xe.

Nếu đơn thuần chỉ là trung gian môi giới thì giá cước phải do bên bán (là tài xế) quyết định theo nguyên lý thị trường, vì vậy với cách tính giá cước này Grab không đơn thuần là trung gian môi giới.

Đơn vị này cũng nêu ra hai ví dụ về các nền tảng kinh doanh 4.0 lớn đang hoạt động trên thế giới như AirBnB, Amazon hay AppStore... giá cả sản phẩm dịch vụ đều do chủ tài sản và người cung cấp dịch vụ quyết định.

Trường hợp này là Grab bán dịch vụ vận chuyển cho khách hàng trước và hưởng doanh thu về công ty, sau đó thuê tài xế để cung cấp dịch vụ cho khách hàng, trả cho tài xế một phần phí khoảng 70% phí thu được của khách hàng.

Đối chiếu với FastGo, giá cước do tài xế quyết định theo một thoả thuận và thống nhất ban đầu với FastGo và chỉ một giá duy nhất theo quãng đường. Ngoài ra hành khách có thể thưởng thêm cho tài xế theo ý muốn tuỳ theo nhu cầu và chất lượng phục vụ, FastGo không kinh doanh trực tiếp và hưởng lợi từ doanh số do việc cung cấp dịch vụ mang lại.

Trong khi đó, hệ thống điều hành cuốc khách của Grab là chỉ định các lái xe phục vụ yêu cầu gọi xe của khách hàng. Trong trường hợp không nhận khách với một tỷ lệ nhất định, tài khoản của đối tác lái xe sẽ bị khoá và không được hoạt động. Còn tại FastGo, khi có yêu cầu gọi xe của khách hàng, tất cả các đối tác lái xe trong bán kính nhất định đều được nhận thông tin và được quyền quyết định có phục vụ hay không

FastGo cũng nêu thêm 2 lý do nữa khiến Grab không đơn thuần là một công ty công nghệ đó là vấn đề về thanh toán. Theo đó, ứng dụng gọi xe này cho rằng Grab cũng không đơn thuần chỉ là trung gian thanh toán giữa tài xế và khách hàng khi chưa thanh toán theo mô hình ví điện tử như hiện nay.

Trong khi đó, ứng dụng này cũng cho rằng Grab đang có dấu hiệu độc quyền khi o bế không cho các đối tác lái xe được phép sử dụng ứng dụng của bất kỳ bên thứ 3 nào để giữ vị trí độc quyền, ngăn cản sự phát triển của các doanh nghiệp mới và cơ hội tăng thêm thu nhập của các đối tác lái xe, trong khi đó Grab không hề đảm bảo bất kỳ khoản thu nhập tối thiểu nào cho các đối tác lái xe.

"Là một đơn vị cung cấp giải pháp trong lĩnh vực vận tải mong muốn kết nối, cung cấp công nghệ cho tất cả các hãng taxi truyền thống và xe cá nhân, thông qua vụ việc của Vinasun kiện Grab đã giúp làm sáng tỏ nhiều vấn đề pháp lý trong hoạt động kinh doanh vận tải, giúp chúng tôi điều chỉnh các hoạt động để phù hợp với các quy định pháp luật hiện nay. Vì vậy, chúng tôi mong muốn thông qua sự việc này, các cơ quan quản lý nhà nước có các quyết định và điều chỉnh các nghị định phù hợp, để các doanh nghiệp yên tâm hoạt động theo các quy định của pháp luật Việt Nam", đại diện FastGo cho biết thêm.

Theo Duy Vũ

Từ khóa:  grab
Cùng chuyên mục
XEM