Người trẻ Trung Quốc đua nhau mở quán cà phê để khởi nghiệp

05/09/2022 11:19 AM | Kinh doanh

Việc mở một quán cà phê tại Trung Quốc đang được xem như một con đường tắt để hiện thực hóa ước mơ khởi nghiệp do chi phí ban đầu không quá lớn.

Cà phê đang trở thành thức uống được đặc biệt ưa chuộng tại Trung Quốc - quốc gia từ lâu vốn đã thấm nhuần văn hóa trà đạo. Khảo sát của một công ty tư nhân hồi năm 2021 cho thấy Thượng Hải là thành phố có tổng số cửa hàng cà phê lớn nhất thế giới: 6.913, tức vượt qua cả Tokyo và London.

Starbucks đã mở Reserve Roastery, một cửa hàng cà phê hiện đại được trang bị máy rang riêng tại Thượng Hải vào năm 2017. Blue Bottle Coffee cũng mở cửa hàng đầu tiên tại Trung Quốc đại lục vào đầu năm nay.

Theo một báo cáo được công bố vào năm 2021 của công ty kiểm toán quốc tế Deloitte, một người Trung Quốc uống trung bình 9 tách cà phê mỗi năm, kém xa so với tần suất dùng cà phê tại Hàn Quốc (367 cốc) và Mỹ (329 cốc). Dẫu vậy, phía các chuyên gia vẫn dự báo thị trường cà phê Trung Quốc có thể bùng nổ và chạm mốc 180,6 tỷ nhân dân tệ (26 tỷ USD) vào năm 2023. Vậy điều gì đã thúc đẩy bước chuyển mình mới này trong thị hiếu người dân đại lục?

Câu trả lời đến từ chính tư duy của những người trẻ Trung Quốc - những người mang hy vọng hiện thực hóa "giấc mơ Trung Hoa" bằng cách điều hành một quán cà phê của riêng mình. Anh Song Weizhe, sinh năm 1993, là một ví dụ điển hình. Hồi năm 2017, anh mở quán cà phê mang tên Bưu điện tại thành phố Thượng Hải. Quán cà phê này trước đây từng là một sạp báo, với diện tích vỏn vẹn chỉ 1 m2.

Người trẻ Trung Quốc đua nhau mở quán cà phê để khởi nghiệp - Ảnh 1.

Blue Bottle Coffee đã mở cửa hàng đầu tiên tại Trung Quốc đại lục vào đầu năm nay.

Trước đây, nghe lời bố, anh Song miễn cưỡng nhận một công việc trang trí nội thất song không hề tìm thấy niềm hứng thú. Sau khi nghỉ việc, anh bắt đầu vào làm cho một cửa hàng bánh ngọt và bị cuốn hút bởi hương vị cà phê trong lần thưởng thức đầu tiên. Điều này thôi thúc anh mở một quán cà phê, với khoản vốn 30.000 nhân dân tệ (4.300 USD).

Bưu điện nhanh chóng được chú ý tại Trung Quốc, với danh xưng là quán cà phê nhỏ nhất thế giới. Rất đông các thực khách sẵn sàng xếp hàng dài bên ngoài chỉ để thưởng thức ly cà phê thơm ngon, bất chấp việc họ không có chỗ ngồi thoải mái.

"Một chuỗi quán cà phê lâu đời ở Thượng Hải đã đề xuất mua lại cửa hàng của tôi", anh Song nói.

Sau khi chuyển đến địa điểm mới và đóng cửa cửa hàng khi hợp đồng thuê nhà hết hạn, Song Weizhe hiện đang giúp việc tại quán cà phê của một người bạn và chuẩn bị mở một cửa hàng mới. Ước mơ của anh là có 3 quán cà phê và có 1 chiếc xe van bán hàng di động.

Một ví dụ khác về câu chuyện đầu tư cà phê ở Trung Quốc là anh Han Yulong, nhà sáng lập chuỗi startup Manner Coffee. Anh bắt đầu sự nghiệp kinh doanh với chiếc quán chỉ vỏn vẹn 2 m2 trong một con hẻm phía sau của khu mua sắm ở Thượng Hải. Sau một thời gian, anh Han thành công trong việc mở rộng chuỗi kinh doanh trên toàn quốc. Quán cũng nhận được khoản đầu tư từ Meituan và ByteDance vào năm 2021.

Người trẻ Trung Quốc đua nhau mở quán cà phê để khởi nghiệp - Ảnh 2.

Việc mở một quán cà phê tại Trung Quốc đang được xem như một con đường tắt để hiện thực hóa ước mơ khởi nghiệp do chi phí ban đầu không quá lớn.

Manner Coffee sau đó trở thành một kỳ lân (startup chưa niêm yết trị giá hơn 1 tỷ USD), đồng thời trở thành hình ảnh đại diện cho ngành công nghiệp cà phê bùng nổ ở Trung Quốc. Cũng có tin đồn xoay quanh việc Manner Coffee đang lên kế hoạch phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO).

Theo Nikkei Asia, tại Trung Quốc, tỷ lệ thất nghiệp của người trẻ trong độ tuổi từ 16 đến 24 ở mức 19,3% trong tháng 6, một kỷ lục mới vừa được xác nhận. Nhiều sinh viên tốt nghiệp đại học không xin được việc làm chỉ biết mòn mỏi chờ đợi vận may.

Với khoảng cách thu nhập ngày càng gia tăng do giá bất động sản tăng vọt, nhiều người trẻ đang cảm thấy bất lực do thiếu kỹ năng và trình độ học vấn cao. Việc mở một quán cà phê, theo đó, giống như một con đường tắt để thực hiện ước mơ do chi phí ban đầu không quá lớn.

Tuy nhiên, không phải ai cũng thành công như Manner Coffee. Nhiều quán cà phê không còn lựa chọn nào khác ngoài việc ngậm ngùi đóng cửa sau một thời gian hoạt động không lãi.

Luckin Coffee, chuỗi cửa hàng cà phê tưởng chừng như sẽ thống trị không chỉ tại thị trường Trung Quốc mà còn cả ở Mỹ, là một minh chứng. Được thành lập từ tháng 10/2017, sự phát triển của Luckin Coffee được ví như một điều thần kỳ. Chỉ 2 năm sau khi thành lập, cổ phiếu được niêm yết trên sàn NASDAQ Mỹ với mức giá giao dịch 17 USD/cổ phiếu ngay trong ngày đầu tiên. Luckin Coffee cũng là chuỗi cà phê đầu tiên vượt qua Starbucks về số lượng cửa hàng tại Trung Quốc, với mục tiêu sở hữu 10,000 cửa hàng vào cuối năm 2021.

Người trẻ Trung Quốc đua nhau mở quán cà phê để khởi nghiệp - Ảnh 3.

Sau khi bị lật tẩy những thủ đoạn làm đẹp báo cáo tài chính, Luckin Coffee bị hủy niêm yết vào năm 2020.

Tuy nhiên, sau khi bị lật tẩy những thủ đoạn làm đẹp báo cáo tài chính, Luckin Coffee bị hủy niêm yết vào năm 2020. Tính đến tháng 4/ 2020, cổ phiếu thương hiệu này mất hơn 80% giá trị sau khi đại diện công ty thừa nhận đã khai khống doanh thu và lừa dối nhiều nhà đầu tư trong một thời gian dài về khả năng phát triển. Sự sụp đổ bất ngờ của Luckin gây ra cú sốc lớn, cho cả các quỹ đầu cơ, quỹ tương hỗ, hưu trí, cũng như các nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ.

Cái giá phải trả quá cao vì bản thân Luckin đã nóng vội trong việc phát triển và đáp ứng kỳ vọng của các nhà đầu tư. Làn sóng đầu tư quán cà phê mới ở Trung Quốc được thúc đẩy bởi những giấc mơ Trung Hoa, theo đó, được cho là phản ánh chính nền kinh tế nước này, một quốc gia không ngừng phát triển nhưng ẩn chứa bên trong nhiều rối ren.

Theo: Nikkei Asia, Reuters 

Startup đầu tiên tại Việt Nam nhận đầu tư từ quỹ đầu tư quy mô 3 tỷ USD GSR Ventures


Vũ Anh

Từ khóa:  cà phê
Cùng chuyên mục
XEM