Người trẻ ngày nay mắc thói quen khiến cho cả một thế hệ phải đeo kính dày cộp
Thói quen này dám chắc bạn chưa bao giờ được nghe đâu.
Sẽ không phải nói quá nếu chúng ta chia ra hai loại người trong xã hội, đó là những người đeo kính cận và phần còn lại của thế giới. Nhưng tại sao số người bị cận giờ lại nhiều đến vậy, và lại có xu hướng ngày càng tăng.
Thế hệ 4 mắt đang xâm chiếm thế giới
Cần nói rõ rằng, các bệnh về mắt khiến con người phải đeo kính có nhiều loại khác nhau, nhưng cận thị là nguyên nhân phổ biến nhất, gần như đã trở thành một đại dịch thời hiện đại.
Theo suy nghĩ thông thường, chúng ta thường cho rằng người bị cận thị là do gene, hoặc thuộc về phe mọt sách, nghiện game. Tuy nhiên, theo nghiên cứu mới đây đăng trên tạp chí JAMA Ophthalmology thì một nguyên nhân quan trọng không kém, rất nhiều người mắc nhưng lại ít được chú ý, đó là việc dành ít thời gian hoạt động ngoài trời.
Làm "sâu lười" có hại lắm nha các chế
Cụ thể, các nhà khoa học đã phỏng vấn 371 người cận thị và 2.797 người không cận thị sống tại các quốc gia châu Âu, gồm Pháp, Na Uy, Estonia, Ý, Hy Lạp, Tây Ban Nha, và Anh.
Họ được tiến hành kiểm tra thị lực và thu mẫu máu để xác định nồng độ vitamin D, bởi các nghiên cứu trước đây chỉ ra có sự liên kết giữa nồng độ vitamin D cao trong máu với nguy cơ mắc cận thị dạng nhẹ.
Nhóm chuyên gia cũng hỏi người tham gia về trình độ giáo dục, chế độ ăn, lịch sử y tế, và đặc biệt thời gian các thánh đi ra ngoài, tức lúc Mặt trời còn mọc, từ khi 14 tuổi cho đến hiện tại.
Sau đó, thông tin về thời gian "hưởng nắng" và tọa độ nơi ở của từng người sẽ được dùng để tính ra mức độ tiếp xúc với bước sóng ánh sáng mà họ có thể hấp thu.
Kết quả cho thấy những người khi còn trẻ tiếp xúc với tia UVB (tia tử ngoại sóng trung có bước sóng 315-280 nm, có tác dụng giúp chúng ta tổng hợp Vitamin D vào sáng sớm) thì ít bị cận thị hơn hẳn. Trong khi đó, những người tiếp xúc với mức độ thấp thì ngược lại.
Mức độ UVB mà một người có thể tiếp xúc có liên quan mật thiết tới thời gian người đó được phơi dưới ánh sáng tự nhiên. Điều này phù hợp với nghiên cứu vào năm 2015 tại Trung Quốc.
Thời điểm đó, các chuyên gia phát hiện ra trẻ em chơi ngoài trời nhiều thì ít có nguy cơ phát triển cận thị 23% so với trẻ thường xuyên ru rú trong nhà.
Dù cơ chế tác động của tia UVB lên “cửa sổ tâm hồn” của chúng ta vẫn chưa được hiểu rõ, nhưng kết quả từ những nghiên cứu trước cũng cho thấy việc một số tia trong ánh sáng Mặt trời có tác dụng kích thích sự hoạt hóa các tế bào nhất định trong mắt.
Ngoài ra, chúng có tác dụng điều hòa quá trình phát triển của mắt, và đặc biệt gây ảnh hưởng đến khả năng cận thị.
Vì vậy, hãy thôi việc cứ “ru rú” trong bốn bức tường và nhanh chân bước ra ngoài nào, để có thể mở rộng tầm mắt theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng bạn nhé!