Người sắm xe chạy Uber lo lắng
Là chủ nhà hàng ăn uống tại TP.HCM, chị Thanh Nhàn “với tay” mua hai chiếc ôtô để chạy Uber. Khá nhiều người cũng làm thế vì loại hình kinh doanh này đơn giản, có xe nhàn rỗi là đưa vào kinh doanh để kiếm thêm.
Dòng xe nhỏ gọn được nhiều người chọn để chạy Uber (ảnh chụp tại một salon ôtô trên đường Nguyễn Văn Trỗi, Q.Phú Nhuận, TP.HCM) - Ảnh: Q.ĐỊNH
Giới bán ôtô cho biết gần đây ước khoảng 60% dòng xe này được mua để kinh doanh Uber và Grab taxi. Những dòng xe phân khúc từ trung bình trở xuống được chọn mua nhiều nhất vì có ưu thế giá thấp, dễ thu hồi vốn.
Đầu tư dàn xe để chạy Uber
Tại một showroom ôtô trên đường Nguyễn Văn Trỗi (Q.Phú Nhuận, TP.HCM), trưởng bộ phận bán hàng tại đây cho biết giới đầu tư Uber, Grab taxi tập trung chủ yếu vào dòng xe có giá mềm từ dưới 400 triệu đến 800 triệu đồng. “Chúng tôi liên kết với các ngân hàng để người đầu tư có thể vay vốn mua xe” - ông nói.
Theo đó, khách hàng chỉ cần 150 triệu đồng là có thể đầu tư một chiếc xe để chạy Uber, Grab taxi, số tiền còn lại ngân hàng sẽ tài trợ vốn vay với các khoản cho vay trên 70% giá trị xe.
Ngoài ra các showroom còn ưu đãi cho khách hàng mua với số lượng lớn, có chương trình hỗ trợ giá riêng, đặc biệt là ưu đãi các chương trình chăm sóc sau bán hàng.
Như chị Thanh Nhàn, giữa năm 2015 chị đưa chiếc xe 7 chỗ chạy dịch vụ Uber. Thấy làm ăn được nên sau đó chị mua thêm một chiếc nữa chạy dịch vụ này.
“Công việc nhà hàng của tôi cần xe nhưng không sử dụng hết thời gian nên những lúc xe rảnh rỗi tôi lại cho tài xế chạy Uber để kiếm thêm thu nhập” - chị nói.
Việc tận dụng xe nhàn rỗi đang đưa về cho bà chủ nhà hàng này mỗi tháng một khoản tiền, sau khi khấu hao xăng xe, tiền tài xế cũng còn hơn 10 triệu đồng/tháng, theo lời chị Thanh Nhàn.
Bài bản hơn, ông Nguyễn Văn Sơn - vốn là một nhà đầu tư bất động sản tại TP.HCM - đầu tư hẳn một dàn xe gần 20 chiếc vừa chạy Uber vừa chạy Grab taxi. Theo ông, khai thác tối đa thì mỗi xe đạt tới doanh thu 30-40 triệu đồng/tháng.
Đại diện Hãng ôtô Trường Hải (Thaco) cho biết tổng doanh số bán hàng sáu tháng đầu năm của hãng này đạt 53.127 xe, trong đó xe du lịch đạt 28.031 xe.
Theo đó, số lượng xe bán cho khách chạy dịch vụ Uber và Grab chiếm 60% tổng doanh số xe KIA tại thị trường TP.HCM.
“Cứ 10 xe KIA Morning EX MT và KIA Rio MT bán ra thì có 6 xe được bán cho Uber và Grab, chiếm khoảng 10% trên tổng doanh số xe KIA tại thị trường TP.HCM” - đại diện Thaco cho biết.
Chần chừ khi nghe tin đóng thuế
Dù phát sinh lợi nhuận nhưng các chủ xe và cả nơi cung cấp dịch vụ Uber ở Hà Lan vẫn chưa đóng một đồng thuế nào cho phía Việt Nam.
Thời gian gần đây, sau thông tin phía Bộ GTVT đưa ra một số quy định tăng cường quản lý hoạt động của các loại xe kinh doanh vận tải hành khách công cộng sử dụng công nghệ mạng cùng với việc Bộ Tài chính đưa ra dự thảo quy định về việc thu thuế khiến cho giới đầu tư trong lĩnh vực này - chủ yếu là người có xe chạy Uber - không khỏi lo lắng.
Nhiều chủ xe cho rằng nếu các quy định này được áp dụng thì cũng có rủi ro cho giới đầu tư “taxi tân thời”. Thế nhưng việc thu thuế của xe chạy dịch vụ Uber không phải là dễ do những “cù nhầy” của nhà cung cấp dịch vụ này.
Ông Nguyễn Văn Phi - một nhà đầu tư - cho biết đã lập công ty có cả chục chiếc xe, trong đó có phần hùn hạp của bạn bè để chạy Uber hoặc Grab taxi. Hiện các xe chạy Grab đã đóng thuế và đăng ký các thủ tục theo quy định của ngành GTVT.
Tuy nhiên, xe chạy Uber vì chưa có bất cứ hướng dẫn và quy định nào về thuế nên chưa thể thực hiện. “Uber chưa có hướng dẫn gì, nếu có chúng tôi sẽ thực hiện” - ông Phi nói.
Dù vậy, ông Phi cũng cho biết nếu phải đóng thuế thì chắc chắn những chủ xe như ông sẽ bị ảnh hưởng nhiều vì đóng thuế, lợi nhuận sẽ giảm đi.
Chị Thanh Nhàn cho biết: khi đăng ký dịch vụ Uber có cho tập huấn và yêu cầu phía chủ xe phải cung cấp hợp đồng đăng ký thiết bị giám sát hành trình mới ký hợp đồng.
“Tuy nhiên có tình trạng rất nhiều chủ xe không thực hiện các yêu cầu này mà chạy “lụi” để giảm các chi phí, tăng lợi nhuận” - chị Nhàn nói.
Trong hai chiếc xe của chị, chỉ có một chiếc lắp thiết bị giám sát hành trình và lắp phù hiệu xe hợp đồng theo quy định.
“Nhiều khách hàng muốn xe Uber phải giống xe riêng. Có khi lên xe họ yêu cầu tài xế phải cất phù hiệu và những thứ liên quan bị nhận diện là... xe thuê” - chị nói.
Cũng như những người đầu tư Uber khác, chị Nhàn nói “hiện nay chưa nghe phía Uber Việt Nam thông tin gì về việc thu thuế, chỉ thấy các thông tin về khuyến mãi chạy xe mà thôi”.
Chị có ý định đầu tư thêm một chiếc xe để chạy Uber nhưng do có thông tin phải nộp thuế nên chị đang “suy nghĩ lại” vì phải đo đếm rủi ro thị trường sau khi chính sách ban hành.