Người phụ nữ Việt lấy chồng Ai Cập, biến đất sa mạc Sahara thành trang trại 120 ha, thu hàng triệu USD/năm

02/12/2020 14:31 PM | Kinh doanh

Từ vay nợ, đôi vợ chồng Việt Nam - Ai Cập đã mua được nhà, sắm ô tô, có cuộc sống sung túc hơn và tiếp tục thực hiện nhiều dự định mới để khai thác tiếp những phần đất còn lại.

Câu chuyện phụ nữ Việt lấy chồng ngoại quốc từ xưa đến nay không hiếm, nhưng chủ yếu là Đài Loan, Hàn Quốc,... thay vì các quốc gia, vùng đất xa xôi như Ai Cập. Câu chuyện của chị Hoàng Thị Bích Liên là một trường hợp hiếm có như thế.

Quê gốc ở huyện Sóc Sơn, Hà Nội, chị Liên rời gia đình, theo chân bạn bè sang buôn bán tại Hungary vào năm 1997. Ban đầu, người phụ nữ này chỉ có ý định làm ăn vài năm, tích lũy ít vốn rồi trở về Việt Nam sinh sống chứ chưa từng nghĩ một ngày mình sẽ làm dâu tại vùng đất xa xôi này.

Vậy mà mọi chuyện thay đổi khi chị Liên gặp chàng trai trẻ người Ai Cập - Fahim, kém chị 5 tuổi. Anh chàng nhanh chóng xiêu lòng trước vẻ đẹp phúc hậu của người phụ nữ Á Đông. Tình yêu chân thành của Fahim đã giúp cả hai vượt qua rào cản về ngôn ngữ, văn hóa, tôn giáo và cả tuổi tác để đến với nhau.

Người phụ nữ Việt lấy chồng Ai Cập, biến đất sa mạc Sahara thành trang trại 120 ha, thu hàng triệu USD/năm - Ảnh 1.

Anh Fahim

Năm 1998, chị Liên và anh Fahim tổ chức lễ cưới tại thánh đường Hồi giáo ở Hungary. Đến năm 2003, hai người quyết định trở về quê hương của chồng tại tỉnh Kafr el-Sheikh (Ai Cập) để sinh sống và tự lập nghiệp. Đây là một trong những vùng đất khô cằn thuộc loại bậc nhất tại quốc gia Bắc Phi này, với lượng mưa trung bình hàng năm chỉ vẻn vẹn 2 milimét.

Anh Fahim cũng đón người con trai riêng của chị Liên ở Việt Nam - khi ấy mới 7 tuổi, sang chung sống cùng để vợ đỡ buồn và không cảm thấy lạc lõng nơi xứ người.

Với số tiền tích cóp được, họ thu mua nông sản rồi bán lại cho các mối hàng tại Hungary. Đồng thời, đôi vợ chồng đi vay mượn tiền, mua 20 ha đất sa mạc ở tỉnh Menoufia. Thay vì thuê người, họ tự tay làm hết, từ khai hoang đến cải tạo đất để trồng cam và một số rau quả ngắn ngày.

Khi ấy, cả gia đình gồm 2 vợ chồng và 8 người con cùng sống trong ngôi nhà nhỏ ngay trong trang trại, giữa vùng sa mạc khô cằn với nhiệt độ lên tới gần 46 độ C. Để làm nông nghiệp tại vùng đất này, việc khai thác và biết cách dùng hiệu quả nguồn nước là một trong những điều kiện tiên quyết.

Chị Liên và anh Fahim đầu tư một trạm khai thác nước ngầm hoạt động suốt 24 giờ với hệ thống ống cắm sâu tới 200m cùng đầm chứa nước lót vải địa kỹ thuật sâu 5m, thể tích 10.000 m3 để vừa tích trữ nước giếng khoan phục vụ cho việc tưới tiêu, vừa kết hợp nuôi thả vài chục nghìn con cá rô, cá trê. Ngoài ra còn có hệ thống hàng trăm km đường ống nhỏ để cung cấp nước tới tới từng gốc cây.

Người phụ nữ Việt lấy chồng Ai Cập, biến đất sa mạc Sahara thành trang trại 120 ha, thu hàng triệu USD/năm - Ảnh 2.

Vườn trồng nho của gia đình chị Liên

Công việc thuận lợi, anh chị trả hết nợ và tiếp tục đầu tư, mua thêm đất mở rộng diện tích trồng trọt. Đôi vợ chồng đã biến 45ha đất hoang thành ốc đảo xanh mướt, với loại cây chủ lực là cam, nho, chanh và ớt ngọt. Ngoài ra, trang trại cũng có khu chăn nuôi gia cầm.

Bên cạnh đó, họ góp vốn cùng bạn bè, mở một công ty chuyên xuất khẩu rau quả sang châu Âu. Đây không chỉ là kênh tiêu thụ cho nông sản của gia đình mà còn giúp đỡ, nhận bao tiêu sản phẩm của các hộ nông dân quanh vùng.

Diện tích trang trại đã mở rộng đến hơn 120ha, bao gồm cả khu chuyên canh, xưởng đóng gói và dãy nhà khép kín dành cho công nhân.

Người phụ nữ Việt lấy chồng Ai Cập, biến đất sa mạc Sahara thành trang trại 120 ha, thu hàng triệu USD/năm - Ảnh 3.

Lúc thấp điểm trong những tháng mùa hè, gia đình thường phải thuê 50 công nhân để đảm nhiệm các công việc như gieo trồng, cày xới, chăm sóc và bảo vệ vườn cây, đầm cá, các loại máy móc. Trong khi đó, lúc cao điểm thì số công nhân phải thuê lớn gấp 3 lần.

Đến năm 2013, riêng trang trại đã giúp gia đình chị Liên mang về doanh thu 1,5 triệu euro (khoảng 1,7 triệu USD). Đôi vợ chồng mua được nhà, sắm ô tô, có cuộc sống sung túc hơn và tiếp tục thực hiện nhiều dự định mới để khai thác tiếp những phần đất còn lại.

Ngọc Diệp

Cùng chuyên mục
XEM