Công ty không tên tuổi bỗng dưng có lãi vài nghìn tỷ với nghi án giúp chủ sở hữu kho nhôm 5 tỷ USD tại BRVT chuyển giá, trốn thuế
Được Nhôm Toàn Cầu là công ty cùng chủ sở hữu trả giá thuê kho gấp từ 5 - 7 lần giá thuê đầu vào, Kho vận PTL trở thành công ty logistics lãi top đầu của Việt Nam, dù không tên tuổi gì.
Một công ty logistic không tên tuổi nhưng nằm trong top lãi nhất trong ngành. Công ty TNHH Dịch vụ Kho vận PTL (PTL Logistics) địa chỉ tại KCN Phú Mỹ II, huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu có ngành nghề chính và duy nhất là kho bãi, lưu trữ hàng hóa và dịch vụ hỗ trợ khác liên quan đến vận tải.
Cho dù chỉ kinh doanh kho bãi, biên lợi nhuận gộp của PTL Logistics lên tới 76%, con số cao vượt trội so với các doanh nghiệp cùng ngành. Vậy đâu là bí quyết thành công của doanh nghiệp này?
Câu trả lời là chuyển giá, trốn thuế!
Cuối tháng 7/2020, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) đã có văn bản đề nghị Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng kinh tế và buôn lậu (C03) điều tra, làm rõ và xử lý theo quy định pháp luật đối với hành vi có dấu hiệu trốn thuế TNCN của ông Nguyễn Tài – Giám đốc PTL Logistics và hành vi có dấu hiệu chuyển giá, trốn thuế TNDN và chuyển tiền bất hợp pháp ra nước ngoài của Công ty TNHH Nhôm Toàn Cầu.
Theo thông tin từ KTNN, PTL Logistics đã ký hợp đồng với Công ty TNHH Nhôm Toàn Cầu có địa chỉ trụ sở chính tại KCN Mỹ Xuân B1 - Conac, phường Mỹ Xuân, thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thuê kho bãi để chứa nhôm nguyên liệu.
Trong giai đoạn từ 2015 – 2019, doanh thu của PTL Logistics với Nhôm Toàn Cầu cho dịch vụ này đạt hơn 3.400 tỷ đồng. Trong hai năm gần nhất, PTL mỗi năm thu về hơn 900 tỷ đồng. Như đã đề cập, tỷ suất lợi nhuận gộp của PTL Logistics ở mức rất cao, năm thấp thì 59%, năm cao thì 76%, đây là con số đáng mơ ước của các đơn vị cho thuê kho bãi. Điều này khiến cho lợi nhuận trước thuế thu về mỗi năm dao động trong khoảng 400 – 600 tỷ đồng.
KTNN cho biết rằng, giá Công ty Nhôm Toàn Cầu thuê kho bãi của PTL Logistics bình quân các năm là 7,2 USD/m2/tháng. Qua so sánh, mức giá này cao gấp 7 lần so với giá PTL Logistics thuê kho bãi của CTCP Thành Chí (1 USD/m2/tháng) và gấp 4,7 lần giá của PTL Logistics thuê của CTCP Cảng tổng hợp Thị Vải (1,53 USD/m2/tháng).
Thông qua việc nâng giá thuê kho bãi một cách bất hợp lý, Công ty Nhôm Toàn Cầu đã chuyển giá sang PTL Logistics số tiền ít nhất khoảng 2.680 tỷ đồng (bằng 79% tổng số tiền thuê kho bãi giai đoạn 2015 – 2019), KTNN kết luận.
Theo cơ quan này, số tiền chuyển giá về nguyên tắc sẽ làm tăng chi phí, giảm thu nhập chịu thuế TNDN phải nộp của Công ty Nhôm Toàn Cầu hoặc làm tăng số chuyển lỗ để bù đắp thu nhập chịu thuế các năm sau.
Trên dữ liệu của chúng tôi ghi nhận, Nhôm Toàn Cầu liên tục báo lỗ nặng trong nhiều năm trở lại đây. Trong 2019, công ty kinh doanh nhôm này báo lỗ 4.977 tỷ đồng, trên doanh thu 6.455 tỷ đồng. Biên lãi gộp -67,5% minh chứng cho việc giá vốn quá cao, con số này cũng tăng vọt so với các năm trước đó chỉ khoảng -10% đến -20%.
Lỗ nặng khiến Nhôm Toàn Cầu âm vốn chủ gần 7.200 tỷ đồng tính đến hết năm 2019, vốn điều lệ công ty này 5.069 tỷ đồng. Nhôm Toàn Cầu nằm trong số công ty có giá trị tài sản lớn nhất Việt Nam, thuộc top 20. Tại thời điểm cuối năm 2019, tổng tài sản ghi nhận 110.576 tỷ đồng, lớn hơn tài sản của công ty thép số 1 Việt Nam – Tập đoàn Hòa Phát 101.791 tỷ đồng. Nhưng cấu trúc rất khác nhau, tài sản của Nhôm Toàn Cầu chủ yếu hình thành từ hàng tồn kho, 97.648 tỷ đồng, chiếm gần 96%. Điều này cho thấy hoạt động chính của công ty tập trung vào mảng thương mại nhôm.
Ghi nhận của KTNN cho thấy rằng Nhôm Toàn Cầu và PTL Logistics là hai công ty có cùng chủ sở hữu. Cụ thể, ông Jakky Cheung, Giám đốc Nhôm Toàn Cầu cũng chính là đại diện vốn của Công ty TNHH Praise Trend, cổ đông nắm 95% PTL Logistics.
Tháng 9/2015, PTL Logistics được sáng lập bởi chính ông Jakky Cheung (góp 80% vốn) và ông Nguyễn Tài (góp 20%). Phần vốn thuộc sở hữu bởi ông Jakky Cheung sau đó được chuyển sang cho Praise Trend.
Tháng 1/2017, ông Nguyễn Tài ký hợp đồng chuyển nhượng 15% vốn điều lệ của PTL Logistics (giá trị vốn góp 22,5 tỷ đồng) cho Praise Trend, giúp công ty này tăng sở hữu lên 95%.
Tuy nhiên theo số liệu BCTC 2016 của Cục Thuế tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, giá trị thực tế phần vốn chủ sở hữu tại 31/12/2016 là trên 561 tỷ đồng, do đó giá trị chuyển nhượng như trên là không phù hợp.
Khi ông Nguyễn Tài và Công ty Praise Trend ký hợp đồng phân chia lợi nhuận năm 2015 và 2016 theo tỷ lệ. Praise Trend hưởng 95%, với số tiền gần 338 tỷ đồng. Công ty này đã chuyển phần lợi nhuận ra nước ngoài.
Qua kiểm toán, KTNN xác định lại giá trị thực tế của 22,5 tỷ đồng vốn góp ban đầu của ông Nguyễn Tài khi chuyển nhượng cho Công ty Praise Trend là 420,9 tỷ đồng. Giá trị phần thuế phải nộp với giao dịch chuyển nhượng 15% vốn PTL Logistics là 79,6 tỷ đồng, ông Nguyễn Tài bị truy thu 79,2 tỷ đồng.