Nữ Chủ tịch Unilever Việt Nam: Thúc đẩy bình đẳng giới vì sự phát triển của doanh nghiệp
Ngày 26 tháng 11 tại Hà Nội, Unilever Việt Nam vinh dự được UN Women trao tặng 2 giải thưởng Các nguyên tắc Trao quyền cho Phụ nữ (WEP): giải Lãnh đạo cam kết và giải Bình đẳng giới tại nơi làm việc.
Giải thưởng là sự ghi nhận những nỗ lực của các cá nhân và doanh nghiệp trong việc thúc đẩy bình đẳng giới trong văn hoá doanh nghiệp cũng như những thành tựu đã đạt được tại Việt Nam. Bà Nguyễn Thị Bích Vân, Chủ tịch Unilever Việt Nam chia sẻ về tầm quan trọng của bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ đối với phát triển doanh nghiệp trong bối cảnh Việt Nam đang đạt được nhiều tiến bộ về thu hẹp khoảng cách giới.
Thưa bà, trao quyền năng về kinh tế cho phụ nữ được hiểu như thế nào tại Unilever?
Tại Unilever, chúng tôi muốn trở thành một doanh nghiệp hòa nhập để đóng góp vào một thế giới bình đẳng, không phân biệt giới tính, vùng miền, tôn giáo, chủng tộc hay các đặc điểm khác. Điều đó có nghĩa là một thế giới mà ở đó mọi phụ nữ và trẻ em gái đều có thể tạo ra cuộc sống mà mình mong muốn, không bị gò bó bởi những chuẩn mực và định kiến xã hội. Tại Việt Nam, chúng tôi không ngừng trao quyền cho phụ nữ trong chuỗi giá trị của mình và sử dụng tiếng nói của các thương hiệu để đưa giá trị này vào toàn xã hội, giúp hàng triệu phụ nữ Việt Nam cải thiện cuộc sống của họ.
Bà có thể chia sẻ lý do Unilever Việt Nam tham gia Giải thưởng Các nguyên tắc Trao quyền cho Phụ nữ của Liên Hiệp quốc?
Unilever Việt Nam luôn mong muốn tạo dựng một môi trường làm việc lấy sự đa dạng giới làm giá trị cốt lõi, trong đó phụ nữ có cơ hội bình đẳng để phát triển và thành công. Với mục tiêu này, chúng tôi đã không ngừng nỗ lực để đạt được những thành công trong thời gian qua, và mong muốn được chia sẻ và lan toả các hoạt động đó nhiều hơn nữa. Thông qua các giải thưởng, Unilever Việt Nam hy vọng sẽ cùng với các tổ chức Liên Hiệp quốc (WEP) và các doanh nghiệp tiên phong thúc đẩy các hoạt động trao quyền cho phụ nữ vì một Việt Nam tốt đẹp hơn.
Xin bà cho biết các sáng kiến bình đẳng giới của Unilever Việt Nam và tác động của các sáng kiến này đối với doanh nghiệp và xã hội.
Bình đẳng giới luôn là một phần quan trọng trong kế hoạch phát triển nguồn nhân lực của chúng tôi. Chúng tôi đã thực hiện nhiều sáng kiến cả trong công ty và cộng đồng để thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ.
Trong nội bộ Unilever, chúng tôi đã thúc đẩy xây dựng một môi trường làm việc hòa nhập cho tất cả mọi người, đặc biệt là các nhân viên nữ. Chúng tôi đã thực hiện một kế hoạch toàn diện, nhấn mạnh vào hành động cụ thể, có lộ trình và chỉ số đo lường rõ ràng, đồng thời theo dõi tiến độ đạt được về bình đẳng giới giữa các cấp, các phòng ban trong công ty. Tại Unilever Việt Nam, chúng tôi tự hào đã phá vỡ được "trần thủy tinh", đề bạt nhân viên nữ vào các vị trí lãnh đạo cao cấp và khuyến khích nhiều phụ nữ phát huy hết tiềm năng của họ.
Chúng tôi đã và đang tích cực thúc đẩy các chính sách làm việc linh hoạt cho tất cả nhân viên, cho phép họ làm việc một cách linh hoạt, bảo vệ sức khỏe và tinh thần của mọi người trong những tình huống khó khăn. Chúng tôi cũng đang thúc đẩy tăng cường chế độ nghỉ thai sản với nam giới, từ đó giúp các bà mẹ trẻ được chăm sóc sau sinh tốt hơn. Kết quả là, hiện nay chúng tôi có một đội ngũ quản lý mạnh với gần 53% là nữ.
Là một doanh nghiệp có trách nhiệm, chúng tôi đã hợp tác chặt chẽ với đối tác chiến lược lâu dài là Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam từ năm 2007 để trao quyền cho phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn tại 63 tỉnh thành với các chương trình rất hiệu quả và đã cam kết đầu tư hơn 240 tỷ đồng (10 triệu đô la Mỹ).
Một số điểm nổi bật trong các chương trình của chúng tôi bao gồm chương trình Quỹ tài chính vi mô để hỗ trợ 50.000 phụ nữ và gia đình của họ kinh doanh với tổng số vốn cho vay quay vòng khoảng 350 tỷ đồng; các chương trình giáo dục sức khỏe và vệ sinh trong 10 năm qua đã tiếp tục nâng cao nhận thức, giáo dục sức khỏe cá nhân, vệ sinh và dinh dưỡng cho phụ nữ và gia đình của họ. Bắt đầu từ năm nay, chúng tôi đã khởi động chương trình "Phụ nữ làm kinh doanh", đặt mục tiêu cho đến năm 2025 sẽ hỗ trợ giáo dục và đào tạo cho 5 triệu phụ nữ.
Thưa bà, làm thế nào để khu vực tư nhân có thể dẫn đầu thực hiện mục tiêu phát triển bền vững thứ 5 của Liên hợp quốc về bình đẳng giới (SDG5), và góp phần xây dựng một "Thế hệ Bình đẳng" mới trong doanh nghiệp?
Khu vực tư nhân có vai trò quan trọng trong việc hiện thực hóa SDG5 và tạo ra "Thế hệ Bình đẳng" mới trong doanh nghiệp. Trước hết, chúng tôi có thể truyền thông nâng cao nhận thức người tiêu dùng của mình về các vấn đề bình đẳng giới thông qua các chiến dịch đầy sáng tạo.
Các thương hiệu nổi tiếng của chúng tôi đang được các hộ gia đình trên khắp Việt Nam tin dùng là một lợi thế. Chúng tôi cũng có nghĩa vụ tuân thủ các cam kết của mình về SDG5. Chúng tôi càng làm tốt thì người tiêu dùng càng đánh giá cao thương hiệu của chúng tôi. Chúng tôi có thể chia sẻ các phương pháp hay nhất và truyền cảm hứng cho các đối tác kinh doanh trong chuỗi giá trị của mình, bao gồm các DNNVV, khách hàng và nhà bán lẻ để nắm bắt thông điệp về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ.
Hơn nữa, chúng tôi sẽ cố gắng trở thành hình mẫu để thúc đẩy bình đẳng giới trong sự phát triển bền vững lâu dài của một doanh nghiệp và truyền cảm hứng cho nhiều công ty tham gia cùng chúng tôi. Chúng tôi sẽ hợp tác với các đối tác chính phủ và phi lợi nhuận để đặt ra các mục tiêu ưu tiên và thực hiện các chương trình cộng đồng mang lại lợi ích cho hàng triệu người trong xã hội.
Xin cảm ơn bà!