Người phụ nữ này là "cánh tay phải" của Tổng thống Nga Putin
Trên cương vị là Thống đốc NHTW Nga, bà Elvira Nabiullina đã giúp kinh tế Nga vững vàng trước "sóng to gió lớn".
Elvira Nabiullina lần đầu tiên biết đến chủ nghĩa tư bản khi còn là sinh viên và tham dự một khóa học có tên “Nghệ thuật phê bình học thuyết kinh tế phương tây”. Đây là một khởi đầu khá đặc biệt đối với một Thống đốc NHTW thời hiện đại. Ngày nay, bà lại đang ở trong một cuộc đối đầu khác.
Mấy năm gần đây, kinh tế Nga đang rơi vào trạng thái trì trệ với nguyên nhân là tham nhũng, giá dầu lao dốc và các lệnh trừng phạt của phương Tây. NHTW Nga (CBR) đi theo chính sách điều hành nặng tính hành chính và kỹ trị. Tuy nhiên, kể từ khi Nabiullina trở thành Thống đốc năm 2013, CBR đã làm khá tốt vai trò hỗ trợ nền kinh tế Nga, dù chặng đường còn rất nhiều chông gai.
Người phụ nữ có giọng nói nhỏ nhẹ này có xuất thân rất bình dị. Mẹ của bà là công nhân nhà máy, trong khi người cha là một lái xe.
Khi ông Putin trở thành Tổng thống năm 2000, ông đã làm được nhiều điều tốt cho nước Nga, giải quyết tốt những bất ổn của thời kỳ những năm 1990. Tuy nhiên, theo lời cựu Bộ trưởng Kinh tế Yevgeny Yasin, ông “không có những ý tưởng rõ ràng về điều hành kinh tế”.
Do vậy Tổng thống Nga giao phó việc hoạch định chính sách kinh tế cho một nhóm các chuyên gia kinh tế, trong đó có bà Nabiullina. Năm 2000 bà trở thành Thứ trưởng Kinh tế và 7 năm sau lên chức Bộ trưởng.
Cuộc khủng hoảng 2008-09 đã lộ rõ điểm yếu của nền kinh tế Nga là bị phụ thuộc vào các quỹ đầu tư ngoại và cả nhà đầu tư nhỏ lẻ. Khi họ rút tiền tháo chạy, CBR phải nỗ lực vực dậy giá trị của đồng ruble và đã mất hơn 200 tỷ USD dự trữ ngoại hối chỉ trong vài tháng. Năm 2009 GDP suy giảm 8%.
Điều này buộc Nga phải ngay lập tức thực hiện hai cuộc cải cách lớn để chuẩn bị cho cú sốc giá dầu tiếp theo.
Đầu tiên, Nga tiến hành đa dạng hóa nguồn vốn. Ví dụ, năm 2013, Nga cho phép Euroclear và Clearstream (là hai trung tâm lưu ký quốc tế) xử lý một số loại trái phiếu Nga. Chính sách này giúp thu hút các nhà đầu tư tổ chức – những người muốn mua tài sản khi giá ở mức thấp.
Dưới sự quản lý của bà Nabiullina, thị trường vốn nội địa cũng phát triển sâu rộng hơn. Riêng trong năm 2013 tỷ lệ nhà đầu tư trong nước nắm giữ nợ công của Nga đã tăng từ mức 66% lên 70%.
Ngân hàng Goldman Sachs cũng nhận định tài sản của các quỹ hưu trí Nga sẽ tăng từ mức 60 tỷ USD hiện nay lên khoảng 200 tỷ USD vào năm 2020.
Sự đa dạng hóa giúp nền kinh tế Nga không bị “đói” vốn như trong quá khứ. Xét trên quy mô nền kinh tế, dòng vốn rút ra trong giai đoạn 2014-15 nhỏ hơn so với 2008-09. Mức suy giảm 4% của GDP năm 2015 cũng tốt hơn so với thời kỳ 2008-09.
Sự thay đổi thứ hai là về dự trữ ngoại hối. Nhờ giá dầu cao, con số tăng từ mức 140 tỷ USD giai đoạn 2009-13 lên hơn 500 tỷ USD (tương đương 20% GDP). Đây cũng là một trong những lý do giải thích tại sao Nga có thể theo đuổi chính sách ngoại giao cứng rắn với phương Tây. Nước này không còn phải cầu cứu IMF như năm 1998.
Để duy trì dự trữ ngoại hối khi giá dầu bắt đầu giảm, bà Nabiullina đã thúc đẩy kế hoạch cho phép thả nổi nội tệ. Chỉ trong năm 2015 đồng Rúp đã giảm giá 40% so với USD. Nếu bảo vệ đồng Rúp như trong quá khứ, Nga sẽ bảo tồn được sức mua của đồng nội tệ nhưng lại khiến dự trữ ngoại hối giảm mạnh.
Vì thế Nga đã chọn cách chuyển USD sang các ngân hàng và tập đoàn năng lượng bị phương Tây cấm vận để giúp họ trả nợ nước ngoài.
Nga cũng dùng dự trữ ngoại hối để tài trợ cho thâm hụt ngân sách. Đến nay giá dầu đã hồi phục chút ít và CBR đang quay lại tích lũy dự trữ ngoại hối.
Đà giảm giá của đồng Rúp khiến lạm phát tăng mạnh vì hàng hóa nhập khẩu trở nên đắt đỏ. Kết quả là, kể từ năm 2014 đến nay tiền lương thực tế (đã điều chỉnh theo lạm phát) đã giảm hơn 10%.
Nga chỉ sử dụng duy nhất lãi suất cơ bản để ngăn đồng Rúp lao dốc và lạm phát. Năm 2014 lãi suất lên tới 17%.
Bà Nabiullina khẳng định những bước đi này là cần thiết dù gây ra nhiều đau đớn. Để “xoa dịu nỗi đau”, Chính phủ Nga bỏ ra 3% GDP để tái cấu trúc các ngân hàng được quản lý tốt và đền bù cho người dân. Thêm vào đó, các ngân hàng tạm thời được phép định giá lại các khoản nợ nước ngoài với mức tỷ giá của thời kỳ trước khủng hoảng. Điều này giúp tạo ra lượng tín dụng dồi dào. Kết quả là tỷ lệ nợ xấu đã giảm xuống mức thấp hơn thời kỳ 2008-09.
Cùng lúc đó bà Nabiullina tăng cường công tác giám sát hệ thống ngân hàng. Tổng thống cho phép bà thanh tra cả những ngân hàng trước đây là “bất khả xâm phạm”. Kể từ năm 2014 đã có khoảng 200 ngân hàng đã bị thu hồi.
Dẫu vậy bà Nabiullina vẫn phải nhận những lời chỉ trích. Một số người cho rằng chính sách thắt chặt tiền tệ là một tội đồ vì khiến doanh nghiệp không muốn đầu tư. Tuy nhiên, lợi nhuận của các doanh nghiệp Nga đã tăng 50% trong năm ngoái vì lợi nhuận thu được ở nước ngoài tăng lên khi đổi sang đồng Rúp. Thêm vào đó các công ty có rất nhiều tiền mặt để đầu tư.
Khảo sát cho thấy các công ty cho rằng bất ổn chính trị (chứ không phải lãi suất cao) mới là rào cản lớn nhất. Bà Nabiullina cũng đồng tình với điều này. “Kinh tế suy thoái là hệ quả tất yếu của công cuộc tái cấu trúc”, bà nói.
Điều khiến Nabiullina lo lắng nhất không phải là giá dầu còn lao dốc đến đâu mà Nga có thể nhanh chóng cải thiện môi trường kinh doanh hay không. Còn ở thời điểm hiện tại, CBR vẫn sẽ đóng vai trò quan trọng trong quá trình vận hành của nền kinh tế Nga.