Người Nhật tự tử vì bế tắc hay vì tiền?

07/04/2016 15:14 PM | Kinh tế vĩ mô

Các động cơ tài chính là một yếu tố quan trọng đứng đằng sau các vụ tự tử của người Nhật.

Không phải ngẫu nhiên mà 70% người tự tử ở Nhật là đàn ông, bởi vì dù có phải chết nhưng để vợ con có một cuộc sống tài chính ổn định, họ cũng sẵn lòng.

Khi quan chức chính phủ Nhật cũng tự tử

Tháng 9/2012, các báo lớn của Nhật đồng loạt đưa tin ông Tadahiro Matsushita, Bộ trưởng Tài chính Nhật đã tự tử. Khi đó các bài báo đã đồng loạt nhấn mạnh ông không phải Bộ trưởng đầu tiên trong chính phủ Nhật tự tử và chắc chắn cũng không phải người cuối cùng. Nguyên nhân được cho là áp lực công việc quá lớn.

Những thông tin bên lề cho thấy việc các báo lớn của Nhật như Jiji và Shukan Shincho liên tục đăng tải các bài viết liên quan đến mối quan hệ của ông với một phụ nữ đã gây ra nhiều áp lực lên ông.

Trước đó vào tháng 5/2007, đài truyền hình NHK của Nhật cũng loan báo thông tin về vụ tự tử của ông Toshikatsu Matsuoka, Bộ trưởng Nông nghiệp Nhật. Ông tự tử bởi trước đó đã chịu rất nhiều sức ép từ các cáo buộc ông nhận tiền trái luật.

Khoảng vài giờ trước khi ông phải ra trước Nghị viện Nhật điều trần, về cáo buộc nhận tiền hỗ trợ từ một số doanh nghiệp nhận được hợp đồng đầu tư từ chính phủ Nhật, ông đã tự tử.

Khi mà ngay đến cả không ít quan chức chính phủ Nhật cũng phải tự tử, người ta không khỏi đặt câu hỏi liệu xã hội Nhật có quá hà khắc hay không. Nhật là nước có tỷ lệ tự tử cao nhất thế giới, theo số liệu từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Suốt 14 năm qua, số lượng người tự tử hàng năm liên tục ở trên mức 30 nghìn/năm, tức là mỗi ngày có đến hơn 90 người Nhật bước ra khỏi nhà và không bao giờ quay về nữa.

Vấn đề là ở chỗ ngay cả khi dân số Nhật suy giảm thì con số này vẫn ở mức cao, có nghĩa là tính trong tỷ lệ toàn dân số Nhật, tỷ lệ tự tử thực tế đang tăng nhanh.

Việc tự tử trở thành điều bình thường trong xã hội đến nỗi khi đi đường nghe tin người nhảy xuống đường tàu tự tử, người ta cũng chẳng thấy xót thương gì mà còn phàn nàn: "Thế là lại có đứa làm chậm giờ của người khác. Các đường dây nóng nhận thông tin về các vụ tự tử ở Nhật thường xuyên bị nghẽn mạng.

Một tổng đài viên thường nhận được ít nhất hơn 30 cuộc gọi mỗi ngày. Nhiều tổng đài viên cho biết họ thực sự mệt mỏi vì áp lực công việc sau khi làm việc nhiều năm chỉ nghe toàn tin tức bi thương.

Người Nhật tự tử vì tiền?

Nhiều người đặt câu hỏi tại sao chính phủ Nhật không thể giảm được tỷ lệ tự tử? Điều này bắt nguồn từ rất nhiều nguyên nhân.

Thứ nhất, khác với tâm lý của người phương Tây và nhiều người tại các nước châu Á khác, người Nhật không cho rằng tự tử là xấu. Tôn giáo của Nhật không cho rằng tự tử là điều cấm kỵ. Thậm chí lịch sử của họ còn tôn vinh sự cao quý của hành vi tự tử. Việc tự tử thậm chí còn được coi hành động anh hùng, chứ không phải sự thất bại.

Tự tử ở Nhật được coi như một lời xin lỗi, sự phản đối, báo thù hay chấm dứt sự đau đớn vì bệnh tật.

Tuy nhiên theo ông Rene Duignan, một chuyên gia chuyên nghiên cứu về xã hội học tại Nhật và đồng thời là tác giả của nhiều nghiên cứu về vấn nạn tự tử ở Nhật, thực ra chính phủ Nhật đã không đưa ra các biện pháp đủ mạnh để giải quyết tình trạng này. Ông khẳng định các động cơ tài chính là một yếu tố quan trọng đứng đằng sau các vụ tự tử của người Nhật.

Ông nhấn mạnh: “Tại sao các công ty bảo hiểm vẫn trả tiền cho các vụ tự tử? Khi nào chính sách bảo hiểm cho đối tượng này chấm dứt thì mới mong giảm mạnh được các vụ tử tử. Hãy ngừng dùng tiền để khuyến khích họ tìm đến cái chết.”

Sau Chiến tranh Thế giới thứ Hai, người Nhật thường ký hợp đồng bảo hiểm nhân thọ. Và sau khi ký xong, nhiều người nhảy xuống đường tàu tự tử. Sau đó các công ty bảo hiểm kéo dài thời hạn lên thành 1 năm, có nghĩa là người tự tử sẽ chỉ được bồi thường nếu anh ta tự tử sau khi ký hợp đồng 1 năm.

Khi thời hạn hợp đồng được nâng lên 1 năm thì lại phát sinh vấn đề mới: đến tháng thứ 13 của hợp đồng thì lại hàng trăm, hàng nghìn người Nhật tuyệt vọng tìm đến cái chết.

Sau đó thời hạn hợp đồng nâng lên thành 2 năm, chuyện tương tự lại xảy ra. Tháng thứ 25 của hợp đồng, hàng nghìn người khác lại tìm đến cái chết.

Theo thông tin từ các công ty bảo hiểm và cảnh sát, nhiều người đàn ông mất việc đã chọn cách tự tử để có được số tiền bảo hiểm giúp cho gia đình anh ta được sống trong sự đảm bảo về tài chính.

Năm 1999, ông Masaru Tanabe, phát ngôn viên của Hiệp hội bảo hiểm Nhật, cho biết luật của Nhật không hề quy định chặt chẽ về việc các công ty bảo hiểm phải chịu trách nhiệm đến đâu trong trường hợp người đóng bảo hiểm tự tử mà chỉ đơn giản là cứ chết sẽ phải đền tiền.

Đến tháng 3/2004, Tòa án tối cao Nhật thậm chí còn ra phán quyết rằng các công ty bảo hiểm vẫn phải đền tiền nếu người mua bảo hiểm tự tử trong thời hạn tối thiểu của hợp đồng. Vậy là chính luật pháp Nhật cũng bảo vệ cho người có ý định tự tử.

Các yếu tố khác tác động đến quyết định tự tử là gì?

Các cuốn tiểu thuyết, phim ảnh và sự phổ biến của các hướng dẫn tự tử trên mạng Internet chính là tác nhân không nhỏ đằng sau các vụ tự tử ở Nhật. Nó đã khiến cho một số địa điểm trở nên nổi tiếng một cách bất thường trong vai trò nơi tự tử lý tưởng.

Năm 1960, cuốn tiểu thuyết “Black Sea of Trees” của nhà văn Seichō Matsumoto đã khiến cho khu rừng ở gần núi Phú Sỹ trở nên nổi tiếng. Cuốn tiểu thuyết kể về câu chuyện của một cặp đôi đã kết thúc cuộc đời của họ ở khu rừng có tên Aokigahara gần chân núi Phú Sỹ.

Sau này, lại đến một nhà văn khác là Wataru Tsurumi, ông đã miêu tả khu rừng Aokigahara như một địa điểm hoàn hảo để tự tử trong cuốn sách bán cực chạy với nội dung các cẩm nang cho người muốn tự tử. Người ta sẽ không chỉ trích hai ông nếu như không xảy ra việc cảnh sát từng tìm được rất nhiều trường hợp người tự tử trong khu rừng Aokigahara ôm theo họ 2 cuốn tiểu thuyết trên.

Không ít chuyên gia xã hội học đã cảnh báo các bậc cha mẹ Nhật về những mối hiểm nguy mà họ cần phải chú ý với con mình. Trường hợp nếu cha mẹ nhìn thấy con có 1 trong 2 cuốn sách trên trong phòng thì cần phải hiểu rằng các em đang có rất nhiều rắc rối trong cuộc sống và cần phải hỗ trợ các em càng sớm càng tốt.

Ngọc Thanh

Cùng chuyên mục
XEM