Người hiểu Facebook hơn Mark Zuckerberg: 7 tuổi biết code, 24 tuổi thành Chủ tịch, 37 tuổi thành tỷ phú USD
Sean Parker từng xâm nhập vào một công ty lớn, bị FBI phát hiện nhưng chỉ phải lao động công ích vì còn là trẻ vị thành niên.
Sean Parker đạt được thành công vang dội khi còn rất trẻ. Năm 19 tuổi, anh đồng sáng lập Napster – một trong những phần mềm chia sẻ nhạc MP3 miễn phí đầu tiên trên thế giới.
Năm 24 tuổi, anh là chủ tịch của Facebook – công ty sau này trở thành nền tảng mạng xã hội lớn nhất thế giới. Ở tuổi 41, Parker sở hữu khối tài sản 2,7 tỷ USD, hưởng thụ cuộc sống giàu sang và thường xuyên làm từ thiện.
Dưới đây là hành trình trở thành tỷ phú của Parker:
Parker sinh ra ở Herndon, Virginia, một thành phố ngay ngoại ô Washington.
Khi mới lớp hai, anh được cha dạy cách lập trình trên chiếc máy tính Atari 800. Lớn hơn một chút, anh đã có thể hack vào hệ thống của các trường đại học và công ty. Anh từng "đột nhập" vào một công ty thuộc danh sách Fortune 500 nhưng bị cha phát hiện và tịch thu bàn phím. Không may, khi đó anh chưa kịp đăng xuất và bị FBI phát hiện. Tuy nhiên, vì còn là trẻ vị thành niên, Parker chỉ phải lao động công ích.
Năm 1999, khi mới 19 tuổi, Parker đồng sáng lập dịch vụ chia sẻ tập tin Napster. Công ty nhanh chóng trở thành một trong những doanh nghiệp phát triển nhanh nhất và cũng gây tranh cãi nhất. Parker cùng nhà sáng lập còn lại, Shawn Fanning được gọi là những người là đã cách mạng hóa ngành công nghiệp âm nhạc.
Sau khi bị một số hiệp hội âm nhạc kiện cáo, Napster phải đóng cửa. Parker thành lập trang mạng xã hội Plaxo nhưng bị buộc phải rời công ty do chính mình tạo ra vào 2 năm sau. Cuối cùng, Plaxo ngừng hoạt động năm 2017.
Năm 2004, Parker gia nhập Facebook – một startup còn rất non trẻ. Với tư cách là chủ tịch, anh đóng vai trò quan trọng trong việc đầu tư, thiết kế và biến Facebook thành một doanh nghiệp hiệu quả.
Peter Thiel, một trong những nhà đầu tư đầu tư của Facebook nhận xét rằng Parker mới là người nhận thấy tiềm năng của nền tảng này. Có thể nói, anh hiểu Facebook hơn cả Mark Zuckerberg khi bổ sung tính năng chia sẻ ảnh dù ban đầu nó không được Zuckerberg đồng tình.
Năm 2005, Parker bị bắt vì cáo buộc tàng trữ cocaine. Tuy không bị kết tội nhưng anh đã rời Facebook vài tháng sau đó. Dù vậy, anh vẫn có ảnh hưởng nhất định đến nền tảng này.
Trong bộ phim Facebook The Social Network phát hành năm 2010, nam nghệ sĩ Justin Timberlake đã đóng vai Parker. Về phần mình, Parker cho biết anh cảm thấy khá buồn vì được xây dựng hình tượng là một anh chàng chuyên tiệc tùng. Anh nói về nhân vật Parker trong phim: "Đó là một con người đáng trách về mặt đạo đức. Bộ phim này là một tác phẩm hư cấu hoàn toàn".
Parker là đối tác quản lý của quỹ Thiel’s Founders từ năm 2006 đến năm 2014. Anh cũng là nhà đầu tư ban đầu vào Spotify, đóng vai trò quan trọng trong việc đưa ứng dụng này đến Mỹ. Parker là thành viên hội đồng quản trị công ty đến năm 2017.
Năm 2012, Parker và Fanning ra mắt dịch vụ trò chuyện video Airtime nhưng không thành công. Sau đó, nó được ra mắt lại dưới dạng ứng dụng iOS và Android năm 2016.
Trong một cuộc phỏng vấn, khi được hỏi về hành trình lập nghiệp, Parker chia sẻ: "Khởi nghiệp cũng giống như nhai thủy tinh. Đôi lúc, bạn nếm được cả vị máu của mình. Một trong những điều quan trọng khi làm doanh nhân là bạn phải sẵn sàng chấp nhận sẽ có lúc mình rất nghèo".
Theo Forbes, Parker hiện sở hữu 2,7 tỷ USD. Anh đã mua nhiều bất động sản ở West Village. Tổng cộng, khu đất gồm ba dinh thự của anh trị giá 58,5 triệu USD.
Parker và Alexandra Lenas kết hôn vào mùa hè năm 2013 trong một lễ cưới trị giá 4,5 triệu USD, kéo dài ba ngày tại một khu rừng ở Big Sur, California. Đám cưới xa hoa của tỷ phú công nghệ đã gây xôn xao dư luận bởi độ "chịu chơi" của chú rể. Cặp đôi có hai con với nhau, Winter Victoria và Zephyr Emerson.
Năm 2014, nhà Parker mua thêm một số bất động sản, bao gồm một biệt thự 9 phòng ngủ ở Los Angles giá 55 triệu USD.
Ngoài hưởng thụ cuộc sống, Parker cũng chăm chỉ làm từ thiện. Năm 2015, anh quyên góp 600 triệu USD để thành lập quỹ Parker – tổ chức tập trung tài trợ cho các chương trình về khoa học đời sống và sức khỏe cộng đồng trên toàn cầu. Năm 2016, anh dùng 250 triệu USD để thành lập Viện Liệu pháp miễn dịch Ung thư Parker.
Anh cũng cam kết chi 24 triệu USD để phát triển Trung tâm Nghiên cứu Dị ứng Sean N. Parker tại Stanford và quyên góp 4,5 triệu USD để hỗ trợ chương trình loại trừ bệnh sốt rét của Nhóm Y tế Toàn cầu của Đại học California San Francisco. Ngoài ra, Parker còn đồng sáng lập Economic Innovation Group – nhóm nghiên cứu tập trung vào các thách thức kinh tế lớn trên khắp nước Mỹ.
Nguồn: SCMP