Người gửi tiền ngân hàng sẽ không vui khi biết tin này

26/05/2016 14:10 PM | Kinh tế vĩ mô

Sau nhiều đợt tăng lãi suất huy động liên tiếp, gần đây các ngân hàng đang rục rịch điều chỉnh giảm lãi suất huy động và cánh cửa đang dần mở ra cho việc hạ lãi vay.

Nhiều ngân hàng rục rịch hạ lãi suất huy động

Theo thống kê của CafeF, trong thời gian gần đây, thị trường đã ghi nhận một số ngân hàng cổ phần giảm lãi suất huy động.

Ngày 24/5, biểu lãi suất huy động mới nhất được VPBank công bố, với cùng khoản tiền gửi dưới 100 triệu so với khung lãi suất cũ, ngân hàng này đã giảm lãi suất huy động tại kỳ hạn 1-4 tháng tháng 0,1% xuống 4,6-5%, các kỳ hạn còn lại đều giảm 0,1% so với biểu lãi suất cũ áp dụng từ ngày 15/3 xuống mức 6,0-7,1%.

Cùng ngày, biểu lãi suất huy động mới nhất được Eximbank công bố, kỳ hạn 6 tháng lãi suất giảm 0,1% chỉ còn 5,5%. Kỳ hạn 36 tháng, với khoản tiền trên 10 tỷ đồng, trước đây áp lãi suất 8% một năm thì hiện giờ cũng xuống 7,8% một năm.

Sacombank đã chính thức điều chỉnh giảm nhẹ lãi suất ở một số kỳ hạn chủ chốt 0,1%. Cụ thể, kỳ hạn 6 tháng giảm từ 5,8% xuống 5,7% một năm. Với kỳ hạn 12 và 18 tháng, lãi suất về lần lượt 6,5% và 6,55%, giảm nhẹ so với trước.

Tương tự, ACB cũng giảm lãi tiết kiệm cá nhân ở kỳ hạn 9 tháng với mức điều chỉnh 0,1% từ mức 5,6% xuống 5,5%/năm. Hiện mức lãi suất cao nhất của ngân hàng này là 6,8% ở kỳ hạn 36 tháng.

Trong khi đó, khối các ngân hàng quốc doanh vẫn chưa có động tĩnh giảm lãi suất đầu vào mặc dù đây là những ngân hàng đầu tiên lên tiếng hạ lãi suất cho vay .

Hiện, theo khung lãi suất của Vietcombank kỳ hạn 2 tháng vẫn ở mức 4,8%, kỳ hạn 3 tháng 5% và 6 tháng giữ nguyên ở mức 5,4%. Tại các kỳ hạn dài từ 12 tháng trở lên Vietcombank vẫn trả lãi 6,5%. Tại BIDV, lãi suất kỳ hạn từ 1-3 tháng tại BIDV dao động từ 4,8-5,5%, kỳ hạn 6-9 tháng là 6%, kỳ hạn 12-18 tháng lên 6,9%...

Mặc dù các ông lớn này chưa có dấu hiệu giảm lãi suất tiết kiệm nhưng với mức lãi vẫn ở mức thấp so với các ngân hàng cổ phần khác.

Hạ lãi suất cho vay: Cửa đã mở?

Theo số liệu từ Vụ Tín dụng (NHNN), tăng trưởng tín dụng tính đến ngày 08/05 đạt mức 3,69% (cao hơn hẳn so với mức 1,3% của cùng kỳ năm ngoái). Tuy nhiên, so với mức tăng trưởng 4% vào thời điểm cuối tháng 4 thì mức tăng trên lại có sự sụt giảm nhẹ.

"Đây có thể là nguyên nhân trực tiếp mang tính ngắn hạn giúp thanh khoản hệ thống ngân hàng bất ngờ có sự cải thiện mạnh trong tuần vừa qua", chuyên viên phân tích của CTCK Bảo Việt (BVSC) nhận định.

Còn theo bộ phận phân tích của CTCK Sài Gòn (SSI Research), hoạt động cho vay yếu có thể là nguyên nhân khiến các ngân hàng thương mại dư thừa thanh khoản, kéo theo đó là lãi suất giảm trong thời gian qua.

Một chuyên gia trong ngành nêu quan điểm kỳ vọng rằng với tình hình lạm phát thấp thì cơ hội để lãi suất giảm hiện nay là sẽ có. Các ngân hàng còn dư địa để cắt giảm tiếp lãi suất.

Trước đó, trong cuộc gặp giữa Thủ tướng với doanh nghiệp, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cho biết các NHTM đã có sự đồng thuận, dự kiến giảm lãi suất cho vay ngắn hạn từ 0,3% - 0,5%/năm và giảm lãi suất trung và dài hạn xuống dưới 10%.

Như vậy, với sự chỉ đạo và hỗ trợ từ các cơ quan điều hành cũng như cuộc đua lãi suất huy động có dấu hiệu dừng lại, cánh cửa giảm lãi suất đầu ra ngày càng mở rộng, các doanh nghiệp sẽ có thêm nhiều cơ hội để tiếp cận được nguồn vốn với chi phí lãi rẻ hơn, tháo gỡ dần và phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh.

Theo Mai Ngọc

Cùng chuyên mục
XEM