Người giàu chỉ mất 9 tháng đã hồi phục sau đại dịch Covid-19, trong khi người nghèo có thể cần cả một thập niên!
Chín tháng, đó là khoảng thời gian mà 1.000 tỷ phú hàng đầu thế giới đã mất để phục hồi tài sản sau khi đại dịch virus corona tấn công.
Trong khi đó, "hơn một thập niên" là khoảng thời gian mà những người nghèo nhất thế giới có thể mất để phục hồi, theo báo cáo bất bình đẳng hàng năm của Oxfam International.
Báo cáo được công bố vào hôm Chủ nhật, trước khi diễn ra cuộc họp qua mạng internet của các nhà lãnh đạo chính trị và tài chính của Diễn đàn Kinh tế Thế giới, thường được tổ chức tại Davos, Thụy Sĩ, cho thấy tác động khác nhau của virus corona trên toàn cầu. Theo Oxfam, đại dịch có thể làm gia tăng bất bình đẳng kinh tế ở hầu hết mọi quốc gia, và đây là lần đầu tiên điều này xảy ra.
"Chúng ta đang chứng kiến sự gia tăng bất bình đẳng lớn nhất kể từ khi những con số bắt đầu được ghi nhận. Sự phân hóa giàu nghèo sâu sắc đang chứng tỏ nguy cơ chết người như virus. Các nền kinh tế đang phát triển đang mang lại sự giàu có cho một tầng lớp giàu có – những người đang vượt qua đại dịch trong sự xa xỉ, trong khi những người ở tuyến đầu của đại dịch – nhân viên bán hàng, chăm sóc sức khỏe và người bán hàng ở chợ - đang phải vật lộn để trả các hóa đơn và có cái để ăn", Gabriela Bucher, giám đốc điều hành của Oxfam, cho biết.
Virus corona, đã lây nhiễm cho gần 100 triệu người và giết chết hơn 2,1 triệu người trên toàn cầu, khiến bất bình đẳng trở thành tâm điểm chú ý. Cách mọi người đối phó với đại dịch này cũng khác nhau theo chủng tộc, giới tính và thu nhập.
Chẳng hạn, gần 22.000 người Mỹ gốc Phi và gốc Tây Ban Nha sẽ vẫn còn sống (tính đến tháng 12/2020), nếu những nhóm người này chết vì virus corona với tỷ lệ tương đương với người Mỹ da trắng, theo Oxfam.
Và sẽ có ít hơn 112 triệu phụ nữ có nguy cơ bị mất thu nhập hoặc mất việc làm nếu nam giới và phụ nữ bình đẳng nhau trong các lĩnh vực bị tổn thương bởi đại dịch.
Trong khi đó, những người giàu có nhìn chung đang chống chọi với cơn bão Covid khá tốt. Mặc dù các thị trường chứng khoán sụp đổ trong những tháng đầu của đại dịch, nhưng chúng đã tăng trở lại - một phần nhờ vào sự hỗ trợ kinh tế chưa từng có của các chính phủ.
Trên toàn thế giới, tài sản của các tỷ phú đã tăng thêm 3,9 nghìn tỷ USD từ giữa tháng 3 đến cuối tháng 12, Oxfam tính toán.
Tuy nhiên, số người sống trong cảnh nghèo đói trên toàn cầu có thể đã tăng lên đến 500 triệu người vào năm ngoái, theo một bài báo của Viện Nghiên cứu thế giới về Kinh tế Phát triển thuộc Đại học Liên Hợp quốc (UNU – WIDER) mà Oxfam trích dẫn.
Các báo cáo khác cũng cho thấy rằng đại dịch đã gây tổn thương rất nhiều cho người nghèo. Một nghiên cứu riêng biệt của Ngân hàng Thế giới (WB) vào tháng 10 cho thấy đại dịch có thể đẩy khoảng 60 triệu người vào cảnh nghèo cùng cực.
Để chống lại sự bất bình đẳng ngày càng tăng này, các chính phủ nên đảm bảo rằng tất cả mọi người đều có quyền tiếp cận với vắc-xin Covid-19 và hỗ trợ tài chính nếu họ mất việc làm, Bucher nói. Ngoài ra, đây là thời điểm để đầu tư dài hạn vào các dịch vụ công và các lĩnh vực các-bon thấp để tạo ra hàng triệu việc làm và đảm bảo mọi người đều được tiếp cận với giáo dục, chăm sóc sức khỏe và chăm sóc xã hội, bà nói.
Tại Mỹ, Oxfam kêu gọi Quốc hội thông qua kế hoạch phục hồi kinh tế đầu tư vào các công việc tốt cho môi trường và hỗ trợ ngành công nghiệp chăm sóc trẻ em, điều này sẽ giúp phụ nữ trở lại làm việc và giúp ích nhiều hơn cho cuộc chiến chống lại đại dịch trên toàn cầu.
"Các biện pháp này không phải là giải pháp tạm thời cho những thời điểm tuyệt vọng, mà là một 'bình thường mới' trong các nền kinh tế hoạt động vì lợi ích của tất cả mọi người, chứ không chỉ vì một số ít người có đặc quyền", Bucher nói.
Tổng thống Joe Biden đã đề xuất một gói cứu trợ trị giá 1,9 nghìn tỷ USD, trong đó bao gồm các khoản thanh toán kích thích bổ sung, trợ cấp thất nghiệp, hỗ trợ dinh dưỡng và nhà ở. Ông cho biết sẽ công bố một kế hoạch phục hồi kinh tế vào tháng tới.