Người dân sẽ được mua ô tô giá rẻ hơn nhiều nếu Thông tư này của Bộ Công Thương bị bãi bỏ?
Thông tư 20 nếu được bãi bỏ sẽ giúp các doanh nghiệp nhập khẩu vừa nhỏ thuận lợi hơn trong việc đưa ô tô về Việt Nam, nâng cao tính cạnh tranh trên thị trường và hưởng lợi lớn nhất chính là người tiêu dùng.
Thông tư số 20 ban hành năm 2011 của Bộ Công Thương đang được các nhà nhập khẩu xe rất quan tâm về tính hiệu lực từ đầu tháng 7.
Từ năm 2011, Bộ Công Thương đã ban hành thông tư 20, yêu cầu thương nhân nhập khẩu ô tô 9 chỗ ngồi trở xuống phải được uỷ quyền bởi đại lý chính hãng, nhà sản xuất chính hãng mới được quyền nhập khẩu về Việt Nam. Điều này khiến nhiều doanh nghiệp nhỏ muốn phân phối xe nhưng không đáp ứng được các yêu cầu và các loại giấy tờ phù hợp.
Tuy nhiên, theo Tổng cục Hải Quan, căn cứ danh mục ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện quy định tại Luật Đầu tư 2014, thủ tục nhập khẩu mặt hàng xe ô tô chở người loại 9 chỗ trở xuống không yêu cầu phải có chứng từ chứng minh việc đáp ứng điều kiện kinh doanh.
Bên cạnh đó, theo quy định tại khoản 3 điều 7 Luật Đầu tư, thì Bộ, cơ quan ngang bộ, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp, cơ quan, tổ chức, cá nhân khác không được ban hành quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh.
Chính vì vậy, Thông tư 20 của Bộ Công Thương đã bị đặt câu hỏi về tính pháp lý. Tổng cục Hải quan đã đề nghị Bộ Công thương cho ý kiến về việc thông tư này có còn hiệu lực từ ngày 1/7 hay không.
Ngày 21/7 vừa qua, Bộ Công Thương đã tổ chức cuộc họp, trong đó mời các đại diện của các doanh nghiệp ô tô, để các thành viên hoạt động trong lĩnh vực nhập khẩu góp ý, chia sẻ với Bộ và đối thoại với các thành viên của Hiệp hội các nhà nhập khẩu ô tô Việt Nam. Tuy nhiên, sau đó đại diện các doanh nghiệp nhỏ lại không được vào dự, cho dù có giấy mới, khiến các doanh nghiệp đi in băng rôn, giăng trước cổng Bộ Công Thương kiến nghị bỏ Thông tư 20.
Trong khi đó, từ khi ra đời và có hiệu lực năm 2011, VAMA lại rất ủng hộ Thông tư này vì góp phần hạn chế xe nhập khẩu, khuyến khích sản xuất trong nước.
Tuy nhiên, theo ý kiến của các doanh nghiệp nhập khẩu nhỏ, Thông tư 20 không hẳn đã khuyến khích nội địa hoá, bởi Thông tư này thậm chí tạo điều kiện cho các hãng xe Trung Quốc tràn vào Việt Nam, bởi các hãng xe Trung Quốc cấp giấy uỷ quyền rất dễ dàng.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp nhỏ còn cho rằng Thông tư 20 không tạo ra sự bình đẳng trong môi trường kinh doanh, mà chỉ hỗ trợ các nhà nhập khẩu lớn, vô tình trao cho các doanh nghiệp này quyền điều hành thị trường, có thể khiến người tiêu dùng thiệt thòi khi không tìm được cho mình sản phẩm phù hợp.
Ngoài ra, VAMA cho rằng ô tô là sản phẩm phức tạp, công nghệ cao, ảnh hưởng đến tính mạng nhiều người tham gia giao thông, nên kinh doanh yêu cầu phải có dịch vụ chuyên nghiệp, uỷ quyền từ nhà sản xuát để hỗ trợ về kỹ thuật, bảo hành, bảo dưỡng... Tuy nhiên, phía các doanh nghiệp nhỏ lại cho rằng, chất lượng xe và các dịch vụ sau bán hàng nên để thị trường và người tiêu dùng tự quyết định. Nhà nước chỉ nên đặt ra các tiêu chuẩn tối thiểu còn các tiêu chuẩn cao hơn để thị trường tự vận hành.
Được biết, các doanh nghiệp nhập khẩu ô tô vừa và nhỏ đã chính thức có đơn kêu cứu gửi đến Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Bộ Kế hoạch & Đầu tư, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Tài chính và một số cơ quan khác về việc bãi bỏ Thông tư 20.
Theo Quy định tại Thông tư Số 20/2011/TT-BCT, thương nhân nhập khẩu ô tô từ 9 chỗ ngồi trở xuống khi làm thủ tục nhập khẩu, ngoài việc thực hiện các quy định hiện hành, phải nộp bổ sung những giấy tờ sau cho các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền:
1. Giấy chỉ định hoặc Giấy ủy quyền là nhà nhập khẩu, nhà phân phối của chính hãng sản xuất, kinh doanh loại ô tô đó hoặc hợp đồng đại lý của chính hãng sản xuất, kinh doanh loại ô tô đó đã được cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài hợp pháp hoá lãnh sự theo quy định của pháp luật: 01 (một) bản sao có xác nhận và đóng dấu sao y bản chính của thương nhân.
2. Giấy chứng nhận cơ sở bảo hành, bảo dưỡng ô tô đủ điều kiện do Bộ Giao thông vận tải cấp: 01 (một) bản sao có xác nhận và đóng dấu sao y bản chính của thương nhân.