Người đàn ông tìm ra “bí mật dòng sông” và giải quyết bài toán nước mặn ở đồng bằng sông Cửu Long bằng công nghệ

16/02/2017 09:39 AM | Kinh doanh

Ít ai biết rằng dòng sông Cổ Chiên ở Trà Vinh tại một thời điểm nhất định là nguồn nước ngọt, không bị nhiễm mặn. Và người đàn ông ngoài 60 tuổi đã tìm ra bí mật ấy và cho ra đời phao quan trắc nước sông.

Những người ở Trà Vinh thường nhắc đến công trình đồ sộ của Tập đoàn Mỹ Lan tại vùng đất thuộc diện nghèo bậc nhất cả nước. Cơ sở vật chất của tập đoàn ấy như thế nào, có lẽ phải đến và cảm nhận. Bản thân tôi, vào một ngày cuối năm, tôi đến và “chỉ muốn ở thôi chẳng muốn về” vì công ty ấy giống như khu sinh thái rợp bóng cây xanh.

Chủ của công trình ấy là ông Nguyễn Thanh Mỹ, Việt kiều Canada. Sau khi xây dựng Mỹ Lan thành một tập đoàn chuyên sản xuất bản in offset CTP, máy và mực in phun công nghiệp xuất khẩu đi 40 nước, người đàn ông ngoài 60 tuổi ấy bắt đầu khởi nghiệp 3 công ty liên quan đến nông nghiệp công nghệ cao vào năm 2015 sau khi nhường quyền điều hành Mỹ Lan cho vợ.

Người tìm ra bí mật dòng sông

Chứng kiến cảnh hạn mặn ở đồng bằng sông Cửu Long, ông Thanh Mỹ rất trăn trở. Ông chia sẻ tại cuộc gặp với lãnh đạo tỉnh Trà Vinh: “Ông bà ta có nói: Nhất nước, nhì phân, tam cần tứ giống. Nước là yếu tố quan trọng bậc nhất trong nông nghiệp. Thế nhưng, trong mùa khô vừa rồi, Trà Vinh, Bến Tre mình khổ quá. Nông dân mình nghèo lại thêm không có nước. Thấy vậy, tôi có nói với các bạn trong công ty đo”.

Kết quả thật bất ngờ. “Sông Cổ Chiên mình dù là nước mặn nhưng có vài giờ nước ngọt như 5 giờ sáng, 1 giờ trưa, có khi một ngày có tới 3-4 tiếng có nước ngọt. Như vậy mình biết được bí mật dòng sông và tôi biểu các cháu (các bạn trẻ trong Mỹ Lan) nghiên cứu phao quan trắc để báo cho nông dân biết khi nào nước ngọt để bà con có thể sử dụng được nước”, ông Mỹ kể.

Phao quan trắc - ứng dụng điện toán đám mây

Thế là phao quan trắc nước sông ra đời và hoàn toàn “do các cháu làm". Đây là sản phẩm ứng dụng công nghệ điện toán đám mây trong RYLAN Technologies, một trong số 3 công ty khởi nghiệp của ông Thanh Mỹ.

Nghĩa là nông dân sẽ cài một ứng dụng vào điện thoại thông minh để theo dõi phao quan trắc đặt dưới sông. Các chỉ số như độ mặn, độ oxy hòa tan, nhiệt độ, độ PH sẽ được gửi tới đám mây và báo vào máy của người cài ứng dụng. Nhờ đó, nông dân có thể biết được khi nào độ mặn cao, độ mặn thấp… để bơm nước.

Như vậy, việc đặt phao quan trắc có cảm biến đo độ mặn có thể giúp nông dân xác định thời điểm thích hợp để chủ động bơm nước trữ dùng một cách tự động khi độ mặn thấp hơn ngưỡng thông số cài đặt.

Có thể thấy, phao quan trắc đo độ mặn là điều mới mẻ trong nền nông nghiệp Việt Nam và giải quyết vấn đề hạn mặn đáng lo ngại của nông dân vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sử dụng công nghệ điện toán đám mây cũng được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhắc tới tại hội nghị “Xây dựng nền công nghiệp nông nghiệp Việt Nam” diễn ra vừa qua (18/12/2016). Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị dành cho nông nghiệp công nghệ cao gói tín dụng ưu đãi 100.000 tỷ đồng.

Tại sự kiện này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, việc nâng gói tín dụng này là cách giải được bài toán cho nông nghiệp Việt Nam.

Theo đó, giải bài toán này có sự tham gia của doanh nghiệp tư nhân và HTX chất lượng cao làm nông nghiệp. “Chúng ta khuyến khích khởi nghiệp trong nông nghiệp, áp dụng điện toán đám mây vào nông nghiệp để có một nền nông nghiệp thông minh ở Việt Nam”, Thủ tướng cho hay.

Người tìm ra những cái sai trong nông nghiệp và có sản phẩm giải quyết những cái sai ấy

Theo ông Mỹ, nông nghiệp Việt Nam đang đứng trước những thách thức, đó là những cái sai trong nông nghiệp mà cần phải được làm đúng.

Tại buổi gặp gỡ lãnh đạo tỉnh Trà Vinh hồi tháng 12/2016, ông Mỹ chỉ ra những vấn đề trong nông nghiệp ở từng khâu.

Ở khâu vật tư, nông dân đang dùng quá liều lượng thuốc trừ sâu và phân bón. Nguồn phát thải khí nhà kính lớn; môi trường ô nhiễm; thực phẩm bẩn, trong khi nguồn tôm cá, cây trái dồi dào.

Ở khâu sản xuất, hiện các mô hình vẫn còn nhỏ lẻ, manh mún phí phạm lao động, tài nguyên đất và nước.

Ở khâu chế biến, hơn 40% sản phẩm nông nghiệp bị hư hỏng do sản xuất, vận chuyển, tồn kho...

Khâu phân phối có nhiều trung gian, chia bớt lợi nhuận của nông dân.

Và cuối cùng, tại khâu tiêu thụ, người dân phải ăn thực phẩm bẩn, không rõ nguồn gốc.

Ông Mỹ đưa ra giải pháp về các khâu từ vật tư đến tiêu thụ. Các sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao của ông đều là giải quyết cái sai trong nông nghiệp hoặc làm làm tốt hơn cái đang tốt; làm có cái chưa có; và xa hơn là làm một dấu ấn tốt để lại cho cuộc sống.

Cụ thể, phân bón thông minh tăng hiệu quả và giảm khí nhà kính là giải quyết khâu vật tư. Bao bì đa cấp công nghệ cao có thể lưu trữ rau quả trong thời gian dài mà không cần hóa chất nhằm xử lý khâu sản xuất, bảo quản...

Thế Trần

Cùng chuyên mục
XEM