"Người dân đói khổ trong đại dịch, họ rất cần một bàn tay để nắm lấy" và những câu chuyện trong hành trình thiện nguyện của một nữ biên tập viên ở Sài Gòn
Từ khi Sài Gòn thực hiện Chỉ thị 16 cho đến nay, chị Hồng Hạnh (42 tuổi, trú tại quận Gò Vấp) - BTV báo Phụ nữ TP.HCM, ngày ngày đều không quản ngại vất vả cùng hiểm nguy từ dịch bệnh, kết nối và trao yêu thương tới những hoàn cảnh còn nhiều khốn khó giữa tâm dịch COVID-19.
Từ một người không hoạt động từ thiện “chuyên nghiệp”
Theo như những gì chị Hồng Hạnh tâm sự, trước kia, chị vốn không phải một người từ thiện “chuyên nghiệp” mà chỉ đôi khi vô tình đọc được những câu chuyện thương tâm thì chuyển khoản đóng góp chứ không nghĩ ngợi nhiều.
Từ trong suy nghĩ, chị vô cùng nể phục những cá nhân hay hội nhóm từ thiện “chuyên nghiệp” bởi: “Họ phải có một trái tim trắc ẩn, một sự uy tín nhất định để được mọi người tin tưởng, sự tổ chức tài tình để công việc được trôi chảy, và rất nhiều thời gian để follow được những hoạt động thiện nguyện của mình.”
Những phần quà nhỏ chị Hạnh cùng bạn bè gửi đến những người khó khăn
Nhưng rồi, suy nghĩ “không làm được như họ và cũng không bao giờ nghĩ rằng mình sẽ làm được như họ” trong chị Hạnh dần thay đổi từ khi Sài Gòn thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16. Chị luôn đau đáu trong lòng một suy nghĩ: “Trong thời gian giãn cách, những người vô gia cư họ sẽ ở đâu, sẽ ăn gì, sẽ sống như thế nào? Chị nghĩ nhiều đến nỗi không đêm nào ngủ được, hôm nào sớm cũng là 3h sáng.”
“Sở dĩ chị trăn trở nhiều như vậy vì cách đó chừng một tuần, chị có được một khoản tiền của cậu chị (hiện ở nước ngoài và đang ung thư giai đoạn cuối), cậu nói con cứ dùng tiền đó để cho người ta ăn, vì sắp tới dân tình sẽ đói khổ rất nhiều. Cậu ở Úc nên đã trải qua những ngày giãn cách phải đóng cửa nhiều tháng trời. Lần đó chị đã dùng tiền của cậu cho, mua 300 ổ bánh mì phát cho những người vô gia cư chị gặp trên đường.” - Chị Hạnh chia sẻ về câu chuyện cùng người cậu của mình.
Tiếng cầu cứu “Cô ơi” của một cô bé hay của ngàn người cơ cực
Trong hành trình phát 300 ổ bánh mì, chị Hồng Hạnh vô tình chứng kiến những mảnh đời bất hạnh, điều này càng khiến chị thêm quyết tâm phải làm điều gì đó giúp đỡ cho họ. Chị chầm chậm tâm sự câu chuyện về một cô bé vô gia cư khiến chị suy nghĩ rất nhiều: “Khi phát bánh mì, chị đi ngang 3 mẹ con nhà nọ ngồi ở trước cửa siêu thị mà không hề nhìn thấy họ. Con bé thấy chị đi ngang, nó thét lên: “Cô ơi!”. Tiếng thét của bé như một tiếng kêu cứu. Anh bạn đi cùng chị phải vòng xe ngược lại để gửi bánh mì cho cả 3 mẹ con họ. Tiếng thét đó ám ảnh chị suốt nhiều ngày liền.”
“Người vô gia cư họ thực sự cần được giúp đỡ trực tiếp, nhanh chóng, chứ không thể chờ đợi. Vì họ làm thuê làm mướn, tiền có được ngày nào xài hết ngày đó chứ không hề có một khoản dự phòng nào”.
Cảnh người mẹ xin một phần cơm rồi xin thêm một phần cho đứa trẻ ở nhà; cảnh một chú xe ôm xin phần mình và cũng không quên xin phần cho một cụ bị liệt hai chân không đi được cách đó không xa; cảnh cụ già ngồi bới đống rác của một siêu thị tìm những quả nhãn, cọng rau còn ăn được… Tất cả những cảnh tượng đau lòng đó đã không ngừng thôi thúc chị hành động.
“Đêm trước ngày Sài Gòn thực hiện giãn cách, chị với bạn mang 100 phần cơm lam ống tre phát cho người vô gia cư. Đi dọc con đường 3/2, chị đếm cũng phải trên 100 người vô gia cư ngồi đầy lề đường, những phần cơm mang theo như muối bỏ biển. Khi phát đến phần cuối cùng mà vẫn còn quá nhiều người chưa có được cơm, họ đã khóc. Bạn chị hỏi chị, ngày mai, khi Sài Gòn giãn cách, họ sẽ sống thế nào? Câu hỏi đó lại tiếp tục ám ảnh chị.” - Chị Hạnh tâm sự.
“Nối dài vòng tay, sẽ có nhiều hơn những hoàn cảnh khó khăn sẽ được giúp đỡ”
Sau khi đã dùng hết số tiền được người cậu ở nước ngoài gửi để mua đồ cứu trợ cho những người vô gia cư, chị bắt đầu nảy ra ý tưởng “xin” sự giúp đỡ của những mạnh thường quân khác. Cái chị xin không phải là tiền mà đều là những lương thực, thực phẩm thiết yếu cho cuộc sống hằng ngày. Người cho rau, cho thịt, cho trứng, cho bánh mì. Cũng có những người giải cứu nông sản, biết được chị Hạnh xin cho bà con cũng đã sẵn lòng trợ giúp.
“Chị cũng không thống kê được số lượng lương thực đã giúp đỡ bà con nữa vì ngày nào cũng có người cho, ngày nào chị cũng đi phát. Chị có một lợi thế hơn mọi người là chị có giấy thông hành để qua các chốt thuận lợi. Chị mượn được xe bán tải của bạn chị, bạn chị cũng chạy từ thiện nên không tính tiền dầu, không tính chi phí vận chuyển, cứ có quà là lên đường thôi.”
“Như ngày 19/8, một bạn trên facebook vừa cắt 250 ký rau gửi cho chị. Chị đã gửi 100 ký cho giáo xứ Thanh Đa để các sơ phát cho bà con, 50 ký cho bếp Hội quán các bà mẹ, 50 ký cho bếp của Annie, cả 2 bếp này đều nấu cho các bác sĩ tuyến đầu. Còn 50 ký, chị mang đến cho các khu phòng trọ bị phong tỏa trên địa bàn Gò Vấp.” - Chị Hạnh vui vẻ chia sẻ về việc làm quen thuộc mỗi ngày.
Rất nhiều mạnh thường quân đã nhờ chị Hạnh gửi những món đồ tới bà con
“Khi chị giúp cho bà con bấy lâu, một ngày chị sực nhớ đến phụ huynh của bạn bè của con. Thế là chị nhắn trên group chung của lớp là chị có rau, có trứng, phụ huynh nào có nhu cầu có thể nhắn tin riêng cho chị. Không ngờ gần 10 phụ huynh nhắn tin riêng cho chị, lúc đó chị mới biết, suốt 2 tháng nay, có người sống lay lắt vì thất nghiệp, có người không dám ăn thịt nữa, và phải chuyển sang ăn trứng thay thịt, chỉ vì không còn đủ khả năng mua thịt nữa. Hỏi sâu thêm thì biết phụ huynh đó còn đang mang thai, sắp sinh, và cũng không thể biết sống những ngày sắp tới như thế nào. Thế là chị mang cho bạn ấy gạo, rau củ, trứng, và một con gà." - Có rất nhiều người khó khăn nhưng lại chẳng lỡ nói ra vì họ biết, trong thời điểm này ai cũng khó khăn, vất vả như nhau. Cái họ cần, có lẽ là một bàn tay chìa ra ứng cứu.
Tuy nhiên, trong tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp như hiện nay, không chỉ những người vô gia cư, người lao động nghèo cần được hỗ trợ về lương thực mà các y bác sĩ công tác nơi đầu “chiến tuyến” cũng đang rất cần sự giúp đỡ về trang thiết bị, dụng cụ y tế phục vụ công tác khám chữa bệnh:
“Khi biết Bệnh viện dã chiến 16 mới thành lập, chị có đặt vấn đề tặng bánh mì xíu mại cho các bác sĩ ăn sáng, họ có nói là bên đó họ không thiếu đồ ăn, vì các bếp từ thiện sẵn sàng cung cấp thức ăn hàng ngày cho các bác sĩ tuyến đầu. Hơn nữa cả ngày mệt mỏi, họ cũng ngại ăn uống trong điều kiện môi trường nhiều virus như thế."
"Điều họ cần là khẩu trang, đồ bảo hộ level 3, vì nếu loại thấp hơn thì dễ nhiễm, mà loại cao hơn thì quá nóng, các bác sĩ xỉu 1 tuần 2 lần. Nên họ bảo nếu được, thì cho họ xin 2 món đó, vì bệnh viện luôn luôn cần chúng. 1000 bộ bảo hộ level 3 trị giá hơn trăm triệu, mà chỉ dùng được 5 ngày là hết. Như muối bỏ biển vậy.”
“Các bác sĩ cũng cần xe đạp điện để di chuyển từ khu vực này sang khu vực khác cách xa nhau. Nếu phải đi bộ trong bộ đồ bảo hộ, dưới cái nắng gay gắt của mùa hè Sài Gòn, thì tình trạng ngất xỉu cũng thường xuyên xảy ra.”
Đồ bảo hộ và những chiếc xe đạp điện được gửi tới Bệnh viện dã chiến 16
Chính từ những khó khăn trong thực tế này của các y bác sĩ mà chị Hạnh sau một thời gian kêu gọi đã quyên góp được tổng cộng 700 khẩu trang N95 cùng 505 bộ đồ bảo hộ level 3 cùng 4 chiếc xe đạp điện gửi đến Bệnh viện Dã chiến 16.
Sau mỗi lần nhận được sự giúp đỡ, chị Hạnh đều không quên viết bài “báo cáo” trên facebook cá nhân. Việc làm này một phần để minh bạch, tạo sự tin tưởng với các mạnh thường quân, một phần cũng để những người khác biết đến và lan tỏa những hành động tốt đẹp này: “Ngày càng nhiều người cũng sẽ cộng hưởng, nối dài vòng tay thì càng thêm nhiều hoàn cảnh khó khăn sẽ được giúp đỡ.”
"May mắn chị không làm công việc này một mình, mà đằng sau luôn có "lực lượng" bạn bè hùng hậu trên facebook. Họ thương Sài Gòn, và luôn muốn làm một điều gì đó cho thành phố này, thông qua việc đóng góp rất nhiều cả về tiền bạc lẫn thực phẩm dù chị không hề kêu gọi. Chị chỉ là người chuyển tất cả những tình cảm đáng trân trọng này đến cho những người thực sự cần giúp đỡ trong giai đoạn dịch bệnh. Như một chiếc cầu nối những tấm lòng với nhau, vậy thôi."
Vẫn còn đó những tiếc nuối
Khi nói về những tiếc nuối trong thời gian vừa qua, chị có kể một câu chuyện khiến chị nặng lòng mãi: “Một ngày nọ chị hay tin một người bạn của chị trên facebook bị F0. Chị nhắn tin hỏi thăm, và có nói cần hỗ trợ gì cứ nhắn chị, vì chị có giấy thông hành đi được liên quận. Bạn ấy mừng lắm, nhờ chị mua thuốc giùm rồi gửi và khu cách ly tập trung, một môi trường toàn F0. Chị đã phải đấu tranh tư tưởng rất nhiều, giữa việc cứu người, với việc e ngại bị lây nhiễm. Cuối cùng cái suy nghĩ cứu người đã chiến thắng, vì chị nghĩ nếu không mang thuốc kịp cho bạn, rủi bạn có chuyện gì, thì chị sẽ ân hận cả đời. Thế là chị đi, đầy căng thẳng và sợ hãi, nhưng vẫn đi.”
Sau khi về đến nhà và thực hiện sát khuẩn xong xuôi, chị lại nhận được một tin chẳng lành từ người bạn thân nhất của mình từ thời thơ ấu - cả gia đình đều dương tính, trong đó tình trạng người mẹ là xấu nhất: “Cô bạn chị cầu cứu xem có ai quen Bệnh viện 115 không để hỏi tình hình của mẹ mình. Khi chị đọc được tin thì bạn chị đã nhận được trợ giúp rồi. Nhưng cũng có nghĩa là vì cứu người này mà chị bỏ lỡ cơ hội giúp đỡ mẹ của bạn thân mình. Đáng tiếc hơn nữa là một tuần sau, bác ấy mất. Đến giờ chị vẫn ân hận vì đã không giúp được cô bạn thân của chị trong lúc cô ấy cần sự trợ giúp nhất.”
Những nguồn động viên to lớn
Trong gia đình có mẹ già có bệnh và 3 con nhỏ, mỗi ngày ra đường đối với chị Hạnh mà nói giống như một “cuộc chiến sinh tử”. Chị chắc chắn cũng có những lo âu khi thường xuyên đến những môi trường có tỷ lệ lây nhiễm cao. “Chị rất mừng vì xung quanh có rất nhiều người làm công việc như chị, nhưng có những người đã mãi mãi nằm xuống vì bị lây nhiễm trong quá trình hoạt động thiện nguyện.”
Tuy nhiên, chị lại nhận được sự động viên rất lớn đến từ gia đình, đặc biệt là mẹ của mình.
Chị Hạnh chia sẻ: “Mẹ chị nói: “Mẹ tin con đủ hiểu biết để tự bảo vệ mình, mẹ luôn ủng hộ con hết mình. Mẹ vui vì con giúp được nhiều người, nên có chết thì mẹ cũng an lòng mà.”
Tuy vậy, chị cũng hiểu được sự nguy hiểm của loại virus này nên không hề buông lỏng cảnh giác. Hai tháng vừa qua, chị Hạnh tuyệt đối thực hiện 5K ngay cả khi ở nhà, luôn đeo khẩu trang và giữ khoảng cách với mọi người trong gia đình - những người gần gũi, yêu thương nhất.
“Chị đeo khẩu trang 24/24, luôn giữ khoảng cách với tất cả mọi người. 2 tháng nay chị không ngủ cùng con, không dám ôm con, hôn con. Có một lần, test nhanh có kết quả âm tính, chị vội vàng ôm con bé Út lúc nó đang ngủ, hôn lên lưng nó, mà thấy quặn lòng thương con vô hạn.”
Luôn có những động lực to lớn giúp chị Hạnh tiếp tục công việc của mình
Không chỉ nhận được sự động viên từ gia đình, trong quá trình thiện nguyện, chị còn bất ngờ nhận được những niềm vui từ những người cùng làm từ thiện, dù nhỏ thôi nhưng cũng tiếp thêm sức mạnh giúp chị có thêm động lực tiếp tục việc làm đầy ý nghĩa của mình: “Có lần đi phát bánh mì, chị cũng gặp một nhóm khác đi phát cơm. Ai cũng bịt khẩu trang kín mít, nhưng khi nhìn thấy nhau trên đường, chị hét lớn để nhóm kia nghe: "Cảm ơn nhiều nha". Bên kia cũng đáp lại: "OK, chung tay, nhé!". Có vậy thôi mà cười suốt chặng đường về. Chị rất vui vì sẽ có nhiều người vô gia cư hơn được giúp đỡ. Những người dân đói khổ giữa đại dịch, họ rất cần một bàn tay để nắm lấy.”
Giống như chị Hồng Hạnh, đã đang và sẽ có rất nhiều mạnh thường quân luôn sẵn lòng giúp đỡ Sài Gòn qua “cơn bạo bệnh” bằng một tấm lòng nhiệt thành nhất. Mong rằng những cố gắng của mỗi người thời gian qua sẽ sớm được đền đáp. Sài Gòn chắc chắn sẽ mau khỏe lại thôi!