Ngừng mua những món đồ không thật sự cần thiết, chỉ trong vòng 3 tháng, vợ tôi đã tiết kiệm được 49 triệu: Quan trọng nhất, cô ấy có lối sống tự do hơn!

01/03/2019 11:15 AM | Sống

Những khoản chi tiêu vặt vãnh, hoặc những món đồ không thật sự cần thiết có thể ngốn của bạn không ít tiền, chỉ có điều bạn ngó lơ, không quan tâm tới khoản chi lặng lẽ này.

Hãy bắt đầu bằng một cuộc cách mạng dọn dẹp đồ đạc 

Vào những dịp đi ăn tiệc, hoặc đám cưới... vợ tôi thường mua váy mới. Đáng nói, cô ấy chỉ mặc một lần vào dịp lễ đó, và về sau không bao giờ hoặc hiếm khi mặc lại những chiếc váy ấy. Cô ấy nói rằng, khi chiếc váy ấy đã lên ảnh, tức là nó đã cũ... và không muốn sử dụng lại trong những dịp lễ tiệc lần sau. Không chỉ riêng váy vóc, khá nhiều món đồ có chung số phận hẩm hiu như thế. 

Thực tình, kinh tế của hai vợ chồng cũng thuộc loại khá giả, tuy nhiên cách lãng phí vào ăn mặc như vậy thật không đáng. Đôi lần tôi góp ý, cô ấy cũng hạn chế phần nào, nhưng chỉ tới khi đọc được một bài viết về cách quản lý chi tiêu của người Nhật Bản - Kakeibo, cô ấy mới có chút thay đổi. Hôm đó, vợ tôi đã thức tới gần sáng để tìm các thông tin về phương pháp độc đáo, hiệu quả này của người Nhật. Sáng hôm sau, vợ tôi hùng dũng tuyên bố từ nay sẽ giảm bớt mua sắm những thứ không cần thiết, và xem lại cách quản lý tài chính của mình. 

Nghe vợ nói, tôi không mấy tin tưởng, vì đây không phải lần đầu cô ấy đưa ra những tuyên ngôn "động trời" như thế! Nhưng đúng thật, sau vài tháng liên tiếp, tôi thấy nhà cửa rất gọn gàng, cô ấy vui vẻ hơn và đồ đạc tha lôi về nhà giảm tải đi đáng kể. 

Bẵng đi một thời gian sau, có lần vợ tôi hào hứng khoe: "3 tháng qua em không mua bất cứ món đồ linh tinh nào, và em đã tiết kiệm được 49 triệu đấy. Đây chỉ riêng đồ mua sắm ngoài luồng, không phải chi phí ăn uống, sinh hoạt đâu đấy nhé". Chính tôi và cô ấy cùng bất ngờ về khoản tiền tiết kiệm vượt quá hình dung của hai đứa. Chợt nhận ra, thời gian qua, chúng tôi đã lãng phí đáng tiếc như thế nào. 

Những khoản chi tiêu vặt vãnh, hoặc những món đồ không thật sự cần thiết có thể ngốn của bạn không ít tiền, chỉ có điều bạn ngó lơ, không quan tâm tới khoản chi lặng lẽ này. Chưa kể, với những món đồ vẫn còn giá trị sử dụng, quần áo sạch sẽ, thẳng thớm không dùng đến, cô ấy tự giác thu xếp gọn gàng và gửi về quê cho đàn em họ. Thêm nữa, tôi thấy được niềm vui của cô ấy mỗi sáng khi không phải tốn quá nhiều thời gian nghĩ xem "hôm nay mặc gì" và thay tới thay lui không chọn được trang phục phù hợp. Giờ vợ tôi ăn mặc bớt rườm rà, thậm chí đơn giản và rất trẻ trung. 

Thật ra, trước khi làm một cuộc cách mạng dọn đẹp đồ đạc, bạn cần biết rõ số lượng đồ của mình, thay vì tiếp tục chất đồ vào ngăn tủ và quên béng chúng. Hãy gỡ hết toàn bộ đồ đạc ra theo từng loại và bắt đầu chọn lọc. Sau đó tự đặt ra cho bản thân câu hỏi: trong 6 tháng vừa rồi, mình có sử dụng vật này không? Nếu câu trả lời là Không, hãy mạnh dạn đem cho chúng đi. Có rất nhiều người, đặc biệt là ở vùng cao xa xôi đang rất mong mỏi những thứ đồ ấy.

Nghe có vẻ hơi phũ thật đấy. Nhưng tin tôi đi, "thuốc đắng dã tật" – tư tưởng của bạn sẽ được giải phóng sau bước này!

Ngừng mua những món đồ không thật sự cần thiết, chỉ trong vòng 3 tháng, vợ tôi đã tiết kiệm được 49 triệu: Quan trọng nhất, cô ấy có lối sống tự do hơn! - Ảnh 1.

Trước khi mua đồ, hãy nghiêm túc cân nhắc

Quỳnh - bạn tôi, là một người có thói quen "vung tay quá trán". Cô ấy từng đi du lịch Thái Lan và làm tôi choáng váng bởi khả năng "quẹt thẻ" nhanh như vũ bão. Ôi, giờ nhắc tới tôi vẫn ám ảnh. Đi du lịch đúng vào dịp sale, cô ấy luôn miệng trầm trồ vui sướng: "sale cậu ơi. Rẻ như cho. Phải mua, phải mua cho đã đời". Sự "Đã đời" của cô ấy buộc chúng tôi phải mua thêm mấy chục kg hành lý bên ngoài và tiền trong thẻ của cô ấy bị trừ không thương tiếc. Nhưng đáng nói, số quần áo, giày dép, mũ nón cô ấy mua về, sau một năm, vẫn có món đồ nguyên tag, nguyên mac. 

Nếu là một người có thói quen chi tiêu không biết tính đường dài, không có kế hoạch, tốt nhất, hãy dừng lại nghĩ ngợi một chút trước khi chìa tiền, chìa thẻ ra thanh toán. 

Đơn giản như thế này: Bạn có bao giờ từng nghĩ, vì sao mình phải mua thêm một chiếc bàn chải chuyên để đánh giày, trong khi bạn có thể tận dụng chiếc bàn chải đánh răng cũ?

Tương tự, bạn hoàn toàn có thể sở hữu một căn phòng thơm tho mà không nhất thiết phải dùng nước hoa hay bình khử mùi đắt tiền. Đơn giản chỉ cần một túi cà phê, túi trà khô để khử mùi trong phòng, hoặc baking soda cũng là một trong những cách khử mùi tủ lạnh vô cùng hiệu quả.

Một cách hiệu quả để không tiêu xài hoang phí đó là lên danh sách những thứ cần mua trước khi bước vào cửa hàng, mua đúng các món đó và đi ra. 

Trên thực tế, những chiến dịch maketing, khuyến mại, giảm giá… ở siêu thị chỉ là cái bẫy mà thôi! Bởi vậy, trước khi quyết định mở ví, hãy suy nghĩ thật kỹ để xác định chắc chắn mức độ cần thiết của nó.

Chính thói quen tiêu tiền không nghĩ đã khiến Quỳnh, bạn tôi trở nên khốn khổ tới giờ. Một dạo cô ấy bị ốm, phải điều trị dài hạn trong bệnh viện, cô ấy đã nhờ tôi cho vay tiền. Hôm vào thăm, Quỳnh buồn bã: "30 tuổi, tài sản trong tay tớ chả có gì ngoài 2 tủ quần áo chất chồng, giờ mới biết cái giá của việc chi tiêu không hoạch định. Lúc ốm đau mới thấm thía..."

Ngừng mua những món đồ không thật sự cần thiết, chỉ trong vòng 3 tháng, vợ tôi đã tiết kiệm được 49 triệu: Quan trọng nhất, cô ấy có lối sống tự do hơn! - Ảnh 2.

Thực ra, tiết kiệm là một lối sống để tự do hơn chứ không chỉ đơn thuần là bớt sở hữu đồ đạc

Tiết kiệm không chỉ đơn thuần là bớt chi tiêu hay bớt sở hữu đồ đạc. Ở một góc nhìn tổng quát hơn, sống tiết kiệm sẽ giúp bạn tự do hơn. Khi không cần dành nhiều tiền bạc, thời gian và tâm sức để sở hữu tài sản, bạn sẽ có nhiều cơ hội hơn để làm những việc mình thực sự yêu thích.

Nếu biết tự nấu ăn và đam mê học nấu ăn, bạn sẽ ít đi ăn tiệm hơn. Việc trổ tài nội trợ mời gia đình và bạn bè, thay vì chi rất nhiều tiền đến những nhà hàng sang trọng không chỉ giúp bạn tiết kiệm mà còn khiến bạn cảm thấy hứng khởi và tự tin hơn vào bản thân hơn nhiều. Ngay cả khi bạn chưa biết làm gì cả, hãy mạnh dạn thử sức. Bởi tất cả thông tin bạn cần đều có thể tìm thấy trên Internet!

Hãy sống tiết kiệm, hãy sống theo phong cách tối giản, bắt đầu ngay từ bên trong bạn – cách bạn tư duy, suy nghĩ về vạn vật quanh mình.

Dưới đây là 8 gợi ý để thực hành lối sống tiết kiệm hiệu quả mà không bị mang tiếng "vắt cổ chày ra nước":

1. Ghi chép chi tiêu 

Xác định tổng số tiền bạn chi tiêu hàng tháng. Hãy theo dõi mọi khoản chi, từ tiền mua cà phê, báo, đồ ăn cho đến tiền nhà, điện nước... Khi đã có dữ liệu, hãy phân loại từng khoản, ví dụ như xăng, tạp hóa, trả nợ... Bạn có thể dùng thẻ tín dụng hoặc sao kê tài khoản ngân hàng để hỗ trợ việc này. Nếu sử dụng dịch vụ ngân hàng qua Internet, bạn có thể dễ dàng lấy các dữ liệu nói trên.

2. Phân loại các khoản ngân sách

Khi đã biết số tiền mình chi tiêu hàng tháng, hãy xác định ngân sách cho từng nhóm dựa trên thu nhập của bạn. Ngoài các khoản cố định, hãy lưu ý cả những khoản phát sinh không thường xuyên như bảo dưỡng xe hơi...

3. Lên kế hoạch tiết kiệm

Hãy cố gắng bỏ ra 10-15% thu nhập để tiết kiệm. Nếu chi tiêu của bạn nhiều tới mức chẳng tiết kiệm được là bao, hãy giảm bớt. Để làm vậy, hãy xác định những khoản không cần thiết bạn có thể giảm bớt như giải trí, ăn uống bên ngoài. Đồng thời, bạn cần cân nhắc giảm những khoản thường xuyên như thực phẩm và hình thành thói quen tiết kiệm.

4. Đặt mục tiêu tiết kiệm

Là khi bạn đặt câu hỏi "mình tiết kiệm để làm gì?". Mục tiêu đó có thể là mua nhà, đi du lịch, mua oto... Tất nhiên, bạn phải đặt cho mình mốc thời gian để hoàn thành mục tiêu đó. 

5. Đưa ra các thứ tự ưu tiên

Sẽ có những mục tiêu dài hạn và mục tiêu ngắn hạn, và việc phân chia, thu xếp thực hiện mục tiêu nào trước, bạn phải nắm rõ hơn ai hết và gắng hoàn thiện những mục tiêu ngắn hạn trước và lên kế hoạch thực hiện những mục tiêu tầm xa ngay sau đó. Cái đó gọi là phong cách "cuốn chiếu", làm tới đâu gọn gàng, dứt điểm tới đó. 

6. Chọn một công cụ hỗ trợ tiết kiệm hiệu quả

Bạn có thể lựa chọn các gói tiết kiệm có kỳ hạn phù hợp với mục tiêu ngắn hay dài hạn của mình. Hãy nhờ tới tư vấn của một nhân viên ngân hàng nếu cần thiết.

7. Tiết kiệm tự động

Hầu như tất cả ngân hàng đều có dịch vụ tiết kiệm tự động từ tài khoản của khách. Bạn có thể lựa chọn thời gian và khoản tiền tiết kiệm định kỳ. Tự động chuyển tiền tiết kiệm giúp bạn bận tâm tới việc này và cũng không có ý định tiêu số tiền đó.

8. Theo dõi các khoản tiết kiệm lớn lên hàng tháng

Hàng tháng, bạn hãy kiểm tra tình trạng các khoản tiết kiệm. Việc này không chỉ giúp bạn luôn sát sao với kế hoạch mà còn nhận định và giải quyết các vấn đề một cách nhanh chóng. Những cách đơn giản này thậm chí còn giúp bạn có thêm động lực và hoàn thành mục tiêu nhanh hơn.

Cuối cùng, chúc bạn là người sử dụng đồng tiền do chính mồ hôi, công sức mình kiếm ra một cách hiệu quả nhất. 

Đông Đông

Cùng chuyên mục
XEM