Ngôi làng có 956 nhà cổ ở Hà Nội: Có nhà gần 400 năm tuổi, ngỏ mua giá bạc tỉ nhưng không bán
Cũng có người tới hỏi mua nhà cổ giá bạc tỷ, nhưng bao đời, bao thế hệ sinh sống trong làng không bao giờ đồng ý. Con cháu có thể chuyển đi nơi khác, nhưng nhà cổ và giá trị văn hoá truyền thống không thể bị mai một.
Làng cổ Đường Lâm nằm cách Hà Nội khoảng 44km, thuộc huyện Sơn Tây, được mệnh danh là một trong những ngôi làng cổ nhất miền Bắc. Từ những bức tường gỗ, lối đi lát gạch nghiêng đến những bức tường đá ong màu vàng sụm nổi bật. Đặc biệt, ở Đường Lâm có rất nhiều nhà cổ. Tất cả đều ẩn mình giữa thôn xóm, phủ màu vàng ngói vẩy cá rêu phong đặc trưng, mà tuổi đời cũng phải vài thế kỉ. Người dân nơi đây cho biết, nhiều ngôi nhà cổ được xây dựng bằng các vật liệu đặc trưng của vùng Xứ Đoài xưa, nào gỗ quý, đá ong rồi rơm, rạ, bùn non, trấu, đất sét mịn.
Cũng có người tới hỏi mua nhà giá bạc tỷ, nhưng bao đời, bao thế hệ sinh sống trong làng không bao giờ đồng ý. Con cháu có thể chuyển đi nơi khác, nhưng nhà cổ và giá trị văn hoá truyền thống không thể bị mai một.
Bất cứ con đường nào trong làng cũng đều giản dị, mộc mạc.
Ngôi làng có 956 nhà cổ
Cổng làng Đường Lâm uy nghiêm được xây bằng đá ong, hai cánh làm từ gỗ lim theo hình cánh dế. Bên trái là cây đa cổ thụ tỏa bóng mát, bên phải là một hồ nước trong xanh. Trước kia, đây là nơi nghỉ chân của những người nông dân sau giờ làm đồng. Bước chân qua cổng là một không gian làng quê đậm chất dân giã, dung dị.
Tất cả những trục đường bao quanh làng cổ đều tô vẽ lên một bức tranh đồng quê nông thôn đẹp và mộc mạc đến lạ thường. Chẳng cần phải được khắc tạo thành kiến trúc, bức tranh đẹp tự nhiên nhưng vẫn độc đáo dựng lên 2 bên đường.
Dường như, ngoài thời gian trôi thì không đô thị hóa nào có thể chạm tay được vào những mái ngói, những tường nâu nơi đây.
Cuộc sống bình yên mỗi ngày tại làng quê chỉ cách trung tâm Hà Nội khoảng 50km.
Cuộc sống ở Đường Lâm cũng giống như những lớp thời gian còn đọng lại: nhẹ nhàng, bình yên và chậm rãi. Làm đồng, chăn nuôi gia súc. Con bò đi trước, người nông dân gánh lúa theo sau. Ở họ cái cái vẻ đẹp thuần hậu đậm chất thôn quê.
Đường Lâm nổi tiếng không kém gì làng Bần, làng Cự về tương. Nhà nào cũng có ít nhất vài chum tương, thế nhưng làm tương không phải là dễ. Nó đòi hỏi sự khéo léo, đúng thời gian. Nguyên liệu chủ yếu là ngô, đỗ, hoặc gạo nếp. Ngô phải đãi sạch, cho vào nồi bung cho tới khi nứt hoa nhài thì vớt ra nong phơi (nếu là đỗ thì phải rang lên rồi say nhỏ ra, nếu là gạo thì đem đồ xôi).
Đường Lâm có tới 956 nhà cổ, tập trung nhiều nhất ở các thôn Đông Sàng, Mông Phụ và Cam Thịnh. Nhiều ngôi nhà được xác định xây dựng từ các năm 1649, 1703, 1850... Thành thử đến bây giờ, tuổi đời xấp xỉ 300 - 400 năm. Nhà cổ chủ yếu được xây dựng trên nền đất đá ong theo lối xưa, gỗ lim thuộc loại có giá trị cao kèm những nét chạm trổ tinh xảo và đẹp mắt. Không khí trong nhà mát về mùa Hạ, ấm áp về mùa Đông.
Nhà thường có 5 gian, 2 chái (tức là khoảng diện tích làm thêm). Gian giữa để thờ có bàn thờ, trang trí cửa võng, có bàn ghế, sập gụ với các tích phong cảnh thể hiện nền nếp gia phong của các cụ ngày xưa. Ngoài sân vườn vẫn có cái giếng đá ong cổ. Cổng ra vào thường được làm đôi mái che, khung cánh bằng gỗ dùng bản lề cối. Hai cánh cổng có tay nắm.
Phần ngói của nhà (thường gọi là ngói ta, ngói mũi) được xếp thành nhiều lượt dày tới 20cm. Thông thường phải sau 15 năm chủ mới phải đảo ngói một lần để kiểm tra và thay thế những viên ngói nứt. Ngói thay thế mua lại của những hộ gia đình trong làng có ngói bỏ đi.
Mọi căn nhà trong làng đều tuân thủ một quy tắc chung. Với nhà cổ, luôn bao gồm tường bao, nhà bếp, giếng nước, bình phong. Nhà nào rộng hơn thì làm thêm ao thả cá. Giữa sân bày chục chiếc chum sành làm tương. Kiến trúc độc đáo từ cột chèo chống tới từng cái phản, chiếc ghế.
Con đường nhuốm màu thời gian.
Căn nhà cổ gần 400 năm được trả giá bạc tỷ cũng không bao giờ bán
Căn nhà cổ bằng gỗ có tuổi đời 369 năm thuộc sở hữu của gia đình ông Nguyễn Văn Hùng (51 tuổi, Đường Lâm, Sơn Tây, Hà Nội). Gia đình ông Hùng là thế hệ thứ 12 sinh sống tại đây. Căn nhà này cũng được công nhận là cổ nhất làng, diện tích 100 m2 được xây dựng từ năm 1649.
Ông Hùng cho hay, khi xây nhà, đàn ông thường đi đào những tảng đá ong nằm sâu dưới lòng đất về cắt xén thành bản vuông xếp chồng lên nhau. Sau đó lấy bã trấu, bùn để tạo chất kết dính. Bên trong căn nhà còn khá nguyên vẹn, được kết cấu chuẩn mực gồm 5 gian và 2 chái. Gian giữa để thờ cúng tổ tiên, 2 gian còn lại làm phòng ngủ và sinh hoạt. Tổng cộng bên trong có tới 30 chân chống, tương đương với 30 cột nhà. Nhiều cơn bão từng quét qua, trong làng có nhà đổ sập, nhưng riêng căn nhà của gia đình ông Hùng vẫn uy nghi đứng vững.
Gian bếp của khu nhà vườn treo những chiếc đó và nơm bắt cá. Đây là nét đặc trưng của khu vực đồng bằng Bắc Bộ.
Lối vào nhà cổ ông Hùng, được dựng lên từ đá ong vàng sẫm.
"Từ xưa mọi công đoạn đều làm bằng tay, thủ công đâu có máy móc hiện đại như bây giờ. Bởi thế cũng phải mất từ 6 tháng đến một năm mới hoàn thiện được căn nhà trông có vẻ giản đơn như thế. Trước cũng có nhiều người tới ngỏ ý muốn mua lại nhà, nhưng chúng tôi không bán. Đây là căn nhà đã bao đời này chúng tôi sinh sống, thờ cúng ông bà tổ tiên. Nhìn bên ngoài nhiều bộ phận có thể bị hỏng hóc, mục nát nhưng lõi bên trong rất chắc chắn" - ông Hùng bộc bạch.
Theo quan niệm, đã là nhà cổ nếu không muốn chóng hỏng thì phải có hơi người. Quét dọn hàng ngày căn nhà sẽ bền hơn, vững chắc hơn. Càng bởi thế, gia đình ông Hùng càng không muốn bán đi nơi sinh hoạt của biết bao thế hệ gia đình nhà mình.
Những cái nơm bắt cá từ ngày xưa...
Ngô được treo nguyên cả dàn.
Chiếc máy xay gạo từ xưa.
Ông Hùng cũng chia sẻ, theo lời các cụ, chủ nhân đầu tiên của căn nhà này là một thầy giáo dạy chữ. Thời đó, người này nếu không giàu nhất vùng thì cũng là bậc tài giỏi, có chức sắc. Để hoàn thành được ngôi nhà, đội thợ xây phải "ăn mòn bát đũa", mức chi phí bỏ ra không phải là nhỏ.
Ít hơn 69 năm tuổi đời là căn nhà của gia đình ông Hà Hữu Thể (xóm Xui, thôn Mông Phụ, xã Đường Lâm). Nhà gồm 7 gian, được gắn kết theo lối cổ truyền. Căn nhà được xây dựng hoàn toàn dùng mộng, không sử dụng đinh sắt. Mộng là gờ trên một chi tiết khớp vào rãnh hay ổ có hình dáng và kích thước tương ứng của một chi tiết khác, để liên kết các chi tiết này với nhau.
Lối vào nhà ông Thể.
Căn nhà có tuổi đời khoảng 300 năm.
Đặc biệt, căn nhà cổ của gia đình hơn 10 thế hệ của ông Cao Văn Toàn (56 tuổi) từng được định giá trên 10 tỷ đồng. Nhưng ông Toàn không bán. Theo tập tục cha truyền con nối, "cơ ngơi" này ông Toàn chỉ mong truyền lại cho con, cho cháu chứ chẳng phải là một chủ nhân nào khác. Giá trị vật chất trong trường hợp này, chắc chắn không quan trọng bằng những tinh hoa truyền thống mà có thể không phải điều gì cũng thay thế được.
Giữa những bộn bề của cuộc sống hiện đại, người dân Đường Lâm vẫn giữ nguyên những nét bình dị mộc mạc, lãng quên đi cuộc sống bon chen nơi phố thị.