Ngôi chùa "ánh trăng" - Nơi dẫn đường giúp linh hồn động vật tìm thấy sự bình yên và xoa dịu nỗi đau của con người

05/03/2024 10:46 AM | Sống

Đau buồn trước cái chết của chú chó nhỏ, vị hòa thượng đã tổ chức nghi lễ cầu nguyện trong phật giáo nhằm dẫn đường cho linh hồn người bạn đến được thiên đường.

Tại một ngôi chùa hẻo lánh ẩn mình trên ngọn núi phủ đầy tuyết (Gangneung, tỉnh Gangwon, Hàn Quốc), một tu sĩ phật giáo đứng trước một bàn thờ bằng gỗ, cầu nguyện cho linh hồn đã khuất.

Trên bàn thờ, bên cạnh bài vị, có một bức ảnh đóng khung cẩn thận mà khiến ai lần đầu nhìn vào cũng tỏ vẻ ngỡ ngàng - một chú chó được đặt theo tên của ngôi chùa, Hyundeok.

"Hyundeok đã qua đời gần đây", Hòa thượng Hyunjong, người sáng lập và trụ trì của ngôi chùa cho biết. "Nó được 8 tuổi."

Ngôi chùa "ánh trăng" - Nơi dẫn đường giúp linh hồn động vật tìm thấy sự bình yên và xoa dịu nỗi đau của con người - Ảnh 1.

Bài vị tưởng niệm chú chó đã chết có tên Hyundeok vào ngày 1 tháng 2

Hòa thượng Hyunjong nuôi 2 chú chó làm bạn. Sau khi Hyundeok chết đi, vị hòa thượng liền tổ chức một nghi thức tang lễ trong phật giáo gọi là "cheondojae" và để tang 49 ngày.

Cheondojae có mục đích hướng dẫn các linh hồn lang thang sang thế giới bên kia và cầu chúc họ bình an, yên nghỉ vĩnh hằng. Nghi thức này sẽ được tiến hành cho một tín đồ phật giáo vừa mới qua đời hoặc theo yêu cầu của gia đình.

Hòa thượng Hyundeok tiến hành nghi lễ cho Hyundeok không chỉ vì chú chó giống như một thành viên gia đình. Trước đây, ông đã làm điều tương tự đối với vô số lợn, bò, gà và chuột thí nghiệm bị giết để phục vụ nhu cầu của con người, thực hành đạo đức phật giáo về lòng từ bi đối với tất cả chúng sinh, bao gồm cả động vật và thực vật.

Đau buồn và tội lỗi khi một người bạn mất đi

Ngôi chùa Hyundeoksa nằm ở núi Manwol ở tỉnh Gangwon. "Manwol" có nghĩa là khi trăng tròn và sáng nhất. Hòa thượng cho biết triết lý sống của ông dựa trên nguyên tắc tôn trọng mọi sinh vật, ôm ấp chúng như ánh trăng.

"Không ai khinh thường ánh trăng," nhà sư trầm ngâm. "Nó tượng trưng cho sự khao khát bao bọc mọi người trong ánh sáng ấm áp của nó."

Giống như soi sáng bóng tối, ánh trăng soi sáng những sinh mạng đã mất và cầu nguyện cho cả người đã khuất và tang quyến.

"Mỗi sinh vật đều sở hữu giá trị vốn có và một tâm hồn, đáng được yêu thương và tôn trọng", Hòa thượng Hyunjong nói.

Cheedojae đầu tiên được tổ chức tại chùa Hyundeoksa từ hơn hai thập kỷ trước.

Ngôi chùa "ánh trăng" - Nơi dẫn đường giúp linh hồn động vật tìm thấy sự bình yên và xoa dịu nỗi đau của con người - Ảnh 2.

Ngôi chùa Hyundeoksa nằm ở núi Manwol ở tỉnh Gangwon

"Tôi cảm thấy tội lỗi dai dẳng kể từ năm 8- 9 tuổi khi tôi giết một con chim én khi đang chơi đùa. Cảm giác tội lỗi này đã thôi thúc tôi thực hiện nghi lễ tang lễ cho động vật cách đây 24 năm khi ngôi chùa được thành lập", nhà sư kể lại.

Song, vào thời điểm đó, mọi người không coi trọng sáng kiến của ông. Họ cho rằng vị hòa thượng này bị mất trí nên mới cầu nguyện cho động vật. Nhưng ngày nay, rất nhiều ngôi chùa khác tại Hàn Quốc cũng làm theo và tiến hành các nghi lễ tương tự.

Gần đây, cái chết của chú chó Hyundeok khiến vị trụ trì phải trải qua cảm giác mất mát sâu sắc.

"Tôi đã khóc rất nhiều sau cái chết của Hyundeok," nhà sư nói.

Vì Huindung, chú chó khác của ngôi chùa hiện đang ở một mình, nhà sư có ý định chào đón một người bạn chó khác. "Tuy nhiên, chúng tôi sẽ trì hoãn việc này cho đến khi hoàn thành thời gian để tang 49 ngày của Hyundeok."

Hiện nay, ngôi chùa này đã trở nên nổi tiếng và mỗi ngày đón rất nhiều du khách đến cầu nguyện cho người bạn đã mất của mình.

Vào tháng 10 năm ngoái, chùa Hyundeoksa đã tổ chức một buổi tang lễ tập thể với sự tham dự của rất nhiều người để cầu bình an cho nhiều loại động vật, bao gồm chó, gà, rắn, sóc và bò. Ông cũng nhớ lại một nghi lễ được tổ chức cho chuột thí nghiệm cách đây vài năm.

Ngôi chùa "ánh trăng" - Nơi dẫn đường giúp linh hồn động vật tìm thấy sự bình yên và xoa dịu nỗi đau của con người - Ảnh 3.

Nhà sư bên cạnh chú chó còn lại tại chùa

Ông nói: "Một nhóm sáu người ở độ tuổi trung niên đã đến đây để cầu nguyện cho những con chuột thí nghiệm được sử dụng trong các thí nghiệm ở trường dược của họ. Họ kể luôn sống trong cảm giác tội lỗi và nghi lễ này đã làm giảm bớt gánh nặng trong lòng".

Vị sư trụ trì tiếp tục nhấn mạnh rằng, mặc dù các nghi lễ tang lễ dường như được tiến hành cho người đã khuất, nhưng chúng chủ yếu giúp xoa dịu tâm hồn người sống, vì họ là những người đang phải vật lộn với nỗi đau mất mát.

Hãy biết suy nghĩ cho bản thân

Đối với các du khách đến chùa, vị hòa thượng luôn dạy họ về khái niệm "musang" trong phật giáo, nghĩa là "không có gì tồn tại mãi mãi".

Ông khuyên: "Mọi thứ sẽ thay đổi và nỗi đau của bạn cuối cùng sẽ biến mất. Điều quan trọng cần nhớ là bạn đang kiểm soát cuộc sống của mình và phải chịu trách nhiệm dẫn dắt nó".

Ông ủng hộ một câu trích dẫn hiện được dùng làm tựa đề cho cuốn sách của mình, "Hãy buộc bản thân phải nghỉ ngơi".

"Trong thời hiện đại, con người thường bị cuốn theo cuộc sống bận rộn và bỏ bê việc nghỉ ngơi, chăm sóc cho sức khỏe của bản thân. Việc không ngừng theo đuổi lý tưởng trở thành người giỏi nhất cuối cùng sẽ dẫn đến kiệt sức, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe tinh thần của con người.

Chưa kể, con người thường tuân theo những tiêu chuẩn bên ngoài, thiếu khả năng suy nghĩ độc lập và sống theo những giá trị của chính mình. Trong khi đó, mọi thứ đều bắt đầu từ bên trong nên tốt nhất không nên quá quan tâm đến ý kiến của người khác về mình.

Giống như những con sóng khổng lồ bắt nguồn từ một con sóng nhỏ duy nhất, bạn có khả năng tạo ra tác động đến thế giới xoay quanh bạn", vị hòa thượng nói.

Ngôi chùa "ánh trăng" - Nơi dẫn đường giúp linh hồn động vật tìm thấy sự bình yên và xoa dịu nỗi đau của con người - Ảnh 4.

Ông chia sẻ rằng những cá nhân ở độ tuổi 20 và 30 là những vị khách chính trong chương trình lưu trú tại chùa, họ đến để tìm kiếm sự thoải mái và tĩnh lặng, trong thời gian đó họ cố gắng giải phóng tâm trí khỏi những lo lắng trần tục và nỗi ám ảnh của xã hội về chủ nghĩa vật chất.

Tính liên kết

Tuy nhiên, không ai có thể tồn tại hoàn toàn độc lập, vì mọi người, mọi thứ trong cuộc sống này đều liên kết với nhau - một khái niệm gắn chặt với khái niệm về sự thống nhất.

Ông nói: "Chúng ta không phải hai mà là một, ngụ ý rằng "chúng ta" là thuật ngữ bao hàm tất cả chúng sinh, bao gồm con người, động vật và mọi sinh vật trong vũ trụ.

Ví dụ, con người phải hiểu nghệ thuật chung sống hài hòa với thiên nhiên và mọi sinh vật. Chúng ta không thể bỏ qua tầm quan trọng của thiên nhiên và mong muốn tồn tại", ông nói.

Ngôi chùa "ánh trăng" - Nơi dẫn đường giúp linh hồn động vật tìm thấy sự bình yên và xoa dịu nỗi đau của con người - Ảnh 5.

Hòa thượng Hyunjong chụp ảnh tại Hyundeoksa

Do đó, khái niệm về sự thống nhất mở rộng từ việc chăm sóc bản thân đến chăm sóc mọi thứ trong vũ trụ, để nhận ra sự chung sống thực sự.

"Nguồn gốc hạnh phúc của chúng ta nằm ở việc làm điều tốt cho người khác. Mang lại hạnh phúc cho người khác cuối cùng sẽ chuyển thành lợi ích cá nhân cho chính chúng ta", vị hòa thượng khuyên.

Thái độ biết ơn này đối với mọi thứ xung quanh được thể hiện rõ qua cách nhà sư pha và uống cà phê. Ông ấy phục vụ cà phê không phải bằng cốc thông thường mà bằng bát.

Trong khi rót cà phê, Hòa thượng Hyunjong dành một chút thời gian để suy ngẫm sâu sắc về nguồn gốc của nước và công sức đáng kể đã đầu tư vào việc chuẩn bị một bát cà phê. Như thể đang cúng dường, ngài tế nhị cầm chiếc bát bằng cả hai tay với sự tôn kính lớn lao.

"Cuối cùng, mọi thứ đều phụ thuộc vào khối óc, trái tim của bạn. Vũ trụ tồn tại ngay cả trong một hạt bụi, và nó không đổi, không giãn ra cũng không co lại, luôn như cũ, không bẩn cũng không sạch," ông nói sau khi nhấp một ngụm.

Theo Koreaherald

Nguyễn Phượng

Cùng chuyên mục
XEM