Đặc điểm chung giữa Nguyễn Hà Đông - "cha đẻ" Flappy Bird, Shark Hưng, Chủ tịch FPT Telecom Hoàng Việt Anh cùng hàng loạt CEO lừng danh của Việt Nam: Cha mẹ muốn con cái thành tài đừng bỏ qua!
Không hẹn mà gặp, Nguyễn Hà Đông - "cha đẻ" Flappy Bird, Shark Hưng, Chủ tịch FPT Telecom Hoàng Việt Anh cùng hàng loạt CEO cùng xuất thân từ ngôi trường lừng danh này.
Nhiều năm qua, Đại học Bách khoa Hà Nội luôn là ngôi trường mơ ước của biết bao sinh viên Việt Nam. Thư viện lớn nhất cả nước, số lượng nam sinh áp đảo, đội ngũ giảng viên "chất lừ",… và nhất là "đầu vào đầu ra đều khó" chính là những gì người ta nghĩ về trường.
Đại học Bách khoa Hà Nội tọa lạc tại vị trí trung tâm của Thủ đô, nằm cạnh hai trường đại học lớn là Trường Đại học Xây Dựng Hà Nội và Trường Đại học Kinh tế Quốc Dân. Bách khoa Hà Nội là đại học top đầu cả nước về đào tạo lĩnh vực kỹ thuật. Nơi đây có hơn 200 giảng đường, phòng học, hội trường lớn và hệ thống phòng hội thảo, gần 200 phòng thí nghiệm, trong đó có 12 phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia và khoảng 20 xưởng thực tập, thực hành.
Mỗi năm, Đại học Bách khoa Hà Nội tuyển khoảng 7.000 sinh viên chính quy. Tổng quy mô đại học và sau đại học khoảng 35.000 sinh viên và học viên, nghiên cứu sinh. Điểm chuẩn theo kết quả thi tốt nghiệp THPT 2023 dao động từ 21 và cao nhất 29,42 là ngành khoa học máy tính.
Trong lễ trao bằng tốt nghiệp cho các tân cử nhân, kỹ sư năm 2023, PGS.TS Nguyễn Phong Điền, Phó Giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết, có 79% sinh viên đã có việc làm ngay khi vừa ra trường, 12% chọn tiếp tục học lên thạc sĩ và trong tương lai là trình độ tiến sĩ.
Đáng chú ý, mức lương trung bình của sinh viên ngay sau khi tốt nghiệp đạt khoảng 11,5 triệu đồng - mức khá cao trong thị trường lao động tại Việt Nam.
Bên cạnh chất lượng giáo dục, 1 trong những điều hấp dẫn khiến nhiều người đăng ký vào Đại học Bách khoa là do cựu sinh viên của trường toàn những nhân vật đình đám trong các lĩnh vực chính trị, ngoại giao, kinh tế, khoa học xã hội, kỹ thuật.
Nguyễn Hà Đông - "cha đẻ" của Flappy Bird
Nguyễn Hà Đông (sinh năm 1985 tại Hà Nội) là tác giả của trò chơi trên smartphone nổi tiếng toàn cầu Flappy Bird từng được tải đến 2-3 triệu lượt mỗi ngày. Sự cất cánh bay cao của chú chim Flappy đã giúp tài khoản của anh có thêm 50.000 USD/ngày (hơn 1 tỉ đồng) khiến truyền thông quốc tế ví von ngay cả Mark Zuckerberg cũng không giàu nhanh đến cỡ ấy.
Nguyễn Hà Đông tốt nghiệp kỹ sư Công nghệ thông tin chuyên ngành Hệ thống thông tin của trường Đại học Bách khoa Hà Nội (nay là Đại học Bách khoa Hà Nội).
Năm 2012, Nguyễn Hà Đông thành lập GEARS Studios và bắt đầu xuất bản các trò chơi dạng arcade trên điện thoại thông minh, phần lớn được thiết kế riêng cho iPhone.
Trò chơi miễn phí Flappy Bird xuất bản tháng 5/2013, đạt 50 triệu lượt tải trên toàn thế giới cho đến khi được gỡ xuống trên iOS App Store và Google Play Store vào ngày 10/2/2014.
Ngoài ra, Hà Đông còn thiết kế nhiều trò chơi khác trên iOS: Super Ball Juggling, và Shuriken Block. Các trò chơi của anh đều mang lối thiết kế đơn giản với đồ họa mĩ thuật pixel và chịu ảnh hưởng của phong cách truyện tranh Nhật Bản.
Trong lần tái xuất gần đây nhất tại sự kiện do Đại học Bách Khoa tổ chức tối ngày 18/11/2019, triệu phú sinh năm 1985 ăn vận đơn giản, ít nói, tỏ ra khiêm tốn và đôi lúc có phần ngại ngùng khi chia sẻ trước đám đông.
Tiến sỹ Tạ Hải Tùng, Đại học Bách Khoa Hà Nội nhận xét: "Đông là người khiêm tốn, sống trong một thế giới riêng của mình. Bao trùm xung quanh Đông là tấm màn bí ẩn. Đông không giống với những người thành công, anh không thích lên truyền thông, vì thế Đông càng trở nên lung linh".
Nguyễn Hà Đông và tựa game Flappy Bird đã được tổ chức Guinness thế giới vinh danh, với danh hiệu "Ứng dụng đầu tiên bị gỡ bỏ sau khi đứng trên top của kho ứng dụng App Store của Apple".
Shark Hưng - "Kẻ săn mồi" chuyên nghiệp tại Shark Tank Việt Nam
Shark Phạm Thanh Hưng (sinh năm 1972, Hà Nội) là cái tên không còn quá xa lạ với fan hâm mộ của chương trình Shark Tank Việt Nam. Shark Hưng được biết đến nhiều nhất với cương vị Phó Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Thế kỷ CENGROUP (CENLAND, CENINVEST, CENVALUE, CENPLUS) và Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Truyền thông và Giải trí Ngôi sao mới RSM.
Con đường học vấn của Shark Hưng được đánh giá là vô cùng "hoành tráng" khi vừa là cử nhân ngành Đúc - Nhiệt luyện tại Đại học Bách khoa Hà Nội vừa là cử nhân ngôn ngữ ngành tiếng Anh tại trường Đại học Ngoại ngữ Hà Nội - Đại học Quốc gia Hà Nội. Ngoài ra, ông còn được đào tạo tại trường Quản trị kinh doanh, Viện công nghệ Châu Á (Băng Cốc, Thái Lan) và trở thành thạc sĩ Quản trị kinh doanh (MBA) ngành Quản trị kinh doanh quốc tế, chuyên ngành Quản lý và Chuyển giao công nghệ.
Shark Hưng là một trong số ít doanh nhân bất động sản được đào tạo tại Nhật, Mỹ, Hàn Quốc, Ấn Độ, Singapore và một số quốc gia Châu Âu về các lĩnh vực quản lý tổ chức, thương mại điện tử.
Hoàng Việt Anh - Chủ tịch FPT Telecom
Ông Hoàng Việt Anh sinh năm 1975, tốt nghiệp khoa CNTT trường Đại học Bách khoa Hà Nội năm 1996. Ông Việt Anh gia nhập FPT năm 1993 với vị trí lập trình viên từ khi còn là sinh viên.
Với nghề lập trình viên, sau khi rời Bách khoa, ông Hoàng Việt Anh có 7 năm đầu tiên ở FPT làm đúng nghề. Đến năm 1999, khi FPT quyết định tấn công vào mặt trận xuất khẩu phần mềm, ông đã mạnh dạn thi tuyển và lọt vào đội nhân sự nòng cốt đầu tiên của FPT Software.
Là một trong những thành viên tham gia xây dựng và phát triển FPT Software từ những ngày đầu thành lập, ông đã đảm trách nhiều vị trí quan trọng tại Công ty này như: Giám đốc FPT Software Asia Pacific; Giám đốc Đơn vị Phần mềm Chiến lược số 1 (FSU1- đơn vị phụ trách thị trường các nước nói tiếng Anh); Phó Tổng giám đốc kiêm Giám đốc Điều hành FPT Software.
Từ tháng 8/2015, ông Hoàng Việt Anh được bổ nhiệm làm Tổng giám đốc FPT Software và là Tổng giám đốc thứ tư của doanh nghiệp này.
Năm 2018, ông được bổ nhiệm là Phó Tổng giám đốc Tập đoàn FPT, Tổng giám đốc Công ty FPT Telecom
Năm 2023, ông Hoàng Việt Anh được bổ nhiệm thay thế ông Hoàng Nam Tiến giữ vị trí Chủ tịch HĐQT của FPT Telecom trong nhiệm kỳ 2023 – 2028.
Ông Hoàng Việt Anh cũng đang là một cổ đông của doanh nghiệp này khi đang trực tiếp nắm giữ gần 2,2 triệu cổ phiếu FPT có giá trị hàng trăm tỷ đồng.
Ngoài khối tài sản trăm tỷ trên sàn chứng khoán, với việc đang nắm giữ những vị trí quan trọng tại Tập đoàn FPT và công ty thành viên, ông Hoàng Việt Anh cũng có thu nhập thuộc hàng đáng mơ ước của nhiều người.
Trong năm 2022, FPT Telecom chi 2,4 tỷ đồng cho CEO Hoàng Việt Anh, tăng hơn 158 triệu đồng so với năm 2021. Cùng với đó, trên cương vị là Phó Tổng giám đốc Tập đoàn FPT, ông Hoàng Việt Anh nhận thu nhập trong năm 2022 là 2,6 tỷ đồng, tăng hơn 200 triệu đồng so với năm 2021.
Với hai nguồn thu nhập chính này, ông Hoàng Việt Anh có tổng thu nhập lên tới 5 tỷ đồng trong năm 2022 vừa qua, tương đương mức thu nhập hơn 400 triệu đồng/tháng.
Bùi Quang Ngọc, từ thầy giáo đến trụ cột của FPT
Ông Bùi Quang Ngọc (SN 1956) tại tỉnh Hưng Yên. Trước khi trở thành một trong những người đặt nền tảng đầu tiên cho FPT, ông Ngọc tham gia giảng dạy tại Đại học Bách Khoa Hà Nội trong suốt 9 năm liền. Ở ngôi trường nổi tiếng bậc nhất Thủ đô này, ông Ngọc giữ tới chức vụ Chủ nhiệm Khoa Tin học.
Năm 1979, ông đạt được bằng Cử nhân Toán ở Đại học Tổng hợp Kishinhov, sau đó 7 năm, ông Bùi Quang Ngọc thành công bảo vệ luận án Tiến sĩ về chuyên ngành Cơ sở dữ liệu tại Đại học Grenoble ở Pháp năm 1986.
Năm 1988, trước lời mời gọi của người bạn học thân thiết là ông Trương Gia Bình (Chủ tịch Tập đoàn FPT), ông Ngọc quyết định bỏ công việc giảng viên Đại học sau gần 1 thập kỷ gắn bó với giảng đường để tham gia sáng lập ra Tập đoàn FPT như hiện nay.
Với việc là một trong những trụ cột của FPT trong suốt khoảng thời gian từ những ngày đầu, ông Ngọc đã phải gánh vác hàng loạt những nhiệm vụ phức tạp trước khi ông ngồi lên vị trí Tổng giám đốc của FPT.
Cụ thể, ông Bùi Quang Ngọc từng là Chủ tịch Ủy ban Tổ chức cán bộ thuộc HĐQT FPT, Chủ tịch Ủy ban Kiểm soát nội bộ, Tổng giám đốc FPT Investment - công ty quản lý các khoản đầu tư tài chính, bất động sản của FPT, Phó Chủ tịch HĐQT, Phó Tổng Giám đốc FPT,…
Ông Ngọc chịu trách nhiệm quản trị rất nhiều dự án lớn của Tập đoàn như thống nhất công ty FPT trên toàn quốc (Bắc - Nam 2002); tiến hành cổ phần hóa FPT (2002); tái cấu trúc sở hữu 3 đơn vị thành viên FPT IS, FPT Software, FPT Trading (2011), và gần đây nhất là xây dựng Hệ thống quản trị bằng thẻ điểm cân bằng (BSC).
Đến tháng 8/2013, ông được bổ nhiệm vào vị trí Tổng Giám đốc FPT. Sau khi rời khỏi vị trí Tổng Giám đốc FPT vào năm 2019, ông Bùi Quang Ngọc tiếp tục giữ cương vị Phó chủ tịch HĐQT FPT và tham gia một số dự án lớn của tập đoàn.
Có lẽ do xuất thân nhà giáo nên bên cạnh những thành công trong hoạt động điều hành doanh nghiệp và phát triển kinh doanh, ông Bùi Quang Ngọc còn gây ấn tượng với việc đưa ra những chiến lược phát triển bền vững với yếu tố chủ yếu là con người.
Phạm Đình Đoàn, Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái Holdings
Ông Phạm Đình Đoàn, Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái Holdings, là một nhân vật quen thuộc của nhiều thế hệ Người Bách khoa. Năm 2022, ông được vinh danh Tốp 10 Doanh nhân tiêu biểu Việt Nam cho nhiều đóng góp về kinh tế và xã hội. Trong gần 30 năm lập nghiệp, ông luôn theo đuổi triết lý kinh doanh "3 chữ win": lợi ích của nhà đầu tư, lợi ích của đối tác phải gắn liền với lợi ích xã hội.
Ông Phạm Đình Đoàn, cựu sinh viên K27 Viện Công nghệ sinh học và Công nghệ thực phẩm, hiện nay là Chủ tịch Quỹ BK Fund, Phó Chủ tịch Mạng lưới Cựu sinh viên, và thành viên Hội đồng Đại học Bách khoa Hà Nội.
Doanh nhân Phạm Đình Đoàn được coi là thế hệ khởi nghiệp thành công đầu tiên của Việt Nam, là người tiên phong, khai phá và đặt nền móng cho mô hình bán lẻ hiện đại, thể hiện rõ ước mơ được vươn tầm quốc tế, nâng cao sức mạnh cạnh tranh của hệ thống phân phối tại Việt Nam với nước ngoài.
Với số vốn ban đầu 3.000 USD năm 1993, Công ty Cổ phần tập đoàn Phú Thái được thành lập, chuyên phân phối xà phòng. Kể từ đó, Phú Thái không ngừng có những bước phát triển quan trọng, trở thành đơn vị phân phối hàng đầu Việt Nam.
Từ một công ty nhỏ với chỉ hơn 10 thành viên, qua gần 30 năm tự khẳng định bản thân trên thương trường, tập đoàn Phú Thái của ông Phạm Đình Đoàn đã vươn lên mạnh mẽ, phát triển rộng khắp, đa ngành nghề, đa lĩnh vực. Điển hình như là Phú Thái Holdings có nhiều công ty con như Phu Thai CAT (lắp ráp xe), Phú Thái Group (hàng tiêu dùng), Phú Thái H&B (sức khỏe và sắc đẹp), Kowil (thời trang), GreenVet (thú y), Phú Thái Invest (giáo dục, nhà hàng, dược phẩm).
Trong đó, những lĩnh vực hoạt động chính là bất động sản thương mại (hệ thống siêu thị, kho vận và trung tâm phân phối…), bất động sản (đầu tư xây dựng hạ tầng bất động sản), phân phối, bán lẻ, logistics, công nghiệp.
Năm 2022, doanh nhân Phạm Đình Đoàn được vinh danh tốp 10 Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu.